Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Lưu ý khi chăm sóc răng miệng ở người bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh)

Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) là một trong những bệnh lý di truyền phổ biến nhất trên thế giới, đặt ra những thách thức đáng kể về sức khỏe cộng đồng nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao. Biểu hiện lâm sàng của người bệnh phụ thuộc vào yếu tố di truyền, chủng tộc và môi trường. Thalassemia ảnh hưởng đến một số nhóm tộc nhất định và có tính đặc trưng phân bố rõ rệt. Do kiến thức về bệnh lý của các nhóm dân tộc là không đồng đều nên nhiều người bệnh thalassemia không nhận thức rõ được các biến chứng có thể xuất hiện ở bệnh lý của mình, trong đó có tình trạng tổn thương hàm mặt. Dưới đây là những xem xét và lưu ý chính khi chăm sóc răng miệng ở người bệnh thalassemia.

chăm sóc răng miệng ở người bệnh thalassemia

Các biểu hiện miệng-mặt

Nhiều đặc điểm miệng-mặt đã được mô tả trong bệnh thalassemia và đều đã được tóm tắt trong Bảng 1. Việc người bệnh và nha sĩ đều có thể nhận biết những đặc điểm này là rất quan trọng, do chúng có thể liên quan đến diễn biến bệnh thalassemia, từ đó có thể bắt đầu hình thức quản lý thích hợp. Mức độ biến đổi xương trong Thalassemia phụ thuộc vào mức độ thiếu máu. Khi người bệnh bắt đầu có biến đổi xương, các biến đổi tại vùng hàm mặt đã được ghi nhận gồm biến dạng xương mặt do tăng sinh máu tại tủy xương, gây ra bởi sự tăng sinh hồng cầu, đặc biệt ở người bệnh β-thalassemia thể nặng.

Tóm tắt các đặc điểm chính về miệng-mặt được mô tả trong thalassemia

BIỂU HIỆN VÙNG MIỆNG MẶT CỦA THALASSEMIA: Nhô hàm trên; Các răng phía trước hàm trên di chuyển và thưa; Tăng sâu răng; Chậm phát triển răng; Thay đổi hình thái răng; Xương ổ răng trên X-quang giống hình ảnh lưới thép mỏng; Chậm thông khí xoang hàm trên; Tuyến mang tai sưng đau và khô miệng (do ứ đọng sắt); Niêm mạc nhợt nhạt và đổi màu răng; Đau hoặc rát lưỡi do thiếu folate (Vitamin B9); Loét miệng (rất hiếm gặp); Viêm nướu hoại tử (rất hiếm gặp).

Hình ảnh người bệnh thalassemia thể nặng có đặc điểm “khuôn mặt Thalassemia” điển hình: xương gò má cao, mũi hình yên ngựa và răng hàm trước hô. (Ảnh: Healthline)

Đánh giá rủi ro khi chăm sóc răng miệng ở người bệnh thalassemia

Do các biểu hiện lâm sàng của người bệnh rất đa dạng, vấn đề quan trọng nhất trong chăm sóc răng miệng cho người bệnh thalassemia là cần phối hợp đa chuyên gia, đảm bảo có sự liên hệ chặt chẽ với bác sĩ huyết học và bác sĩ nhi khoa khi cần thiết. Cần đánh giá chi tiết các thông tin về tình trạng lâm sàng, kết quả xét nghiệm để hạn chế nguy cơ cho người bệnh -khi lên kế hoạch quản lý răng miệng

Phương pháp gây mê

Cân nhắc sử dụng thuốc gây tê cục bộ không gây co mạch cho các thủ thuật nha khoa ngắn, còn với thủ thuật kéo dài cần gây mê sâu, nên với 2% Lidocain và 1/100.000 epinephrine. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc an thần ở người bệnh thalassemia do thiếu máu mãn tính làm tăng nguy cơ suy hô hấp. Do vậy, thuốc an thần dạng hít được ưa chuộng hơn thuốc an thần tiêm tĩnh mạch. Tốt nhất nên tránh sử dụng gây mê toàn thân do những rủi ro liên quan đến tình trạng thiếu máu. Khi gây mê toàn thân là thực sự cần thiết, việc đó nên được thực hiện như một thủ thuật nội trú, người bệnh cần được nhập viện với sự chăm sóc của nhóm chuyên gia huyết học.

Các bệnh đồng mắc có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc răng miệng

Người bệnh thường chịu nhiều ảnh hưởng từ chính bệnh lý của mình. Việc này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả cung cấp dịch vụ chăm sóc răng miệng cho người bệnh thalassemia, có thể tóm tắt như sau:

  • Thiếu máu mãn tính

Ngoài các rối loạn hình dạng hàm mặt do sự thiếu máu mãn tính, người bệnh có thể có biểu hiện mệt mỏi, thờ ơ và giảm vận động. Việc chăm sóc nha khoa nên được điều chỉnh tùy theo khả năng chịu đựng của người bệnh với kế hoạch điều trị.

  • Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là biến chứng chủ yếu và là một trong những nguyên nhân tử vong chính ở người bệnh thalassemia. Người bệnh đã trải qua phẫu thuật cắt lách có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn sau khi bị nhiễm khuẩn huyết (Wang và cộng sự, 2003). Nhiều bất thường về miễn dịch (Vento 2006), khiếm khuyết về hoạt động của bạch cầu trung tính, hóa ứng động đại thực bào (Bassaris và cộng sự, 1984) và tăng sự xâm nhập của nấm Candida albicans ở miệng cũng đã được ghi nhận ở người bệnh thalassemia. Nguy cơ nhiễm trùng gia tăng nên được xem xét khi chăm sóc răng miệng.

  • Trầm cảm

Việc tuân thủ suốt đời một phác đồ điều trị phức tạp có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động cảm xúc của người bệnh thalassemia. Điều này có thể tác động nhiều hơn nữa đến động lực của người bệnh -và sự sẵn sàng chấp thuận trong việc điều trị nha khoa (Mednick và cộng sự, 2010).

  • Nhiễm trùng do truyền máu

Trước khi sàng lọc các chế phẩm máu, người bệnh mắc thalassemia có nguy cơ cao mang vi rút viêm gan B, C, G và HIV. Các hình thức phòng lây nhiễm chéo và các biện pháp nhiễm trùng phù hợp nên được áp dụng thường xuyên khi chăm sóc người bệnh. Trong trường hợp có bệnh lý về gan/xơ gan, cần thận trọng khi kê đơn thuốc. Đối với tất cả người bệnh thalassemia được truyền máu thường xuyên, việc chăm sóc nha khoa xâm lấn nên được thực hiện trong tuần sau truyền máu, vì lượng máu của người bệnh sẽ ở mức tối ưu. Nên tránh các thủ thuật nha khoa xâm lấn vào cùng ngày có truyền máu, vì người bệnh thường mệt mỏi hơn bình thường.

  • Quá tải sắt và lắng đọng sắt trong mô

Sự tích lũy sắt ở các mô gan, tim và tuyến nội tiết đã được ghi nhận rõ ràng ở người bệnh thalassemia thể nặng. Các nha sĩ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung để dự phòng các biến chứng tiềm ẩn như suy giảm chức năng gan và bệnh tiểu đường. Tích lũy sắt cũng đã được tìm thấy trong nướu. Sự kết hợp với bilirubin (một sản phẩm của quá trình phân hủy huyết sắc tố), đã được tìm thấy trong các ống ngà răng dẫn đến răng người bệnh có màu vàng (Hattab, Qudeimat và cộng sự-Rimawi, 1999). Hiện nay, tuy chưa rõ tích lũy sắt có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nha chu hay không, vẫn nên có những nghiên cứu sâu hơn về việc sử dụng sinh thiết nướu để chẩn đoán tình trạng quá tải sắt.

  • Bệnh cơ tim

Thiếu máu mãn tính có thể dẫn đến bệnh cơ tim và có thể trở nên càng trầm trọng hơn do quá tải sắt ở tim. Mặc dù người bệnh có thể không có triệu chứng rối loạn chức năng tim, nhưng khi lo lắng và/hoặc trải qua một thủ thuật nha khoa căng thẳng, tình trạng này sẽ gây ra triệu chứng về tim. Các nha sĩ cần lưu ý đến mức độ liên quan đến tim và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp.

  • Các biến chứng liên quan đến bisphosphonat

Bisphosphonat thường được dùng cho người bệnh thalassemia để ổn định quá trình tái tạo xương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều trường hợp hoại tử xương hàm (BRONJ) có liên quan đến bisphosphonate (BP). Điều này được đặc trưng bởi sự tiếp xúc xuyên niêm mạc của xương hoại tử, thường được kích hoạt bởi chấn thương phẫu thuật như nhổ răng. Hiện tại, không có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của bất kỳ can thiệp nào để quản lý BRONJ. Do vậy, việc nhổ răng nên được hạn chế nhất có thể.

Vùng BRONJ: Xương lộ ra 3 tháng sau khi nhổ răng. (Ảnh: mdpi)

Guidelines for the Management of Transfusion Dependent Thalassameia (TDT) – 4th Editon

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan