Hưởng ứng ngày toàn dân hiến máu tình nguyện: Không để người bệnh nguy kịch vì thiếu máu
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, lịch vận động hiến máu khắp nơi bị trì hoãn… đã khiến cho tình trạng thiếu máu cấp cứu tại các bệnh viện đang diễn ra trên khắp cả nước ở mức trầm trọng.
Chưa bao giờ thiếu máu như lúc này
Ngày 3.4, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân nữ bị sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Bệnh nhân đã ngừng tim 2 lần, lần đầu khi xe cấp cứu đang vào bệnh viện.
Các bác sĩ đã ép tim, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân ngày trên đường đưa bệnh nhân vào khoa cấp cứu. Do bệnh nhân quá nặng, nguy cơ chảy máu cao sau phẫu thuật nên không thể sử dụng phương pháp ECMO (tim phổi nhân tạo). Tình trạng bệnh nhân xấu đi nhanh chóng, các chỉ số sinh tồn đều ở mức nguy hiểm.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng – Bệnh viện Bạch Mai xúc động chia sẻ: “2 tiếng ép tim ngoài lồng ngực, truyền 4 lít máu, toan chuyển hoá nặng. Người nhà được chuẩn bị tinh thần khả năng tử vong. Thế rồi tim đập lại, bệnh nhân sống lại một cách kỳ diệu”.
Chắc chắn, các bác sĩ không thể cứu được bệnh nhân nếu như không có những đơn vị máu quý giá được đưa đến kịp thời. Sản phụ này đã được truyền tổng cộng 35 đơn vị chế phẩm máu nhóm O để vượt cạn thành công và bảo toàn tính mạng.
Kêu gọi cộng đồng tham gia hiến máu
Tại miền Bắc, lượng máu dự trữ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tính đến 8.4 chỉ còn hơn 8.000 đơn vị máu. Trong đó, máu nhóm A chỉ còn chưa đến 1.000 đơn vị máu, chỉ chiếm 12% tổng lượng máu dự trữ (tỉ lệ nhóm máu này trong dân số khoảng 20%); trong khi máu nhóm AB thì lại còn đến gần 700 đơn vị, chiếm 8% tổng lượng máu dự trữ (tỉ lệ trong dân số chỉ khoảng 5%).
Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 khiến liên tiếp trong 2 tháng qua, lượng máu tiếp nhận của Viện sụt giảm nghiêm trọng. Cả tháng 3 – Tháng Thanh niên, Viện chỉ tiếp nhận được 16.000 đơn vị máu, chưa bằng một nửa so với số lượng tiếp nhận của tháng 3 hằng năm.
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Trong vài tuần liên tiếp, Viện chỉ tiếp nhận được 50 – 60 đơn vị máu mỗi ngày tại Viện và một số điểm hiến máu cố định. Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu như không có lịch hiến máu tại các cơ quan, trường học, khu dân cư. Chưa năm nào mà Tháng Thanh niên và Ngày Toàn dân hiến máu lại có số lượng máu tiếp nhận thấp như vậy. Lượng máu toàn phần tiếp nhận giảm nghiêm trọng dẫn đến tiểu cầu cũng rất thiếu vì thời hạn bảo quản của tiểu cầu rất ngắn (3 – 5 ngày)”.
“Viện vẫn cần đến trung bình khoảng 700 đơn vị máu mỗi ngày để cung cấp cho các bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố” – TS Khánh thông tin.
Dành máu cho bệnh nhân cấp cứu
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình cũng tương tự. Dù mới qua ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện” (7.4), nhưng lượng máu dự trữ tại Bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP.Cần Thơ đang bị cạn kiệt.
Không chỉ các ban vận động hiến máu ở Cần Thơ đã hủy hàng loạt lịch đi lấy máu ở cộng đồng đến ngày 15.4 mà người dân cũng ngại, không đến nơi đông người, lo sợ lây nhiễm COVID-19 nên lượng máu tiếp nhận sụt giảm nghiêm trọng. Có ngày, Bệnh viện Huyết học-Truyền máu TP.Cần Thơ không có ai đến hiến máu, kho máu dự trữ cạn kiệt, nhiều bệnh nhân đang nằm chờ truyền máu.
Theo Bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP.Cần Thơ, hiện bệnh viện chỉ còn dự trữ 1.200 đơn vị máu, trong khi lượng máu dự trữ trung bình phải từ 3.000 – 4.000 đơn vị máu. Điều này buộc bệnh viện chỉ cấp phát máu cho cấp cứu, còn bệnh nhân thiếu máu mãn tính phải nằm chờ máu, gây tốn kém chi phí, thời gian cho bệnh nhân, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Việt – Giám đốc Bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP.Cần Thơ cho biết, kho máu dự trữ của bệnh viện đang cạn kiệt, chỉ có thể cung cấp từ 2 – 7 đơn vị máu để các bệnh viện điều trị cho các bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu.
“Những năm trước, thời điểm tháng 3 và tháng 4, lúc nào cũng thừa máu dự trữ, do người dân, đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu rất đông. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ không còn máu để cấp cứu điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Việt nói.
BSCKII Kiên Sóc Kha – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh cho biết: Bình quân, mỗi ngày bệnh viện cần 40-50 đơn vị máu cho hoạt động điều trị. Những ngày qua, con số này đã giảm xuống còn 20-25 đơn vị, do thiếu hụt nguồn máu. Do đó, bệnh viện phải ưu tiên dùng trong hoạt động cấp cứu, nhiều ca mổ ở bệnh viện đã phải trì hoãn, dời lịch vì không có máu để mổ cho bệnh nhân.
Tương tự, bác sĩ CKII Nguyễn Thành Phúc – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang – cũng cho hay, do nhu cầu cấp bách, nên mỗi ngày bệnh viện đều bố trí xe đến Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ để nhận máu cho hoạt động điều trị. Tuy nhiên, hiện mỗi ngày chúng tôi cũng chỉ nhận được trên dưới 10 đơn vị máu, không đủ dùng và chỉ ưu tiên cho cấp cứu.
Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ hiện đảm nhận cung cấp máu cho 11/13 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL (trừ Long An và Kiên Giang) với hơn 70 bệnh viện sử dụng nguồn máu do đơn vị này cung cấp, trong đó có 2 bệnh viện quân y (Bệnh viện 121 Cần Thơ và Bệnh viện 120 Tiền Giang).
Các địa phương ở ĐBSCL sau khi tổ chức hiến máu tình nguyện phải chuyển về Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ để sàng lọc, phân loại. Sau đó, tùy theo nhu cầu, bệnh viện sẽ phân bổ lại nguồn máu cho từng địa phương dùng trong hoạt động y tế. Đây là điều bắt buộc, vì ở khu vực ĐBSCL, chỉ có bệnh viện này là đủ tiêu chuẩn để sàng lọc máu. T.L Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cùng 4 thứ trưởng hiến máu Sáng 9.4, tại Trụ sở của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng 4 thứ trưởng và cán bộ, công chức của Bộ đã tham gia hiến máu hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhân Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ: “Một giọt máu trao đi – Một cuộc đời ở lại, chương trình hiến máu thể hiện trách nhiệm mỗi người. Chắc chắn hoạt động này sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường duy trì thường xuyên, đều đặn để tạo cơ hội cho mỗi người trong chúng ta có thể trao đi giọt máu ấm nóng tình người”. T.L -T.C Lực lượng công an hiến hàng chục nghìn đơn vị máu Lực lượng Công an đã triển khai hoạt động hiến máu tình nguyện, đã thu hút hàng trăm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CAND hưởng ứng tham gia. Ngay ngày đầu phát động đã đóng góp cho lực lượng Y tế cả nước khoảng gần 2.000 đơn vị máu. Đây đều là những nhóm máu khan hiếm trong tình hình hiện nay. Dự kiến, trong đợt hiến máu tình nguyện của lực lượng CAND từ ngày 8.4 đến ngày 30.4.2020, toàn lực lượng Công an sẽ hiến tặng được hàng chục nghìn đơn vị máu. Trong đó, mỗi Công an địa phương phấn đấu tình nguyện hiến hơn 1.000 đơn vị máu. Riêng Công an thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mỗi đơn vị hiến 5.000 đơn vị máu. M.B Kêu gọi toàn dân tham gia hiến máu Hưởng ứng lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng toàn dân tham gia hiến máu cứu người, mấy ngày qua, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và nhiều điểm hiến máu khác đã ghi nhận hàng trăm người có nhóm máu O và nhóm máu A tham gia hiến máu. Ông Lê Trung Truyền ở Văn Giang, Hưng Yên (đã ngoài 60 tuổi nên không thể tham gia hiến máu) đã đưa 9 thành viên khác trong gia đình cùng đến hiến máu, hiến tiểu cầu. Con gái ông Lê Thị Bích Diệp- đã 37 lần hiến máu nhóm O, con gái Lê Thị Thiệp – 18 lần hiến máu và 1 lần hiến tiểu cầu, con rể Lê Xuân Tiệp – 30 lần hiến máu nhóm A, con rể Mạnh Hà cũng 9 lần hiến máu nhóm A. T.Linh Một phụ nữ Tây Nguyên tình nguyện hiến gần 10 lít máu trong 8 năm Đó là bà Lê Thị Lệ Hằng (ngụ phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Bà Hằng cho biết, năm 2012 tôi bắt đầu đi hiến máu. Đến nay, tôi đã có 8 năm với 31 lần hiến với khoảng gần 10 lít. “Năm 2018, có lần tôi đi vận động bà con dân tộc thiểu số người Tày ở trong vùng đi hiến máu nhưng lại gặp nhiều khó khăn vì nhận thức của họ về chuyện này còn khá hạn chế. Nhưng rồi dần dà bằng nhiều cách tiếp cận, tạo sự thân thiện và gần gũi khi tiếp xúc với bà con thì cuối cùng họ đã hiểu được về ý nghĩa của việc làm này”, bà Hằng chia sẻ. Năm nay, người phụ nữ này đã tròn 50 tuổi, và bà tham gia hiến máu đều đặn 3 tháng/lần (4 lần/năm). Bà Trần Thị Bảy – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Ea Tam, cho biết: “Bà Hằng luôn đồng hành cùng Hội vận động được nhiều người dân tham gia hiến máu”. BẢO TRUNG |
Theo Báo Lao động
Bài viết liên quan
Hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động đăng ký hiến máu
10 Tháng Tư, 2020Hưởng ứng Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4; lời kêu gọi của Tổng Bí thư Chủ tịch nước – Nguyễn Phú Trọng và Thư của Đại tướng –…
Phát động hiến máu trong lực lượng công an nhân dân
08 Tháng Tư, 2020Chiều 8/4/2020, tại trụ sở Bộ, Bộ Công an đã tổ chức phát động hiến máu trong lực lượng Công an nhân dân (CAND) “Hành trình giọt máu nghĩa tình”.…