Lái xe vận chuyển máu: “Tôi chỉ cần ấm chè đặc!”
“Nhiều khi lái xe đường dài chỉ có một mình, không có ai nói chuyện cùng, tôi phải luôn tỉnh táo để giữ an toàn trên đường và đảm bảo thời gian bàn giao máu cho các bệnh viện. Chỉ cần ấm chè đặc bên cạnh thế này là yên tâm”, anh Nguyễn Tấn Giang, lái xe của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tâm sự.
“Một ấm chè đặc là đủ!”
Kết hợp chuyến đi “đón máu” tiếp nhận được tại Lào Cai để vận chuyển về Viện Huyết học – Truyền máu TW kịp sàng lọc và điều chế, anh Nguyễn Tấn Giang – lái xe của Viện nhận thêm nhiệm vụ mang theo 4 thùng chế phẩm máu cung cấp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Với những chuyến đi như vậy, rất nhiều lần lái xe của Viện kiêm luôn nhân viên khoa Lưu trữ và phân phối máu.
Anh Giang cẩn thận ghi chép lại thông tin khởi hành, chúng tôi lên đường, thẳng tiến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Thật may mắn cho tôi được đồng hành cùng anh, nhiệm vụ của tôi có vẻ nhẹ nhàng hơn – đưa tin về ngày hiến máu hôm sau.
Trên khoang lái xe tải 2,5 tấn, chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ ấm chè đặc của anh Giang. Anh mở lời: “Mỗi lần nhận được lệnh lên đường như thế này, anh chỉ cần ấm chè đặc là đủ và dắt túi thêm 1 bộ quần áo rồi lên đường”.
Quãng đường lên Lào Cai xung quanh chúng tôi chỉ toàn rừng núi, chỉ có tiếng chim kêu ri ri vang lên không ngớt và tiếng máy lạnh thở phà phà đang gắng sức làm mát buồng lái, chống lại cái nắng đổ lửa trên đường.
Không khí tĩnh lặng như vậy khiến cơ thể tôi rơi vào trạng thái buồn ngủ. Anh Giang lại rót cho tôi một chút nước chè đặc pha với nước lạnh đựng trong bình nhôm để giữ tỉnh táo và giải nhiệt.
Anh tâm sự: “Nhiều khi lái xe đường dài chỉ có một mình, không có ai nói chuyện cùng, anh luôn phải tỉnh táo để giữ an toàn trên đường và đảm bảo thời gian bàn giao máu kịp thời cho các bệnh viện. Có khi họ mong mình lắm để người bệnh được truyền máu kịp thời. Chỉ cần ấm chè đặc bên cạnh thế này là anh yên tâm lái xe tiếp”.
Nhân viên khoa Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai
“Người vận chuyển” phiên bản Viện Máu
Nhìn anh Giang với hai cánh tay đen rụi cùng lớp mồ hôi bóng loáng trông giống người ta đang quay thịt nướng và phết lên đó vài lớp mỡ hành. Đôi mắt anh luôn được che bằng cặp kính đen, mái tóc cạo nhẵn trụi, hình dáng săn chắc khiến tôi liên tưởng tới nhân vật “người vận chuyển” trong bộ phim truyền hình nổi tiếng cùng tên của điện ảnh Hollywood. Chỉ khác trong phim nhân vật chính mặc bộ vest lịch lãm, còn anh Giang ăn mặc đơn giản với áo phông, quần kaki toát lên vẻ bụi bặm, phong sương nhưng rất thanh niên, dù anh đã 50 tuổi.
Thi thoảng, tôi ngó thấy anh Giang quan sát bảng điều khiển điều hòa thùng sau xe tải.
Biết tôi tò mò, anh giải thích ngay: “Đây là bảng điều khiển nhiệt độ của khoang đựng máu đằng sau, anh kiểm tra để đảm bảo nhiệt độ không bị thay đổi, làm ảnh hưởng tới chất lượng của máu. Nếu không, những bịch máu này sẽ rất dễ hỏng gây lãng phí. Đặc biệt nắng nóng như thế này càng phải chú ý”.
Đến đây, tôi đã hiểu được phần nào sự quan trọng của những “người vận chuyển” như anh Giang. Quy trình tiếp nhận, xét nghiệm sàng lọc, điều chế máu đã muôn phần phức tạp, đòi hỏi yêu cầu chuyên môn khắt khe, nhưng khâu lưu trữ, cả bảo quản máu trong quá trình vận chuyển cũng vô cùng quan trọng.
Mỗi người, dù là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên hay bất kỳ nhân viên nào, cả những lái xe như anh Giang cũng đều góp sức không hề nhỏ trong nhiệm vụ đảm bảo máu cho người bệnh.
“Người vận chuyển” máu của Viện Huyết học – Truyền máu TW.
Trong phim điện ảnh Hollywood, “người vận chuyển” chỉ có nhiệm vụ bảo vệ nhân vật chính thoát khỏi các thế lực xã hội đen. Nhưng những người trong tổ xe như anh Giang lại mang trên mình trách nhiệm bảo vệ thùng máu phía sau được bảo quản trong điều kiện tốt nhất, góp phần mang lại hi vọng sống cho nhiều bệnh nhân.
Không thể dừng lại vì người bệnh đang chờ máu
Xe đi được khoảng 3 tiếng, chân tay của tôi bắt đầu tê dại vì phải ngồi nép một bên để tránh ánh nắng mặt trời đang chiếu thẳng vào mặt. Bụng thấy đói cộng thêm cả lít nước lạnh bồi vào cái cuống họng khô rát khiến tôi cảm thấy khá khó chịu.
Lúc này tôi ngỏ lời xin anh dừng xe vào trạm dừng nghỉ vài phút để mua chút đồ ăn và nghỉ ngơi. Nhưng anh Giang lạnh lùng lắc đầu: “Không được em à, mình phải lên đó cho kịp thời gian, em chịu khó nhé, sắp đến rồi!”.
Câu nói của anh Giang khiến tôi có phần hổ thẹn. Tôi biết rằng không chỉ riêng anh mà bất cứ anh lái xe nào của Viện cũng đều phải tuân thủ nhiệm vụ, người bệnh đang cần máu nên không được phép chậm trễ dù chỉ một phút.
Lúc này trên cao tốc băng qua những trạm dừng nghỉ khác, tôi chỉ dám hé 2 con mắt của mình qua cửa kính nhìn từng biển chỉ dẫn chạy vụt qua tầm mắt, để lại chiếc bụng đói của tôi đang sôi lên phản đối.
Tôi chỉ dám hé mắt nhìn từng trạm dừng nghỉ chạy vụt qua …
Khoảng 11h30 trưa, xe chúng tôi đã tới địa phận tỉnh Lào Cai và phải xuống xe khai báo y tế. Mọi thứ được sắp xếp nhanh chóng khi chỉ cần quét mã QR khai báo. Và chúng tôi chỉ còn cách bệnh viện tỉnh Lào Cai cỡ 10 cây số.
Trước 12h, chiếc xe tải 2,5 tấn đã có mặt tại sảnh bệnh viện để kịp bàn giao máu. Anh Giang thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi chợt nghĩ không chỉ anh mà các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào cai, các bệnh nhân đang nằm viện đều cảm thấy nhẹ nhõm nhiều phần.
Cuối cùng thì hai anh em đã yên tâm được nghỉ ngơi, ăn bữa trưa vội vàng để anh Giang lên đường ngược về Hà Nội, còn tôi tiếp tục hành trình cùng đoàn tiếp nhận máu.
Chúng tôi tạm biệt nhau tại đây. Trước khi lên xe như mọi lần, theo thói quen, anh Giang lại pha thêm một ấm chè đặc, đeo kính đen và sẵn sàng lên đường trở về Hà Nội.
Gia Thắng
Bài viết liên quan
Ngày đêm vận chuyển máu cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19
19 Tháng Năm, 2021Chỉ trong 2 tuần (từ 4/5 đến 17/5/2021), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thực hiện 26 chuyến xe, vận chuyển 240 đơn vị chế phẩm máu…
Vận chuyển máu cấp cứu cho nạn nhân vụ nổ bình ga ở Đông Anh
27 Tháng Tám, 202018h30 ngày 25/8/2020, khoa Lưu trữ và phân phối máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương sau khi nhận được dự trù cấp cứu từ Bệnh viện E…
Máu hiến tặng có đến được với người nghèo? – Câu chuyện số 1
09 Tháng Bảy, 2021“Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?” – Đó là câu hỏi, là nỗi hoài nghi mà bạn có thể bắt gặp ở đâu đó. Còn ở Viện…