Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Mục tiêu của liệu pháp thải sắt ở người bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh)

Thalassemia (bệnh thiếu máu tan máu bẩm sinh) là một trong những bệnh lý di truyền khá phổ biến do những bất thường trong tổng hợp chuỗi globin gây ra. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là thiếu máu và cần điều trị bằng truyền máu. Việc truyền máu nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng ứ đọng sắt và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan của cơ thể. Vì vậy, khi truyền máu nhiều lần cần kết hợp với liệu pháp thải sắt để giúp giảm bớt lượng sắt cũng như giảm tỷ lệ các biến chứng do ứ đọng sắt gây ra.

 

Điều trị bằng liệu pháp thải sắt ở người bệnh thalassemia cần đạt được các mục tiêu sau:

  • Dự phòng quá tải sắt

Mục tiêu chính của liệu pháp này là luôn duy trì lượng sắt trong cơ thể ở mức an toàn bằng cách cân bằng lượng sắt đưa vào qua truyền máu với lượng sắt loại bỏ bằng các phương pháp thải sắt (cân bằng sắt).

Khi điều trị truyền máu cần kết hợp với các liệu pháp thải sắt để giúp giảm bớt lượng sắt trong cơ thể cũng như giảm tỷ lệ các biến chứng do ứ đọng sắt gây ra 

  • Điều trị quá tải sắt

Khi tình trạng quá tải sắt xảy ra, tốc độ thải sắt bắt buộc phải nhanh hơn tốc độ tích lũy do truyền máu. Hằng ngày, chỉ có một tỷ lệ nhỏ sắt được loại ra khỏi cơ thể bằng các cơ chế sinh lý. Vì vậy, việc loại bỏ sắt dự trữ tự nhiên là chậm và không hiệu quả. 

Lượng sắt lắng đọng trong một số cơ quan như: tim, gan, tuyến nội tiết… sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng tại cơ quan đó. Do đó, người bệnh nên bắt đầu thực hiện liệu pháp thải sắt trước khi xuất hiện các biến chứng do quá tải sắt gây ra.

  • Điều trị cấp cứu

Nếu người bệnh có triệu chứng suy tim tiến triển cần phải được điều trị tích cực ngay bằng việc thay đổi phác đồ điều trị hoặc tăng cường thải sắt.

  • Điều chỉnh liều lượng điều trị

Liều lượng và chế độ điều trị nên được điều chỉnh tùy thuộc vào từng hoàn cảnh của người bệnh. Liều lượng sắt có thể được xác định bằng cách theo dõi cẩn thận lượng sắt trong cơ thể để phòng tránh trường hợp thải sắt kém hiệu quả, làm tăng biến chứng của việc quá tải sắt; hoặc người bệnh dùng thuốc thải sắt quá liều và độc tính của thuốc thải sắt tăng. Liều lượng và chế độ thải sắt phải được điều chỉnh định kỳ để cân bằng các yếu tố này.

thải sắt ở người bệnh thalassemia

Vai trò của bác sĩ điều trị là theo dõi và khuyến khích người bệnh tuân thủ điều trị cùng với sự hỗ trợ từ gia đình

  • Tuân thủ điều trị

Thải sắt không liên tục với liều cao có thể tạo ra cân bằng sắt âm nhưng sự cân bằng này là không ổn định và làm tăng nguy cơ độc tính từ thuốc thải sắt. Thuốc thải sắt phải được sử dụng thường xuyên để thuốc phát huy tác dụng. Do vậy, người bệnh cần luôn tuân thủ điều trị.

Những người bệnh tuân thủ điều trị kém có thể do các vấn đề thực tế như người bệnh không thể tự truyền deferoxamine (DFO), không dung nạp với một loại thuốc sắt cụ thể, do các vấn đề về tâm lý hoặc khả năng tiếp cận với điều trị còn hạn chế. Vì vậy, vai trò chính của bác sĩ điều trị là theo dõi và khuyến khích người bệnh tuân thủ chế độ thải sắt cùng với sự hỗ trợ từ phía gia đình.

Nguồn: Guidelines for the Management of Transfusion Dependent Thalassaemia (TDT) – 4th Edition

Thiết kế: Gia Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan