Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Hiệu quả điều trị ung thư máu ở trẻ em ngày càng được nâng cao

Năm 2015, chị Nguyễn Thị Dung (quê ở Quảng Ninh) vô cùng suy sụp khi nghe tin cháu Nguyễn Thế Anh, cậu con trai 14 tuổi của chị bị ung thư máu.

Ban đầu, trên da con xuất hiện những vết bầm tím. Con còn bị ho, sốt cao và mệt mỏi. Gia đình nghĩ con bị cảm cúm nên cho con uống thuốc hạ sốt. Nhưng rồi khoảng nửa tháng sau, con đang đi học thì bị chảy máu cam và gục xuống bàn. Bố đưa con từ bệnh viện huyện, đến bệnh viện tỉnh, sau đó con được chuyển lên Viện Huyết học – Truyền máu TW.

Khi nghe chồng gọi điện báo tin về bệnh tình của con, chị Dung chỉ mong sao mình nghe nhầm, mong sao kết quả xét nghiệm ấy không đúng, nhưng rồi chị cũng phải đối diện với sự thật: con chị phải tạm dừng năm học lớp 9 để bắt đầu cuộc chiến với bệnh ung thư máu.

Còn gì đau đớn hơn với một người mẹ khi nhìn đứa con còn thơ dại phải chống chọi với bạo bệnh. Những ngày đầu vào viện, chị Dung luôn có cảm giác tử thần đang rình rập, sẵn sàng cướp con chị đi bất cứ lúc nào. Cậu bé phải chọc tủy, lọc bạch cầu, truyền hóa chất. Rất nhiều ngày, con nằm mê man, sốt cao, toàn thân nóng hầm hập. Chị Dung chỉ biết cố gắng hết sức động viên, chăm sóc con, đặc biệt chú ý giữ gìn vệ sinh để con tránh nhiễm khuẩn.

Hơn một năm sau, gia đình chị Dung đã được đón tin vui. “Nhờ được BS. Mai Lan (Trưởng khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu TW) và các bác sĩ, điều dưỡng tận tình chữa trị, con đã lui bệnh và được về nhà”, chị Dung nhớ lại.

Từ một cậu bé phải chống chọi với bạo bệnh, giờ đây Nguyễn Thế Anh là một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh

Sau 8 năm kể từ cú sốc ấy, cậu bé Nguyễn Thế Anh ngày nào giờ đã trở thành một chàng trai 22 tuổi cao lớn, khỏe mạnh. Chị Dung, người mẹ đã từng sống trong nỗi sợ hãi mất con rất hạnh phúc khi con mình không chỉ học xong cấp 3 mà còn chuẩn bị tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa. Chàng trai trẻ luôn nỗ lực và trân trọng cuộc sống bởi anh đã được trao thêm cơ hội sống vô cùng quý giá.

Cũng như con trai chị Dung, con gái chị Trần Mai T. có những vết chấm đỏ li ti trên da và còn bị chảy máu chân răng. Cô bé mới 3 tuổi ấy liên tục sốt cao và có biểu hiện xanh xao, kém ăn.

Chị Trần Mai T. đưa con đi khám và cảm thấy như sét đánh ngang tai khi biết con gái mình mắc ung thư máu khi vừa bắt đầu đi học mầm non.

Chị T. chia sẻ: “Tôi không thể nào tả nổi cảm giác lúc bấy giờ nữa. Đau khổ, sợ hãi, không chấp nhận được sự thật ấy!”

Hành trình chống chọi với ung thư của một cô bé 3 tuổi thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Con không chỉ phải điều trị ung thư máu mà còn bị bệnh về dạ dày cộng thêm cả những đợt viêm tai, viêm họng. Khi đó, vợ chồng chị T. lại không có việc làm ổn định, nhà chị ở một huyện miền núi xa xôi của tỉnh Lào Cai, mỗi lần đi viện rất vất vả và tốn kém.

Những ngày tháng hồn nhiên, vui vẻ đã trở lại với con gái chị Trần Mai T. 

Trong quá trình điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu TW, con đáp ứng thuốc, sức khỏe ngày một tốt hơn và chị T. cũng dần bình tâm trở lại.

Sau 6 tháng điều trị tấn công, con được đi duy trì 24 đợt trong 2 năm. Tiếp đó, con chỉ cần đi tái khám để kiểm tra, theo dõi định kỳ. 5 năm đã trôi qua, niềm vui của chị T. là mỗi ngày được đưa con đi học, nhìn con khôn lớn từng ngày và luôn hoạt bát, đáng yêu như bao em nhỏ khác.

Có thể thấy, trong những năm qua, hiệu quả điều trị ung thư máu ở trẻ em đang ngày một nâng cao. TS.BS. Hoàng Thị Hồng, Phó trưởng khóa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Ung thư máu là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Mỗi năm, Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tiếp nhận thêm khoảng 300 trẻ mắc mới ung thư máu.

Hiện nay, các phương pháp điều trị bao gồm: truyền hóa chất đường tĩnh mạch (có thể kết hợp xạ trị), ghép tế bào gốc, điều trị nhắm đích. Khả năng điều trị lui bệnh ở bệnh nhi ung thư máu ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, hiệu quả điều trị khác nhau tùy theo từng thể bệnh, nhóm nguy cơ. Với nhóm nguy cơ thường, khoảng trên 80% bệnh nhi có thể đạt được lui bệnh sau điều trị tấn công.”

Trương Hằng, ảnh: NVCC

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan