Nam sinh xứ Nghệ giành học bổng của đại học nước ngoài khi đang điều trị tan máu bẩm sinh
Vi Thanh Nhật (học sinh lớp 12A1 – Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An) vừa xuất sắc giành được học bổng “Trái tim Sư tử” của đại học Anh quốc Việt Nam. Nam sinh giành học bổng khi đang đi truyền máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
14 năm chiến đấu với bệnh tan máu bẩm sinh
Sinh ra và lớn lên ở bản Tân Sáng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An – một bản nghèo với phần lớn là bà con người dân tộc Thái di dời về từ huyện Tương Dương theo chủ trương xây dựng Thủy điện Bản Vẽ. Lên 4 tuổi, Vi Thanh Nhật đã phải chiến đấu với bệnh Thalasemia – căn bệnh tan máu bẩm sinh khá nguy hiểm.
“Mỗi tháng, em phải nghỉ học từ 7-10 ngày đến Trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An để truyền máu và điều trị thải sắt. Căn bệnh này nếu không được điều trị kịp thời có thể bị biến dạng xương, suy tim, xơ gan,… Khoảng thời gian đi viện, em bị thiếu hụt kiến thức. Rất may mắn vì bên em luôn có các thầy cô, bạn bè cùng đồng hành”, Nhật chia sẻ.
Vi Thanh Nhật (học sinh lớp 12A1 – Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An)
Ba năm trước, khi trúng tuyển vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, Vi Thanh Nhật là một trong những học sinh có điểm trúng tuyển cao nhất trường. Trong ngày khai giảng, với kết quả thi khá xuất sắc, Nhật được nhận học bổng 2 triệu đồng.
Với xuất phát điểm khá tốt, nên các thầy, cô chưa từng nghĩ rằng, Nhật lại có ý định bỏ học chỉ sau 2 tuần nhập học. Nhật nói rằng: “Thầy cô tốt với em quá, yêu thương, quan tâm tới em quá. Trong khi đó, em lại bệnh tật thế này. Em nghĩ rằng, mình sẽ không thể học tập tốt và không muốn phụ lòng thầy, cô”.
Hiểu được tấm lòng của thầy, cô, bạn bè, Nhật đã quyết định quay trở lại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An chỉ sau một tuần nghỉ học. Nam sinh tự nhủ phải cố gắng học tốt, chăm chỉ để không phụ lòng của tất cả mọi người.
Từ năm 4 tuổi, Nhật đã phải chiến đấu với bệnh Thalasemia.
“Thầy cô chính là người đã truyền động lực lớn nhất để em quay trở lại trường. Sự sẻ chia, yêu thương, đồng hành của thầy cô, bạn bè đã vực em dậy, giúp em tự tin, mạnh mẽ hơn để chinh phục tương lai, định hướng của bản thân”, nam sinh tâm sự.
Trong khoảng thời gian điều trị tại bệnh viện, Nhật luôn rèn cho mình ý thức tự học, bài nào không hiểu em nhờ bạn chép bài, nhờ thầy, cô giảng lại và tự bổ sung kiến thức. Không muốn mình là một học sinh đặc biệt, Nhật hăng hái tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật, tham gia nhiệt tình các phong trào Đoàn, các hoạt động tình nguyện.
“Học bổng BUV như tia sáng ở cuối đường hầm”
Hoàn cảnh khó khăn, lại mắc căn bệnh mãn tính, Nhật nghĩ rằng, em sẽ không có cơ hội để vào đại học. Con đường duy nhất để Nhật thực hiện ước mơ của mình đó là “săn” học bổng toàn phần và em đã kiên trì để thực hiện giấc mơ ấy.
Cô Lê Thị Lệ Hồng là người đã đưa ra nhiều lời khuyên, định hướng cho Nhật trong quá trình săn học bổng.
Chia sẻ về quá trình tìm kiếm học bổng, Nhật cho biết từ lớp 10 em đã bắt đầu tìm hiểu các trường đại học có chính sách học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Khi biết Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) có học bổng “Trái tim Sư tử” được xây dựng với mục tiêu khuyến khích và tạo động lực cho những học sinh có bất lợi về thể chất, sức khỏe, hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, em đã ấp ủ và bắt đầu tìm kiếm cơ hội.
“Bức thư này được gửi từ một cậu bé người dân tộc thiểu số, mang bệnh hiểm nghèo đang luôn cố gắng nỗ lực vượt qua nghịch cảnh về sức khỏe và thiệt thòi giáo dục để theo đuổi ước mơ tìm kiếm tri thức, khẳng định giá trị bản thân”.
Đó là những dòng đầu tiên mà Nhật gửi đến Trường Đại học Anh quốc Việt Nam khi em nộp hồ sơ để xin học bổng “Trái tim Sư tử”. Ở phần sau bài viết của mình, nam sinh người dân tộc Thái cũng đã chia sẻ những câu chuyện của bản thân, từ một cậu học trò ốm yếu, mắc bệnh hiểm nghèo đến khát khao được đi học.
Nhật có khả năng tự học tốt.
Hồ sơ gửi đi một thời gian, Nhật nhận được thông báo phỏng vấn của nhà trường khi em đang nằm điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tại Hà Nội. “Đó là lần đầu tiên một mình em tự bắt xe ra Hà Nội, cũng là lần đầu tiên em tự làm thủ tục nhập viện rồi nằm viện điều trị mà không có người thân. Ở viện được khoảng 4 hôm, em nhận thông báo phỏng vấn của Trường Đại học Anh quốc Việt Nam, lúc này sức khỏe của em không được tốt lắm khi xuất hiện các triệu chứng của rối loạn đông máu. Em đã xin các bác sĩ cho em nghỉ một hôm và vội bắt xe sang trường để phỏng vấn”, nam sinh cho hay.
Trong quá trình phỏng vấn, với khả năng tiếng Anh chưa thực sự lưu loát, Nhật khá căng thẳng khi trả lời các câu hỏi từ các giáo viên. Phần giới thiệu bản thân khá đơn giản nên em quyết định nói bằng tiếng Anh. Riêng những câu trả lời cần phải bày tỏ về suy nghĩ của bản thân, em sử dụng tiếng Việt để có thể tự tin trong diễn đạt.
Nam sinh cũng thú nhận có nhiều câu hỏi khá “vĩ mô” đến nỗi em không biết trả lời như thế nào. Để tìm đáp án cho những câu hỏi này, Nhật đã lựa chọn câu trả lời từ chính thực tế của bản thân và những vấn đề mà em và những học trò vùng cao đang phải đối diện hàng ngày.
Nhật cùng bạn học thảo luận bài tập nhóm.
“Khi nhận kết quả, em khá bất ngờ vì không nghĩ mình lại giành được suất học bổng này. Em đã chia sẻ ngay niềm vui với gia đình, thầy cô, bạn bè. Với em, học bổng BUV như tia sáng của cuối đường hầm”, Nhật nói và cho biết, ước mơ trong tương lai sẽ được làm việc về ngành tài chính trong một công ty đa quốc gia và có thể có nhiều hoạt động có ích cho cộng đồng.
Cô Lê Thị Lệ Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 cho biết, khi biết Nhật có ý định săn học bổng, cô rất ủng hộ và đưa ra một số lời khuyên, định hướng. Cô luôn nói với Nhật rằng, sức khỏe là quan trọng nhất, phải đặc biệt giữ gìn sức khỏe.
“Nhật là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Mặc dù thời gian ở lớp không nhiều nhưng em có tinh thần tự học tốt, khả năng tổ chức các hoạt động rất khoa học. Ngoài học tốt việc học tập ở trường, thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ, Nhật cũng hào hứng tham gia các hoạt động, các phong trào Đoàn của nhà trường. Với sự nhiệt tình, xông xáo, Nhật là học sinh giỏi toàn diện ba năm liên tục, giành giải Nhất cuộc thi Tin học cấp trường và giải Nhì cuộc thi Khoa học, kỹ thuật do nhà trường tổ chức”, cô Hồng chia sẻ.
Theo báo Tiền Phong
Bài viết liên quan
“Vẻ đẹp từ trái tim” – của những người tan máu bẩm sinh
10 Tháng Năm, 202060 nữ bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh đã cùng tham gia vào sự kiện làm đẹp “Thalassemia Beauty day” lần đầu tiên được tổ chức tại Viện…
10 năm thành lập Trung tâm Thalassemia – Chặng đường nỗ lực không mệt mỏi
26 Tháng Tám, 2021Tháng 8/2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng, đó là Trung tâm Thalassemia tròn 10 tuổi. Cách đây đúng 10 năm, đơn vị điều trị Thalassemia được thành lập…
Bí thư Chi đoàn vượt lên căn bệnh thalassemia giúp đỡ các gia đình khó khăn
27 Tháng Tư, 2023Anh Tòng Văn Tân (32 tuổi, Sơn La) phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh từ năm 7 tuổi. Là con út trong gia đình đông con và có hoàn…