Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Hơn một năm hiến tiểu cầu, cô gái 9x òa khóc khi bệnh nhân qua đời

Cách đây ít hôm, hay tin bà cụ suy tủy nặng được Nguyễn Thị Trâm (27 tuổi, quê Thanh Hóa) cho tiểu cầu trong suốt 15 tháng liền đã qua đời, cô gái 9x đã không khỏi xót xa, òa khóc trong sự hụt hẫng.

Cuối tháng 3/2020, sau cuộc điện thoại định mệnh, Trâm đã gặp vợ chồng bà cụ T.T. Xoan và tình nguyện hiến tiểu cầu giúp bà duy trì sự sống khi đối mặt với căn bệnh suy tủy nặng.

Nguyễn Thị Trâm – cô gái tình nguyện hiến tiểu cầu giúp bà cụ suy tủy nặng duy trì sự sống (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với chúng tôi, cô gái 9x hồi tưởng lại, chiều hôm đó, cô đang làm việc, bỗng nhận được điện thoại của người quen báo, có bệnh nhân bị suy tủy nặng, cần gấp tiểu cầu nhóm máu AB.

Không đắn đo, Trâm tức tốc thu xếp công việc chạy qua bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá hiến tiểu cầu. Tại đây, cô đã hiến tiểu cầu giúp bà cụ vượt qua cơn nguy kịch. Kể từ đó, Trâm giữ liên lạc với gia đình bà cụ và đều đặn hàng tháng dành thời gian vào bệnh viện truyền tiểu cầu.

“Mỗi khi truyền tiểu cầu xong, mình thường tranh thủ ngồi trò chuyện cùng ông bà rồi mới về. Dù bà cụ bị suy tủy nặng suốt nhiều năm nay, nhưng cụ ông vẫn cố gắng cùng cụ bà đi hết bệnh viện này qua bệnh viện khác, thậm chí đi từ Nam ra Bắc mà không hề than trách ai. Ngày nào cũng vậy, ông luôn túc trực chăm nom bà một cách chu toàn khiến mình rất cảm động và trân quý tình cảm của ông bà dành cho nhau”, Trâm nói.

“Thông thường, trước khi vào viện vài hôm, bà cụ thường xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, nhợt nhạt, chảy máu chân răng. Khi đó gia đình bà sẽ chủ động gọi điện trước cho mình thu xếp công việc và đến bệnh viện đúng ngày”, Trâm nói thêm.

Với Trâm, việc hiến máu và hiến tiểu cầu là 1 việc làm ý nghĩa và thiết thực để duy trì sự sống cho người bệnh. (Ảnh: NVCC)

Thời gian cứ thế trôi, hơn một năm qua cô gái trẻ đã đồng hành cùng bà cụ giúp bà kéo dài sự sống. Nhiều lần, gia đình cụ ngỏ ý muốn gửi Trâm tiền đi lại và quà nhưng cô nhất quyết không nhận. Trâm cho rằng, trong lúc khó khăn, hoạn nạn giúp đỡ được mọi người là điều quý giá nhất đối với cô.

Hơn nữa, Trâm xem ông bà như người trong gia đình, nên Trâm luôn tự nhủ phải cố gắng giữ sức khỏe tốt để hàng tháng truyền tiểu cầu cho bà thì sức khỏe của bà sẽ nhanh ổn định.

Chính vì vậy, khi hay tin bà cụ qua đời khiến Trâm hụt hẫng và không khỏi xót xa: “Thực sự những ngày vừa rồi mình nghĩ về ông bà rất nhiều, trong lòng cứ bồn chồn, bất an. Bình thường tầm ngày 18-19 là gia đình ông bà sẽ gọi để mình thu xếp công việc qua bệnh viện hiến tiểu cầu cho bà. Nhưng đến tận ngày 22 vẫn không thấy, ngay hôm đó, đợi hết ca làm việc mình cầm điện thoại truy cập vào facebook của ông thì hay tin bà đã mất. Bỗng nhiên tay chân mình rụng rời, nước mắt cứ thế trực trào”, Trâm tâm sự.

Tháng trước Trâm vẫn qua bệnh viện truyền tiểu cầu cùng bà cụ. Trước khi về, cô còn ghé phòng bà hỏi thăm tình hình sức khỏe và chuyện trò cùng với bà. Mỗi khi thấy Trâm, bà cụ đều nở nụ cười đôn hậu, nhẹ nhàng vỗ về động viên Trâm, khiến cô cảm thấy ấm lòng mỗi khi ở bên bà.

Vợ chồng cụ Xoan được Trâm tình nguyện hiến tiểu cầu suốt 15 tháng qua (Ảnh: NVCC)

Trâm chia sẻ: “Suốt 15 tháng qua, chưa bao giờ mình nghĩ đến trường hợp xấu như vậy, mình chỉ mong có đủ sức khỏe, để cho đi những “giọt vàng hi vọng” giúp những người bệnh như bà được sống lâu thật lâu. Nhưng nay bà đã ra đi mãi mãi rồi…”

Câu chuyện cảm động được Trâm chia sẻ lên facebook đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và những lời động viên ấm áp từ cộng đồng mạng, giúp Trâm có thêm động lực “tiếp lửa” cho những số phận kém may mắn.

Trâm cho biết thêm, cô tham gia hiến máu từ khi 18 tuổi. Dù công việc hiện tại bận rộn và con nhỏ nhưng Trâm vẫn thu xếp thời gian tham gia một số chương trình vận động hiến máu lớn của tỉnh. Nên có trường hợp ca bệnh nào cần máu gấp là ngay lập tức người nhà hoặc bạn bè lại nhờ Trâm kêu gọi, giúp đỡ.

Lúc đầu, khi mới tham gia vào hoạt động hiến máu, gia đình Trâm phản đối, vì sợ Trâm ốm, không đủ sức khỏe để học tập và làm việc. Nhưng chứng kiến những hoàn cảnh đáng thương, Trâm không nỡ đứng nhìn. Cô quyết tâm cân đối giữa việc làm và việc học cũng như công việc thiện nguyện, nên gia đình yên tâm và phần nào hiểu được nhiệt huyết của cô. Từ đó, gia đình đã đồng ý và tin tưởng cho Trâm tiếp tục tham gia công tác tình nguyện vận động hiến máu.

“Mình không nhớ đã hiến máu, hiến tiểu cầu bao nhiêu lần. Cách đây 2 năm, mình cũng giúp một em bé sơ sinh bị suy giảm tiểu cầu, bà cụ rơi từ mái nhà xuống phải mổ cấp cứu, khi thì bệnh nhân mổ tim, máu không đông. Có lần, 3 giờ sáng, bác sĩ gọi điện cho mình báo có trường hợp khẩn cấp, mình lại chạy tất tả chạy xe vào bệnh viện để giúp.

Mỗi lần giúp được người khác như vậy mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc, dường như mọi mệt mỏi, khó nhọc đều tan biến. Mình chỉ mong có sức khỏe, để hiến tiểu cầu thường xuyên và giúp đỡ được nhiều người bệnh hơn nữa thôi”, cô gái 9x chia sẻ.

Theo báo Dân trí

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan