Khi những ngọn đuốc cháy hết mình
Người ta thường ví lãnh đạo của một đơn vị giống như những người thuyền trưởng, định hướng và chèo lái con thuyền hoạt động của một tổ chức để đi đến thành công. Người thuyền trưởng ấy cũng là người có thể truyền cảm xúc, tạo nên những thăng hoa cho mỗi cá nhân trong tập thể. Nếu mỗi người là một ngọn lửa, cháy hết mình cho tổ chức thì người lãnh đạo chính là ngọn đuốc giúp cho những đốm lửa nhỏ luôn duy trì nguồn sáng, tạo nên sức mạnh tập thể. Vai trò của “những ngọn đuốc” ấy càng được thể hiện sắc nét hơn trong hoạt động hiến máu tình nguyện.
Khi hiến máu mang thương hiệu và dấu ấn riêng
Còn nhớ những năm 2008, phong trào hiến máu tình nguyện còn gặp vô vàn khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đi hiến máu, tình trạng thiếu máu trầm trọng thường xuyên diễn ra vào mỗi dịp hè và Tết. Người bệnh thời điểm ấy thực sự phải chờ đợi từng đơn vị máu để được cứu sống. Chứng kiến những mảnh đời éo le của người bệnh và thấu cảm với nỗi khổ của họ khi phải “chờ máu”, trong tiết trời giá lạnh của những ngày giáp Tết âm lịch, Báo Tiền Phong đã có sáng kiến và phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu “Chủ nhật đỏ” với thông điệp mạnh mẽ “Sinh mệnh của bạn và tôi”. Với mong muốn kêu gọi cán bộ, nhân viên và cộng đồng cùng dành một chút thời gian trong ngày nghỉ của mình để giúp đỡ người bệnh bằng cách hiến máu, lãnh đạo Báo Tiền Phong khi ấy là ông Đoàn Công Huynh cùng các cán bộ, nhân viên của mình đã là những người đầu tiên hiến máu. Ngày Chủ nhật đỏ đầu tiên ấy với 96 đơn vị máu được hiến tặng đã đi vào lịch sử của Báo Tiền Phong để đến bây giờ nhắc lại, nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo Báo vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động.
Trải qua 10 năm phát triển, Chủ nhật đỏ đã lớn dần cả về lượng và chất, tạo thành một thương hiệu riêng có của Báo Tiền Phong. Từ chỗ chỉ có một điểm hiến máu với 96 đơn vị máu được tiếp nhận, đến nay đã có gần 30 tỉnh/thành phố trên cả nước cùng hưởng ứng và phối hợp tổ chức Chủ nhật đỏ, tiếp nhận được từ 20.000 – 25.000 đơn vị máu mỗi năm. Từ chỗ chỉ tổ chức vào ngày chủ nhật, đến nay, Chủ nhật đỏ được tổ chức vào cả những ngày thường nhằm đáp ứng theo nhu cầu của các trung tâm truyền máu. Chủ nhật đỏ đã trở thành nguồn cứu cánh cho ngân hàng máu mỗi dịp Tết đến xuân về. Dẫn dắt và tạo đà cho những phát triển của Chủ nhật đỏ chính là những người lãnh đạo luôn biết truyền cảm hứng cho tập thể.
Hình ảnh của các thế hệ lãnh đạo Báo Tiền Phong luôn tâm huyết, trăn trở cùng Chủ nhật đỏ đã trở thành động lực mạnh mẽ cho mỗi cán bộ, nhân viên báo vượt qua mọi khó khăn để tổ chức thành công 9 kỳ Chủ nhật đỏ. Đó là ông Đoàn Công Huynh – Nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, người đã đề xuất ý tưởng tổ chức Chủ nhật đỏ để có được nguồn máu cho người bệnh mỗi dịp Xuân về; là ông Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, người luôn trực tiếp hiến máu tại mỗi kỳ Chủ nhật đỏ; hình ảnh ông Trần Thanh Lâm – Nguyên phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong luôn trăn trở khi nghe tin ngân hàng máu vẫn còn thiếu… Ông Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ trước thềm Chủ nhật đỏ 2018 rằng “Các cuộc thi hoa hậu, người đẹp có thể bỏ nhưng Chủ nhật đỏ thì không thể không tổ chức và chúng tôi luôn cố gắng để chương trình được tổ chức thành công nhất”.
Ông Lê Xuân Sơn hiến máu tại Chủ nhật đỏ (ảnh: Hồng Vĩnh)
Ông Lê Xuân Sơn (bên phải) và ông Trần Thanh Lâm – những người truyền cảm hứng cho Chủ nhật đỏ (ảnh: Hồng Vĩnh)
Hiến máu trở thành hoạt động thường xuyên và phát triển bền vững
Trường Đại học Lao động – Xã hội được thành lập năm 1961 là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực kinh tế – lao động – xã hội, trường. Trường cũng là một trong các cơ sở giáo dục của Thành phố Hà Nội phát động hoạt động hiến máu sớm từ những năm 2000, số lượng máu tiếp nhận năm sau luôn cao hơn năm trước. Hoạt động hiến máu của trường được Đảng ủy – Ban Giám hiệu rất quan tâm, được đông đảo, lãnh đạo các khoa/phòng, đơn vị, các cán bộ, giảng viên trực tiếp tham gia hiến máu. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức tuyên dương những cán bộ, sinh viên hăng hái tham gia hiến máu vào các dịp đặc biệt. Đồng thời, hiến máu cũng là một trong các tiêu chí đánh giá trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội và tinh thần tình nguyện của cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường.
Hoạt động hiến máu được cán bộ, giáo viên và sinh viên hưởng ứng nhiệt tình
TS. Bùi Tôn Hiến – Phó hiệu trưởng nhà trường, người đã hiến máu 5 lần và thường xuyên vận động gia đình cùng tham gia hiến máu ngay tại trường chia sẻ: “Hiến máu không chỉ là phong trào mà cần trở thành thói quen có ý thức, một nét đẹp thể hiện giá trị của mỗi người”. Trên cương vị lãnh đạo, TS Bùi Tôn Hiến luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các ngày hội hiến máu của trường được tổ chức quy mô, bài bản và thực sự trở thành ngày hội của lòng nhân ái của mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường.
TS. Bùi Tôn Hiến tham gia hiến máu
Năm 2017, Trường Đại học Lao động – Xã hội phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức vận động được 2.417 đơn vị máu trong 3 đợt hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 51%, hiến máu thể tích 350ml đạt 44%, tỷ lệ cán bộ, giảng viên tham gia hiến máu đạt kết quả cao trên 10%, bên cạnh đó cán bộ, sinh viên của trường thường xuyên tham gia hiến máu tại điểm xe hiến máu chuyên dụng, điểm cố định gần trường đặc biệt vào các dịp Tết.
Ông Lê Xuân Sơn, TS. Bùi Tôn Hiến là hai trong số rất nhiều lãnh đạo luôn tâm huyết, nhiệt thành, bằng mọi cố gắng để duy trì và phát triển hoạt động hiến máu tình nguyện tại đơn vị mình. Phong trào hiến máu còn nhiều khó khăn, vì thế luôn rất cần những “ngọn đuốc” để dẫn đường, toả ánh hào quang giúp nhiều người bệnh được trao cơ hội sống.
Triệu Biển, ảnh tư liệu
Ngày 27/12/2017, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức Lễ trao giải thưởng Giọt hồng và Gặp mặt nhà quản lý năm 2017. Đây là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh, tri ân các tập thể và các nhà quản lý có đóng góp tích cực cho phong trào hiến máu tình nguyện tại Hà Nội. Ông Lê Xuân Sơn và TS. Bùi Tôn Hiến là 2 trong số 12 cá nhân tiêu biểu được nhận Giải thưởng Giọt hồng năm nay.