Lời nói dối đầy nhân văn của người bệnh ung thư
Cô Nguyễn Thị Kim Sinh (56 tuổi, quê ở Sơn Tây, Hà Nội) là một bệnh nhân ung thư hạch (Ulympho không Hodgkin) đang điều trị tại Khoa Bệnh máu tổng hợp và cũng là một người phụ nữ đầy nghị lực với trái tim rất nhiều cảm xúc. Khi còn trẻ, cô làm giáo viên dạy mầm non. Ngoài thời gian chăm sóc, dạy hát múa, kể chuyện cho các em nhỏ, cô còn rất đam mê và sáng tác nhiều bài thơ hay.
Năm 28 tuổi, một tai nạn bất ngờ khiến chồng cô bị liệt. Sau một thời gian hết lòng chạy chữa, chồng cô đi lại được nhưng trí nhớ lại có vấn đề.
Cô phải từ bỏ nghề dạy học, lĩnh trợ cấp một lần để tiếp tục chữa bệnh cho chồng. Từ đó, cô chấp nhận làm đủ thứ nghề, buổi sáng bán xôi, mùa hè thì bán chè, mùa đông lại bán áo khoác… để lo cho cả gia đình. Sau gần 30 năm một mình tần tảo mưu sinh, hiện giờ hai con cô đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.
Đến khi có thể nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu thì căn bệnh ung thư hạch (Ulympho không Hodgkin) ập đến. Cô bắt đầu cảm thấy cơ thể khác lạ, sức khoẻ hình như không ổn. Cô ăn khoẻ nhưng lại nhanh đói, hay mệt và hơi sụt cân, ngủ ngon nhưng hay ra mồ hôi trộm. Đi khám qua nhiều bệnh viện, đến Viện Huyết học – Truyền máu TW cô được chẩn chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch và nhập viện điều trị.
Hai con lo lắng và sợ sệt, nhưng cô vẫn bình tĩnh đối mặt với những ngày điều trị gian khổ: “Truyền hóa chất là một sự khủng khiếp, tôi sụt 7kg, người mệt mỏi đau đớn. Tôi ở tận cùng của vực thẳm, một sợi tóc trên đầu không có, thở cũng thật khó khăn”.
Cô trải lòng mình với những vần thơ để có thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật
Vượt lên tất cả là một tinh thần vững vàng, lạc quan hiếm có: “Tôi không hiểu sao không khóc, cũng không thấy sợ chết. Tôi đón nhận nó nhẹ nhàng, vui vẻ… Tôi còn vì bao nhiêu người trong gia đình, vì bạn bè, vì anh em thi hữu đã chăm lo, gửi tin thăm hỏi, thuốc men. Nhất định tôi sẽ vượt qua chặng đường khó khăn này”.
Cô còn chia sẻ thêm: “Nếu không may mắc bệnh, nơi chữa trị tốt nhất là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý đều tuyệt vời; Nghiệp vụ và thái độ phục vụ văn minh, ân cần chia sẻ cùng bệnh nhân. An ninh tốt, phòng bệnh nhân sạch sẽ thoáng mát và không có tiêu cực ở nơi đây”.
Có những lúc, dù bản thân như không thể chịu đựng hơn được nữa nhưng cô vẫn gượng cười nói dối rằng “mình mệt một chút thôi” để người thân yên lòng. Lời nói dối đầy nhân văn ấy đã được cô gửi gắm qua bài thơ “Em tháng tư đang mắc kẹt giữa dòng”.
Trương Hằng, ảnh: Công Thắng