Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

GS.TS. AHLĐ. Nguyễn Anh Trí: “Hãy coi tất cả bệnh nhân là người nhà của tôi

Tháng Bảy – tháng của những cuộc “Hành trình Đỏ”, hành trình tưởng nhớ những con người “không tiếc tuổi xuân mình” đã hi sinh máu, xương cho nền độc lập của dân tộc, cho niềm hạnh phúc của nhân dân. Tháng Bảy thiêng liêng, tháng Bảy nghiêng mình kính cẩn theo suốt chiều dài đất nước, theo niềm rưng rưng của mỗi người con nước Việt khi nhìn lên màu cờ Tổ quốc, thắm tươi mà rất đỗi tự hào. Và tháng Bảy cũng còn một cuộc “Hành trình Đỏ” khác. Đó là cuộc hành trình “san sẻ giọt máu đào” của những người tình nguyện cho đi giọt máu đang bừng bừng chảy trong huyết quản để cứu sống nhiều đồng chí, đồng đội và đồng bào trên khắp cả nước. Trong không khí của những ngày cuối tháng Bảy, Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư – Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để hiểu thêm về câu chuyện của những người làm công việc huyết học và truyền máu hiện nay.

PV: Thưa Giáo sư – Tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Anh Trí, nhắc tới ngành y nói chung, bệnh viện nói riêng người ta thường nghĩ tới những cụm từ y lí, y thuật, y đức, “lương y như từ mẫu”… ít ai bàn tới yếu tố văn hóa. Xin hỏi, ông quan niệm thế nào về yếu tố văn hóa trong môi trường bệnh viện, và đối với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thì ông quan tâm tới điều đó như thế nào?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Tôi cho rằng để làm việc gì, nhất là trong điều hành, quản lí, thì đầu tiên anh phải là người giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời phải là người có văn hóa, phải là cán cân công minh để giải quyết tất cả các vấn đề của một cơ quan. Trong nghề y mà không giỏi sẽ khó làm được ở viện đầu ngành. Nhưng để có một đơn vị thực sự tốt, thực sự đạt đến tầm cao thì yếu tố văn hóa là vô cùng quan trọng. Ngành y có phần y lí, y thuật và y đức. Tôi có may mắn đã đi khá nhiều nước học tập, tham quan, học hỏi về y tế thì  thấy y lí và y thuật (như về trang thiết bị, về trình độ tay nghề của y bác sĩ…) cả trong và ngoài quân đội của ta đều không kém gì quốc tế, thậm chí, có những khía cạnh chúng ta còn hơn họ, nhưng phải nói thật là khâu tổ chức và phục vụ của chúng ta (nơi mà chứa đựng rất nhiều hàm lượng về y đức) thì còn chưa bằng nhiều nước trên thế giới. Bản chất của y đức nói chung và thái độ phục vụ nói riêng của ngành y chính là văn hóa. Một lời nói, một cái bắt tay, một cái nhìn trìu mến đều phải được thể hiện cho được văn hóa. Cái này không tự dưng có, mà phải rèn.

Quay trở lại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thì chúng tôi coi yếu tố văn hóa là tinh thần sống còn cho sự phát triển và tồn tại của Viện. Đừng nói rằng cứ có phác đồ điều trị thật tốt, phương pháp tốt là đủ để bệnh nhân khỏi bệnh mà tinh thần và thái độ phục vụ cũng là những liệu pháp rất quan trọng trong việc chữa trị cho bệnh nhân. Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chính là nơi phát động phong trào “Mỗi người làm những việc tốt vì người bệnh” từ 2005, sau đó đã được Bộ Y tế triển khai thành phong trào chung của toàn ngành. “Việc tốt” ấy có thể chỉ đơn giản như cách tiêm, thái độ tiêm làm sao để bệnh nhân bớt đau, bớt sợ. Rồi cũng là một lời nói nhưng nói sao để bệnh nhân cảm thấy vừa lòng mà an tâm trị bệnh… Đó chính là những liều thuốc tinh thần dành cho bệnh nhân.

Chúng tôi còn có phong trào “Mỗi tháng rèn một việc”. Rèn từ những việc tưởng như rất nhỏ trở đi. Ví như, trong nhà ăn thì không để bừa bộn, ăn xong tuyệt đối không để thừa thức ăn. Tôi nói với anh chị em, có đến gần tỉ người trên thế giới đang phải chịu đói, bởi vậy tuyệt đối không được phí phạm. Hoặc ví như việc sử dụng điện. Nguyên tắc của chúng tôi là khi làm việc là phải thật sáng, thật mát để đảm bảo hiệu quả làm việc cao nhất nhưng khi ra khỏi phòng thì phải tắt điện. Rồi còn rèn thói quen cảm ơn người bệnh nữa chứ! Nghe thì có vẻ ngược, vì thường bệnh nhân nói lời cảm ơn thầy thuốc chứ đâu có chuyện thầy thuốc cảm ơn bệnh nhân. Nhưng sự thật là thầy thuốc cần phải cảm ơn bệnh nhân. Và bằng việc phát động phong trào “Nói lời cảm ơn thân thiện với bệnh nhân và người hiến máu”, chúng tôi đã rèn được thói quen đó trong toàn bệnh viện.

PV: Trước cuộc gặp này tôi đã vào đọc nhiều thông tin, nhiều bài viết trên trang web của Viện và rất ấn tượng với một bài viết có tên “Ở viện mát hơn ở nhà”. Bởi vì câu chuyện mà bệnh nhân được dùng điều hòa vốn là một điều khá xa xỉ trong bức tranh chung của y tế chúng ta hiện nay. Câu chuyện này đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Mùa hè cách đây hai năm khi đang nằm ở nhà, nửa đêm tỉnh dậy tôi thấy nóng quá. Tôi chợt nghĩ là mình đang nằm trong phòng có điều hòa hẳn hoi mà còn cảm thấy nóng, vậy thì hàng ngàn bệnh nhân ở Viện đang nằm chật kín phòng bệnh thì còn nóng tới cỡ nào. Trong khi đó, tất cả các phòng bệnh đã được trang bị điều hòa, nguyên cớ gì mà Viện lại không dùng tới nó, chẳng nhẽ lắp điều hòa chỉ để làm cảnh và dùng cho những lúc cần thiết thôi sao? Ngay sáng hôm sau tôi đã mời đồng chí Viện phó phụ trách hậu cần đến để bàn về việc này. Tôi bảo đồng chí Viện phó là “Em tính cho anh, nếu bật tất cả hệ thống điều hòa 24/24 thì một năm Viện sẽ tốn hết bao nhiêu kinh phí?” Sau khi tính toán, đồng chí Viện phó trả lời là hết trên 3 tỉ đồng. Tôi lại hỏi đồng chí ấy rằng, thường có khoảng bao nhiêu phần trăm số người bệnh có thể sử dụng được điều hòa, nếu như không phải thêm chi phí?. Và chúng tôi đã tiến hành làm một cuộc thăm dò nhanh với bệnh nhân trong Viện. Kết quả, trên 60% người bệnh dùng được điều hòa. Như vậy số tiền rút xuống còn khoảng 1,6 tỉ. Nhưng đây vẫn là một số tiền khá lớn so với mức kinh phí hàng năm của Viện. Chúng tôi lại ngồi tính toán là nếu bật từ 9 giờ tối tới 5 giờ sáng hôm sau thì số tiền điện sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 1,2 tỉ. Rồi thêm một bài toán nữa là chỉ đặt điều hòa ở chế độ 27, 28 độ C để tạo ra một môi trường trung hòa giữa trong và ngoài phòng bệnh. Và con số cuối cùng được đưa ra là hơn 700 triệu. Nếu vậy thì có thể chịu được. Phương án đã được thống nhất, cả Viện bắt tay vào thực hiện ngay.
Từ đó, bệnh nhân đã được nằm trong phòng bệnh có điều hòa mà không phải trả thêm tiền dịch vụ.

PV: Tôi đã nhiều lần đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để thăm người nhà đang điều trị tại đây. Có hôm vào thăm người nhà đang ăn trưa ở căng tin của Viện và không khỏi ngạc nhiên khi thấy các đồ ăn ở đây thấy rất đa dạng, bệnh nhân ăn rất ngon lành, trong khi đó giá cả lại không phải là cao so với mức mà người nội trợ nấu ở nhà. Từ câu chuyện đó, tôi muốn ông nói thêm về các loại hình dịch vụ mà bệnh viện đang trực tiếp cung cấp cho bệnh nhân?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Một trong những đặc điểm của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là có rất nhiều bệnh nhân sống “chung thân” với bệnh viện. Người nằm ít cũng vài tháng, dài dài thì 3 năm, 5 năm hoặc hơn. Và do phải nằm viện quá lâu nên cho dù có bảo hiểm y tế thì các gia đình bệnh nhân cũng bị “nghèo hóa” đi. Vì vậy, chúng tôi luôn trăn trở là làm sao phải cung cấp các dịch vụ vừa đảm bảo an toàn, vừa có giá cả phải chăng để phục vụ bệnh nhân và người nhà.

Nói về chuyện ăn. Ăn đương nhiên là một nhu cầu không thể thiếu của con người. Nhưng với bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân mắc các bệnh về máu thì việc ăn càng vô cùng quan trọng. Ví dụ bệnh nhân ung thư máu, sau khi hóa trị, xạ trị, bạch cầu mất hết, sức đề kháng gần như bằng không, nếu ăn uống không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm khuẩn, tiêu chảy, có khi chỉ một đêm tiêu chảy là chúng tôi mất một bệnh nhân. Lúc ấy bao nhiêu công sức chữa trị của bệnh viện và cả sự cố gắng của bệnh nhân sẽ đổ xuống sông xuống biển. Vì thế, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là một trong số ít các bệnh viện ở Hà Nội có riêng một khoa Dinh dưỡng theo đúng nghĩa của nó. Tất cả anh chị em ở khoa Dinh dưỡng đều được đi học về an toàn vệ sinh thực thẩm và phải cam kết làm tốt trong chế biến, cũng như phục vụ bữa ăn cho bệnh nhân. Chúng tôi cũng không tổ chức đấu thầu các loại hình dịch vụ, mặc dù, nói thật là nếu đấu thầu thì ít nhiều bệnh viện cũng có thêm thu nhập. Ở đây, chúng tôi không đề cập đến thu nhập, mà đề cao tính phục vụ.

PV: Giáo sư đã nói rằng muốn trở thành viện đầu ngành, muốn trở thành viện tầm cao thì đi đôi với việc có những con người giỏi về y lí, y thuật còn phải có sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức và phục vụ. Hẳn giáo sư đã rất có kinh nghiệm về vệc này?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Vâng! Để có được những cái đó thì mình phải học nhiều chứ. Tôi đã từng được sang Nhật học gần 2 năm và các thầy giáo Nhật có dạy nhiều điều, nhưng có 2 điều mà tôi luôn nhớ, đó là: “Chính bệnh nhân là người nuôi sống chúng ta (cán bộ y tế)” và “Chúng ta đang “bán” kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân”. Lúc ấy tôi thấy rất ngạc nhiên nhưng càng ngày tôi càng thấy đúng, rất đúng ở một môi trường chuyên nghiệp. Cần tận tụy hết mình trong việc chữa trị cho bệnh nhân nhưng sự tận tụy ấy phải là chuyên nghiệp. Ngẫm từ cuộc đời khám chữa bệnh, cùng những gì tôi đã có được thì nói thật lòng rằng: Quả thật, người bệnh đã nuôi sống chúng ta, người bệnh đã mang lại vinh quang cho chúng ta. Vâng, xin thưa các anh chị! Khi làm tiến sĩ tôi lấy số liệu ở đâu ạ? Ở chính bệnh nhân đấy chứ. Tôi có được học hàm Giáo sư như hôm nay cũng chính là từ thực tiễn khám chữa bệnh. Từ họ tôi mới được thể hiện những gì mình đã học, đã nghiên cứu được. Nhờ có họ mà giá trị của tôi mới được bồi đắp, bồi đắp rồi mới được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Rồi còn nữa: Thông qua bảo hiểm, thông qua tiền khám chữa bệnh thì bệnh nhân đích thực đang nuôi sống những người như chúng tôi. Đó chính là một thực tế, và đã trở thành một chân lí! Vậy thì không có lí gì mà chúng tôi không nói lời cảm ơn đối với họ. Khi xác định ra câu chuyện đó thì chúng ta sẽ phục vụ bệnh nhân hết mình, sẽ coi người bệnh như là người thân của mình, sẽ hết mực trân trọng thương yêu họ.

  Rất nhiều bệnh nhân tại Viện huyết học-Truyền máu Trung ương là trẻ em
Ảnh: TL

Tôi luôn nói với nhân viên của mình rằng: “Hãy coi bệnh nhân như người nhà của tôi”. Nhân viên của tôi chuẩn bị suất cơm cho ông viện trưởng như thế nào, nét mặt thế nào, ăn nói ra sao thì hãy phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đúng như thế. Nhiều bệnh nhân vào đây có hoàn cảnh gia đình rất nghèo, tôi thường bảo với anh chị em khoa Dinh dưỡng nói chung và nhà bếp nói riêng là: “Lưu ý nếu thấy bệnh nhân nghèo quá, họ xuống bếp ăn chỉ mua đĩa cơm, với chút rau, chút đậu thì hãy cố gắng thêm vào đó một chút thịt, chút cá là tốt nhất, nhỏ thôi cũng được, không thì thêm cho họ muôi canh hoặc bìa đậu”. Nói thì nói nhiều, nhưng chung quy lại là phải có ý thức phục vụ tốt, phải biết chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người bệnh. Y đức chính là ở đấy, từ mẫu chính là ở đấy và văn hóa cũng chính là chỗ đấy.

PV: Dường như số người mắc các bệnh về máu (trong đó có ung thư máu) cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh ngày càng tăng. Giáo sư có thể chia sẻ về nguyên nhân tại sao?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Bệnh về máu ở Việt Nam hiện nay đang tăng lên rất dữ dội. Những năm 80 của thế kỉ trước, thời kì Viện Huyết học – Truyền máu còn thuộc Bệnh viện Bạch Mai chỉ có 41 giường bệnh. Mà mỗi giường lúc đó rất ít khi bệnh nhân phải nằm đôi. Mười tám năm sau khi tôi từ Bệnh viện Việt – Xô sang đó làm Viện trưởng thì có khoảng trên 80 giường bệnh với trên 200 bệnh nhân. Đến năm 2010 Viện chuyển từ Bạch Mai ra cơ sở mới này (300 giường bệnh – PV) thì số bệnh nhân tăng lên liên tục mỗi năm, hiện nay bệnh nhân nội trú luôn ở mức trên 1.000. Ngoài số bệnh nhân nội trú, còn có trên 5.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Đó là chưa tính đến hơn 250 bệnh nhân đang nằm tại khoa Huyết học của Bệnh viện Bạch Mai. Chúng ta đã hoàn toàn không lường trước được sự tăng lên khủng khiếp của các bệnh về máu nên mặc dù là bệnh viện mới được xây dựng nhưng thiết kế đã không theo kịp sự biến chuyển của thực tế. Trong số các bệnh nhân mắc các bệnh về máu thì có đến 70% bệnh nhân mắc ung thư máu.

Tại sao bệnh về máu lại tăng lên chóng mặt như vậy? Tôi cho rằng có ba nhóm nguyên nhân: Thứ nhất đó là hậu quả của chiến tranh. Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh về máu đều có liên quan ít nhiều đến vấn đề di chứng của chất độc màu da cam và hàng loạt các chất độc khác mà chiến tranh đã để lại trên khắp dải đất hình chữ S của chúng ta. Thứ hai, là hệ quả của giai đoạn phát triển đất nước quá nhanh. Chúng ta tập trung cho phát triển công nghiệp mà thiếu quan tâm đến môi trường sống. Thứ ba, nói điều này bảo mê tín, nhưng tôi cho rằng đấy chính là “món quà” của Thượng đế. Thượng đế đang thử thách loài người, chưa bao giờ ngưng thử thách loài người. Y học của chúng ta luôn phải đi sau, phải giải quyết những bài toán mà tự nhiên đặt ra. Trước kia hàng triệu người chết vì dịch tả, vì uốn ván. Ta giải quyết được dịch tả, uốn ván, thì lại phát sinh những bệnh khác, như HIV, như SARD. Toàn là bệnh chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

PV: Được biết, trong những năm vừa qua, Viện Huyết học –  Truyền máu Trung ương đã rất thành công và có bước tiến lớn trong kĩ thuật ghép tế bào gốc để chữa trị cho người mắc bệnh ung thư máu. Giáo sư có thể chia sẻ tới bạn đọc kĩ hơn về lĩnh vực ghép tế bào gốc mà Viện đang triển khai hiện nay. Hiệu quả của nó như thế nào? Nó mở ra cơ hội cho những người mắc bệnh máu ra sao?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Về lĩnh vực ghép tế bào gốc thì ca ghép đầu tiên của Việt Nam được tiến hành ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1995 do giáo sư Trần Văn Bé thực hiện. Năm 2006 Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương mới tổ chức ca ghép đầu tiên. Nhưng cho đến nay, Viện đã ghép được trên 160 ca với tỉ lệ thành công rất cao (trên 75%). Chỉ riêng năm 2014 chúng tôi đã tiến hành ghép được 50 ca. Hàng ngày thường xuyên có từ 4 – 5 ca được ghép tại Viện. Có những ca cho kết quả rất ngoạn mục. Ví dụ như ca của bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần, ung thư máu đã 7 năm, các loại thuốc đều bất lực và cái chết đã cận kề. Sau khi chúng tôi tiến hành ghép thì em đã khỏi bệnh và bây giờ đã làm việc bình thường.

Có tới hàng trăm ca ung thư máu đang chờ đợi để được ghép tế bào gốc nhưng quả thật là chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện kĩ thuật trên. Khó khăn ở đây không phải do trình độ tay nghề của bác sĩ, cũng không phải ở trang thiết bị y tế mà ở nguồn tế bào gốc. Tức là muốn ghép tế bào gốc thì phải có tế bào gốc phù hợp, cũng như muốn truyền máu thì phải có máu hòa hợp, phù hợp thì mới truyền được.

Để giúp bạn đọc hiểu hơn về kĩ thuật ghép tế bảo gốc thì tôi xin nói thế này. Có hai cách ghép tế bào gốc là: Tự thân và đồng loài. Tự thân có nghĩa là lấy tế bào gốc của bệnh nhân để ghép lại cho chính họ. Nhưng chỉ có một số bệnh mới có thể tiến hành ghép theo kiểu này như ung thư hạch, bệnh đau tủy xương, còn với bệnh ung thư máu khác như Lơxêmi thì ghép tế bào gốc tự thân cũng được nhưng sau một khoảng thời gian nhất định nó sẽ tái phát vì chính cái tế bào gốc ấy đã tiềm ẩn bệnh. Để không bị tái phát trở lại thì ung thư máu chỉ ghép được bằng phương pháp ghép đồng loài. Đó là việc lấy tế bào gốc của người khác để ghép cho bệnh nhân, tốt nhất là lấy từ anh chị em ruột thịt của bệnh nhân. Tỉ lệ anh chị em có nguồn tế bào hòa hợp chiếm khoảng 25%. Nhưng hiện nay mỗi gia đình thường có 1-2 con, nên để tìm nguồn từ đây là rất khó có cơ hội. Cũng có thể lấy ở người ngoài, người không đồng huyết thống nhưng tỉ lệ này quá thấp, khoảng 30 nghìn người mới có một trường hợp phù hợp. Mà mỗi một trường hợp tiến hành xét nghiệm, chỉ tính xét nghiệm HLA(1) thôi thì đã tốn tới 10 triệu đồng/người, nên hi vọng tìm được ra một người có chỉ số phù hợp trong 30 nghìn người là vô cùng tốn kém, khó có thể thực hiện được.

Chính vì khó khăn như vậy nên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chúng tôi đã và đang quyết tâm xây dựng ngân hàng tế bào gốc bằng máu dây rốn cộng đồng. Ở Việt Nam hiện nay đã có bốn ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn, nhưng đa phần các ngân hàng này đều được tổ chức mang tính “private” (riêng tư – PV).  Nghĩa là, một bà mẹ khi sinh con thì họ sẽ đóng tiền để gửi máu dây rốn của con mình vào ngân hàng tế bào gốc và lúc nào con họ cần đến thì họ sẽ xin lấy ra sử dụng. Những ngân hàng này cất giữ tế bào gốc vì mang tính cá nhân cho mỗi người gửi, nên thường chỉ được sử dụng cho chính người gửi (nếu họ cần đến), mà không được sử dụng cho người khác. Vì thế, Viện chúng tôi đã quyết tâm xây hệ thống ngân hàng tế bào dây rốn mang tính chất “public” (cộng đồng – PV). Nghĩa là xin máu dây rốn của cộng đồng và để sử dụng cho cộng đồng, là tất cả những ai có nhu cầu. Với việc có ngân hàng này, rồi đây rất nhiều bệnh nhân bị các bệnh về máu sẽ có nhiều cơ hội được ghép tế bào gốc. Cho đến nay, ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn của Viện đã lưu giữ được trên 1.300 đơn vị tế bào gốc với chất lượng đầu vào rất đảm bảo, do phối hợp tiếp nhận tế bào gốc với  Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Để xây dựng ngân hàng này, chúng tôi đã nghiên cứu và có nhiều cải tiến trong việc tổ chức tiếp nhận, xử lí, xét nghiệm HLA với độ phân giải cao, tổ chức bảo quản trong điều kiện âm sâu và cả việc cải tiến hệ thống công nghệ thông tin để tiện tra cứu, tìm kiếm.
Một điều rất mừng là, với ngân hàng này chúng tôi đã có thể dễ dàng tìm kiếm được mẫu máu dây rốn phù hợp để ghép cho người bệnh. Ví dụ, vừa qua có 18 bệnh nhân đủ điều kiện để có thể ghép tế bào gốc. Tiến hành đọ chéo các đơn vị tế bào gốc có trong ngân hàng (lúc đó mới có khoảng 1.100 đơn vị), kết quả vô cùng khả quan: có đến 17 người tìm được mẫu tế bào gốc hòa hợp để ghép. Đó thực sự là một cuộc cách mạng vô cùng lớn lao đối với các hoạt động về tế bào gốc và mang lại cơ hội sống rất lớn cho những bệnh nhân bị ung thư máu.

PV: Như ông vừa nói, để có được nguồn tế bào gốc bằng máu dây rốn, Viện huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức liên kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để xây dựng ngân hàng. Vậy xin hỏi là các bà mẹ có biết không? Bởi tôi cứ hình dung ra tâm lí người Việt mình là dẫu không dùng nhưng nếu anh muốn lấy thì anh cũng phải hỏi tôi một cách đàng hoàng…

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Có chứ! Chúng tôi phải đặt vấn đề để xin các bà mẹ một cách đàng hoàng. Không những thế, chúng tôi còn làm cam kết là sẵn sàng cung cấp cho họ trong trường hợp họ có nhu cầu thật sự và phải dùng đến nó. Nhìn chung, các sản phụ rất sẵn lòng hiến tặng. Và thực chất nếu không dùng cũng sẽ phải hủy như một chất thải sinh học. Nhưng lưu ý là không phải bà mẹ nào khi sinh con cũng có thể cung cấp được dây cuống rốn cho ngân hàng tế bào gốc, mà phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về sức khỏe, về cân nặng của thai nhi, về độ lớn của bánh nhau, về các chỉ tiêu về tế bào gốc nữa v.v…

PV: Được biết Viện là nơi khởi xướng và tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực hiến máu, ông có thể nói kĩ về vấn đề này? Những hoạt động như “Lễ hội Xuân hồng” hay “Hành trình Đỏ” mỗi năm đã hỗ trợ bao nhiêu phần trăm lượng máu cần cho điều trị?

GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Từ năm 2008 đến năm 2015, Viện chúng tôi đã tổ chức thành công 8 kì “Lễ hội Xuân hồng” liên tiếp, qua đó đã vận động được hàng chục ngàn người hiến máu và đã tiếp nhận được hơn 100 nghìn đơn vị máu vào thời điểm ngay sau Tết cổ truyền – là thời điểm thường thiếu máu trầm trọng – góp phần quan trọng trong cấp cứu bệnh kịp thời. Đến nay “Lễ hội Xuân hồng” đã trở thành lễ hội được tổ chức trong phạm vi cả nước hàng năm, và đã góp phần chấm dứt tình trạng thiếu máu sau Tết Nguyên đán trên phạm vi toàn quốc.

Chúng tôi cũng tổ chức triển khai nhiều chương trình hiến máu tình nguyện phù hợp, thông qua các hoạt động như: “Mỗi giọt máu – Một tấm lòng”, “Cuộc đi bộ vì phong trào hiến máu tình nguyện”, “Hành trình trái tim Việt Nam”; hay các chương trình “Giọt máu nghĩa tình”, “Giọt máu yêu thương”, “Ngày chủ nhật đỏ”,  “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6” nhằm mục đích vận động hiến máu. Do đó hàng năm số lượng đơn vị máu mà Viện tiếp nhận được luôn tăng cao (cụ thể: năm 2003 chỉ tiếp nhận được khoảng 30.000 đơn vị máu, thì năm 2014 đã là 210.509.000 đơn vị). Viện đã đảm bảo cung cấp nguồn máu cho 122 bệnh viện trong 16 tỉnh thành, đồng thời không để xảy ra tai biến nào trong việc truyền máu. Ngoài ra, Viện còn tổ chức được một lực lượng hiến máu dự bị và câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm để phục vụ người bệnh khi cần thiết.

Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, Viện đã khởi xướng và tổ chức thành công “Hành trình Đỏ” vận động hiến máu xuyên Việt, để mở rộng đối tượng và địa bàn hiến máu.

 GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2015 (Ảnh Vương Tuấn)

Hiện tại, chúng tôi đang tổ chức chương trình “Hành trình Đỏ” lần 3. Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” đoàn vận động hiến máu sẽ đi qua 38 tỉnh/thành và sẽ dừng chân ở 22 tỉnh/thành để vận động hiến máu và tiếp nhận cho được 17.000 nghìn đơn vị máu, giải quyết kịp thời tình trạng thiếu máu vào mùa hè. Điều có ý nghĩa hơn là thông qua “Hành trình Đỏ” sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu nhân đạo trong cả nước, tạo ra những hoạt động hướng thiện và nhân ái trong cộng đồng xã hội.

PV: Rất cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện này.

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan