Lần đầu tiên Viện cung cấp huyết tương cho Bệnh viện Đà Nẵng
Ngày 10/01/2024 vừa qua, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã lần đầu tiên cung cấp 315 đơn vị chế phẩm máu tới Bệnh viện Đà Nẵng, bao gồm 300 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 15 đơn vị tủa.
Các đơn vị chế phẩm huyết tương tươi đông lạnh được đóng thùng để vận chuyển tới Đà Nẵng.
Cũng trong ngày 10/1, Viện đã cung cấp 800 đơn vị khối hồng cầu cho Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ. Tổng số chế phẩm máu cung cấp trong ngày là xấp xỉ 4.000 đơn vị chế phẩm máu các loại, trong đó có 2.638 đơn vị khồi hồng cầu.
BSCKII. Phạm Thị Ngọc Ánh, Trưởng khoa Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: Lượng máu tiếp nhận được trong thời gian qua và hiện tại của Đà Nẵng cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2023, số lượng bệnh nhân nhóm máu B có các rối loạn đông máu nhập viện tăng đột biến, dẫn đến thiếu hụt chế phẩm huyết tương nhóm B.
Chế phẩm máu được đưa lên xe để vận chuyển tới sân bay Nội Bài.
Theo quy định, huyết tương tươi đông lạnh có thời gian lưu trữ 1 năm nếu bảo quản ở nhiệt độ âm 18°C đến âm 25°C hoặc lưu trữ tối đa 2 năm nếu bảo quản ở nhiệt độ dưới âm 25°C. Do vậy, huyết tương vận chuyển từ Hà Nội tới Đà Nẵng qua đường hàng không cũng phải được đảm bảo nhiệt độ tối thiểu này.
Theo TS.BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, trong năm 2023, Trung tâm đã cung cấp 39.315 đơn vị khối hồng cầu cho Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ. Đồng thời hỗ trợ 10.453 đơn vị chế phẩm máu cho khu vực Tây Nguyên (chiếm 39% tổng lượng máu sử dụng tại khu vực này); trong đó có 2.060 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh.
Huyết tương tươi đông lạnh là huyết tương tươi (được điều chế từ máu toàn phần trong vòng 18 tiếng sau khi lấy máu), sau đó làm đông đến nhiệt độ âm 25oC hoặc lạnh hơn để bảo toàn hầu hết các yếu tố đông máu.
Huyết tương tươi đông lạnh được sử dụng để truyền cho các trường hợp thiếu hụt một hoặc nhiều thành phần protein huyết tương (albumin, globulin, yếu tố đông máu…) hoặc dư thừa thành phần bất thường cần trao đổi huyết tương. Ngoài ra còn dùng cho người bệnh có tình trạng bệnh lý thiếu các yếu tố đông máu không bền vững (yếu tố V, VIII) bẩm sinh hoặc thứ phát mà không có các chế phẩm cô đặc thích hợp (như yếu tố VIII cô đặc, tủa lạnh giàu yếu tố VIII…); điều trị thay thế tình trạng thiếu nhiều yếu tố đông máu như: giảm yếu tố đông máu bệnh gan, bệnh nhân truyền máu khối lượng lớn… |
Thảo Nguyên, ảnh: Gia Thắng
Bài viết liên quan
Năm 2023: Viện tiếp nhận lượng máu kỷ lục
07 Tháng Mười Hai, 2023Với 2.933 điểm hiến máu được tổ chức trong năm 2023, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 485.437 đơn vị máu (bao gồm hơn…
Cần làm tốt công tác hiến máu với tinh thần trách nhiệm cao nhất
12 Tháng Một, 2024Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tại Hội nghị tổng kết công tác vận…