Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Hội nghị Công tác truyền máu toàn quốc năm 2024: hướng đến dịch vụ máu an toàn, chất lượng, bền vững

Ngày 11/4/2024, tại Hà Nội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Công ty TNHH Roche Việt Nam tổ chức Hội nghị Công tác truyền máu toàn quốc năm 2024.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động truyền máu toàn quốc năm 2023, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; đồng thời tạo cơ hội kết nối các nhà quản lý, các cán bộ làm công tác truyền máu để cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đề xuất các giải pháp hướng tới phát triển dịch vụ máu an toàn, bền vững.

Tham dự Hội nghị có TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế; BS. Lê Gia Tiến – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện; PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương; lãnh đạo Công ty TNHH Roche Việt Nam; gần 200 đại biểu là lãnh đạo các Trung tâm Truyền máu, các bệnh viện tham dự trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu thuộc các cơ sở truyền máu trong cả nước.

Một số nội dung được tập trung thảo luận tại hội nghị gồm có: tổng kết công tác truyền máu năm 2023, định hướng năm 2024; công tác xét nghiệm sàng lọc đảm bảo an toàn truyền máu; công tác quản lý chất lượng trong hoạt động truyền máu; hiệu quả công tác đảm bảo cung cấp máu…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhấn mạnh: “Trong 30 năm hình thành và phát triển phong trào hiến máu tình nguyện nước ta (1994 – 2024), lượng máu tiếp nhận được tăng đều qua các năm. Kể từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm chúng ta đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Chúng ta cũng đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động HMTN từ Trung ương đến địa phương; đã thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu và đặc biệt là công tác điều phối máu giữa các địa phương”.

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phát biểu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe TS. Trần Ngọc Quế – Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương báo cáo những kết quả nổi bật của hoạt động truyền máu toàn quốc năm 2023. Báo cáo dựa trên số liệu từ 95 cơ sở y tế, gồm 30 bệnh viện tuyến trung ương, 63 bệnh viện đa khoa các tỉnh/thành phố và 02 bệnh viện ngành (quân đội, công an).

TS. Trần Ngọc Quế – Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương báo cáo về kết quả hoạt động truyền máu toàn quốc năm 2023.

Cả nước có 77 cơ sở y tế (thuộc 44 tỉnh/thành phố) tham gia tiếp nhận máu, trong đó: 48 cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương/tuyến tỉnh thực hiện tiếp nhận máu thường xuyên, 29 cơ sở y tế tuyến huyện chủ yếu tiếp nhận máu phục vụ cấp cứu. Năm 2023, toàn quốc đã tiếp nhận 1.587.890 đơn vị máu (gồm 1.481.729 đơn vị máu toàn phần và 106.161 đơn vị tiểu cầu gạn tách), tăng 6% so với năm 2022. Trung bình mỗi tháng, cả nước tiếp nhận gần 130.000 đơn vị máu. Số lượng đơn vị máu tiếp nhận thể tích từ 350ml trở lên chiếm 66% tổng lượng máu tiếp nhận. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại gần 60%. Tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt khoảng 97%.

Mặc dù tổng số có 77 cơ sở tiếp nhận máu trong cả nước, nhưng 91% lượng máu tiếp nhận lại tập trung ở 23 bệnh viện/Trung tâm truyền máu. Khu vực đồng bằng sông Hồng tiếp nhận số lượng máu nhiều nhất với 655.842 đơn vị máu. Trong đó, riêng Viện Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận 485.432 đơn vị máu (bao gồm hơn 450.000 đơn vị máu toàn phần và hơn 35.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách), chiếm 30% lượng máu tiếp nhận toàn quốc.

Theo Thông tư 26/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn hoạt động truyền máu, tất cả các đơn vị máu tiếp nhận phải được xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B, viêm gan C, HIV, vi khuẩn giang mai. Trong đó, virus viêm gan B, viêm gan C, HIV được thực hiện đồng thời bằng cả kỹ thuật huyết thanh học và xét nghiệm sinh học phân tử (NAT).

Để đảm bảo chất lượng xét nghiệm và phù hợp vào điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở truyền máu, việc xét nghiệm sàng lọc máu được thực hiện theo hướng tập trung hóa.

Theo ThS. Nguyễn Thị Thanh Dung, Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cả nước hiện có 46 cơ sở truyền máu triển khai hoạt động sàng lọc máu. Trong đó 14 cơ sở triển khai đồng bộ các kỹ thuật xét nghiệm theo quy định, sàng lọc cho hơn 1,3 triệu đơn vị máu (chiếm 84% lượng máu tiếp nhận). 32 cơ sở truyền máu còn lại chỉ thực hiện kỹ thuật huyết thanh học và gửi mẫu tới các Trung tâm lớn để thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật NAT, hoặc gửi mẫu xét nghiệm sàng lọc toàn bộ đơn vị máu với cả 2 kỹ thuật; đảm bảo các đơn vị máu đều được xét nghiệm an toàn.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Dung, Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trình bày báo cáo về tình hình công tác xét nghiệm sàng lọc các tác nhân lây qua đường truyền máu năm 2023 và xu hướng phát triển một số tác nhân gây bệnh ảnh hưởng tới an toàn truyền máu.

Từ kết quả máu tiếp nhận được và có kết quả sàng lọc an toàn, các cơ sở truyền máu điều chế được 2.901.141 chế phẩm máu theo nhu cầu, tăng 15% so với năm 2022, chủ yếu là khối hồng cầu với gần 1,5 triệu đơn vị (chiếm 51,7%), huyết tương 820.305 đơn vị (chiếm 28,2%) và các chế phẩm khác như: tủa lạnh giàu yếu tố VIII, khối tiểu cầu gạn tách, khối bạch cầu…

Một trong những vấn đề quan trọng để công tác truyền máu an toàn, bền vững là quản lý chất lượng. Chỉ ra những kết quả đạt được và một số tồn tại trong công tác quản lý chất lượng của hoạt động truyền máu, PGS.TS. Nguyễn Quang Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đề xuất: Cần áp dụng ISO 9001 cho các cơ sở truyền máu; áp dụng chất lượng phòng xét nghiệm của Bộ Y tế và ISO 15189 cho phòng Xét nghiệm sàng lọc máu ở các Trung tâm tiếp nhận máu và phòng xét nghiệm cấp phát máu bệnh viện; kết nối dữ liệu người hiến máu giữa các Trung tâm/ bệnh viện trên toàn quốc; tiếp tục triển khai đánh giá và hỗ trợ đào tạo, tập huấn quản lý chất lượng cho các cơ sở truyền máu…

PGS.TS. Nguyễn Quang Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương với báo cáo về Quản lý chất lượng trong hoạt động truyền máu.

TS. Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ những king nghiệm trong công tác vận động, tiếp nhận, đảm bảo xét nghiệm sàng lọc và cung cấp máu.

Các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và nêu các ý kiến đề xuất.

Ghi nhận những kết quả đạt được, TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao những kết quả của công tác truyền máu toàn quốc trong năm 2023 dù trong điều kiện còn khó khăn.

TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

“Bộ Y tế đánh giá cao sự điều phối, tương trợ, chia lửa của các Trung tâm Truyền máu trên cả nước trong lúc khó khăn, đặc biệt đã hỗ trợ hàng chục nghìn đơn vị máu cho đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự tham gia của TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các ban ngành đoàn thể đã đóng góp tích cực vào phong trào hiến máu tình nguyện. Hiện nay tỷ lệ hiến máu tình nguyện nước ta đã đạt 97% – đó là con số hết sức tự hào của chúng ta”, TS. Nguyễn Trọng Khoa khẳng định.

Để tiếp tục duy trì, phát triển dịch vụ máu an toàn, chất lượng, bền vững, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, các cơ sở truyền máu phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các cơ quan liên quan tập trung tham mưu các giải pháp đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng cho điều trị, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo bằng cách phát huy các ngân hàng máu sống ở các khu vực này.

Đồng thời, cần rà soát quy hoạch, hệ thống văn bản, cơ sở pháp lý liên quan đến phát triển dịch vụ máu để đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế nếu cần. Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hướng đến dịch vụ truyền máu ngày càng chất lượng hiệu quả bền vững.

TS. Nguyễn Trọng Khoa cũng đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng chuyển đổi số y tế và đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia vào quản lý dịch vụ máu, trước hết là người hiến máu; phát triển phần mềm trong quản lý, nâng cao sự kết nối giữa các cơ sở truyền máu. Các Trung tâm Máu cần quan tâm đến việc đào tạo, tuyển chọn nhân lực làm công tác truyền máu; đảm bảo thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất sinh phẩm, túi máu…, không để gián đoạn hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu trong thời gian tới.

ThS. Nguyễn Chí Anh, Quản lý thiết bị chẩn đoán và tư vấn phòng xét nghiệm, Công ty TNHH Roche Việt Nam trình bày báo cáo về Tự động hóa phòng Xét nghiệm sàng lọc máu.

Đại diện đơn vị đồng hành tổ chức Hội nghị, bà Trương Thị Tố Hoa, Giám đốc Đăng ký, Đối ngoại và Quản lý chất lượng, Công ty TNHH Roche Việt Nam chia sẻ: “Roche trân trọng những đóng góp và thành quả ngành truyền máu cả nước đạt được trong thời gian qua. Công ty đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành trong tương lai cùng với hoạt động truyền máu”.

Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trân trọng cảm ơn sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự đồng hành của Hội Chữ  thập đỏ các cấp, sự tham gia của quý đồng nghiệp đóng góp vào thành công của Hội nghị.

“Nhìn lại năm 2023 như các báo cáo và thảo luận đã trình bày, chia sẻ, công tác truyền máu trên phạm vi toàn quốc đã có được những kết quả tích cực, vượt qua được những khó khăn trước mắt, trong đó tiếp nhận được gần 1,6 triệu đơn vị máu, tăng 6% so với năm 2022”, PGS. Thanh chia sẻ.

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh cũng kỳ vọng và đề xuất những mục tiêu cần thực hiện trong thời gian tới: Các cơ sở truyền máu cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với Ban chỉ đạo Vận động HMTN các cấp trong việc xây dựng chỉ tiêu hiến máu trong năm; Các trung tâm, đơn vị cần sớm có kế hoạch dự trù trang thiết bị, nhân lực, mức độ ưu tiên đề xuất, báo cáo đơn vị chủ quản xem xét thực hiện sớm; Tiếp tục duy trì các hoạt động giao ban, tổng kết định kỳ hàng năm và tăng cường các hoạt động phối hợp kết nối giữa các cơ sở truyền máu toàn quốc, giữa đơn vị vận động – tiếp nhận – sử dụng để nâng cao hiệu quả việc cung ứng chế phẩm máu.

Hội nghị cũng đề xuất với Bộ Y tế cần quan tâm để cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động truyền máu; Tạo điều kiện về nguồn lực, chương trình, dự án hỗ trợ cho các trung tâm để cải tạo cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động xây dựng mạng lưới truyền máu toàn quốc, chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Thảo Nguyên, ảnh: Trần Chiến

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan