Nét đẹp điều dưỡng, kỹ thuật y Viện máu
Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, điều dưỡng, kỹ thuật y chiếm khoảng 60% tổng số cán bộ nhân viên của Viện. Các điều dưỡng, kỹ thuật y công tác ở nhiều vị trí khác nhau, có những điều dưỡng trực tiếp chăm sóc người bệnh, có các kỹ thuật y thầm lặng ở phía sau thực hiện các xét nghiệm, đóng vai trò không thể thiếu trong chẩn đoán và theo dõi kết quả điều trị cho người bệnh.
Điểm đặc biệt là Viện còn có đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật y tham gia vào quá trình tiếp nhận, sàng lọc, điều chế và cấp phát những đơn vị máu phục vụ cho công tác điều trị, cấp cứu cho nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Dù ở vị trí nào, mỗi điều dưỡng, kỹ thuật y đều đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng và cao quý của nghề y, góp phần đem lại sức khoẻ và sự sống cho người bệnh.
Nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng, 12/5/2024, các điều dưỡng, kỹ thuật y của Viện Huyết học – Truyền máu TW đã chia sẻ về những tâm huyết và niềm tự hào về nghề nghiệp của mình. Lòng tận tâm, trái tim nhiệt huyết với nghề của các bạn đã làm nên nét đẹp của người điều dưỡng, kỹ thuật y Viện máu.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyển, Trung tâm Thalassemia
Tôi thấy mình may mắn khi được là một điều dưỡng viên đã có hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu TW. Khi nghĩ về những người bệnh phải đi viện suốt cuộc đời, những gia đình có 2-3 con bị bệnh, các cháu nhỏ hàng tháng phải nghỉ học đi viện, tôi càng muốn dành tất cả tình cảm, tâm huyết để chăm sóc người bệnh tốt hơn.
Sau giờ làm chuyên môn, chúng tôi lại chơi đùa với các bạn nhỏ để các em vơi bớt nỗi nhớ bạn bè, trường lớp. Vì người bệnh phải đi viện thường xuyên nên chúng tôi luôn tâm niệm: hãy đem đến phòng bệnh một không khí ấm áp, gần gũi để người bệnh cảm thấy “ở viện như ở nhà”.
Trong quá trình làm việc, tôi nhớ mãi câu nói của một cháu nhỏ nhập viện cấp cứu vì thiếu máu nặng do không đi viện thường xuyên. Khi tôi vừa lấy máu, vừa động viên cháu: “Con cố gắng nhé, cô lấy máu để làm xét nghiệm và xin máu truyền cho con, rồi con sẽ khỏe lại thôi!”; Cô bé chỉ nói: “Cô ơi, cô cứu con với!”, rồi mệt quá và thiếp đi.
Câu nói ấy đã trở thành một trong những động lực thôi thúc tôi làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả trái tim. Chúng tôi luôn mong đem lại sức khỏe cho người bệnh, các em nhỏ được đi học, người bệnh tìm được việc làm phù hợp với sức khoẻ và có cuộc sống chất lượng hơn.
Và tôi cũng mong người dân hiểu rõ hơn về căn bệnh Thalassemia để không còn những em nhỏ sinh ra đã bị căn bệnh này.
Kỹ thuật y Bùi Thuý Hường, Khoa Di truyền – Sinh học phân tử
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ sinh học, tôi đã có duyên gắn bó với ngành y. Công việc này đến với tôi như một món quà quý giá. Trở thành kỹ thuật y, tôi được học, được phát huy khả năng, được hỗ trợ công tác chẩn đoán, điều trị của các bác sĩ và cảm thấy bản thân mình có ích.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh về chuyên khoa huyết học. Là một kỹ thuật y của Khoa Di truyền – Sinh học phân tử, tôi nhận thức được điều quan trọng nhất trong công việc của mình là đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm, góp phần vào thành công chung trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của người bệnh.
Với các bệnh máu ác tính, kết quả xét nghiệm gen giúp các bác sĩ lựa chọn đúng phác đồ điều trị. Với những bệnh máu di truyền như Hemophilia, Thalassemia, kết quả xét nghiệm gen có ý nghĩa rất lớn trong việc tư vấn trước sinh và tư vấn tiền hôn nhân để kiểm soát và ngăn chặn nguồn gen bệnh trong cộng đồng.
Dù không trực tiếp chăm sóc người bệnh, nhưng tôi biết việc làm của mình có ý nghĩa. Chính vì vậy tôi cũng như các đồng nghiệp luôn tự nhủ phải làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, phải dành tâm dồn sức tập trung cho công việc, tất cả hướng tới mục tiêu “Vì sức khoẻ dòng máu Việt”. Được làm công việc thầm lặng nhưng có giá trị cho người bệnh là điều khiến một kỹ thuật y như tôi cảm thấy hạnh phúc.
Điều dưỡng Vũ Thị Thành Tâm, Khoa Điều trị hoá chất
Tôi bén duyên với nghề điều dưỡng đến nay đã 12 năm. Đối với tôi, điều dưỡng viên là một nghề thiêng liêng và cao quý. Làm nghề điều dưỡng ngoài tình yêu nghề còn cần lòng trắc ẩn, nhẫn nại, biết lắng nghe và thấu hiểu người bệnh.
Khi người bệnh vào cấp cứu, nhiều khi chúng tôi đang ăn dở miếng cơm trực cũng bỏ ngay bát xuống chạy theo. Những ca trực của chúng tôi đều trắng đêm theo dõi tình hình người bệnh. Vất vả là thế, nhưng thật hạnh phúc khi giành lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần và nhìn thấy nụ cười vui vẻ của người bệnh khi xuất viện.
Tại Khoa Điều trị hoá chất, người bệnh của chúng tôi đều phải chiến đấu với hoá chất, với bệnh ung thư để tìm lại sự sống. Cuộc sống của họ gắn liền với bệnh viện, nhiều bệnh nhân tâm sự: “Em ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà, đây như là ngôi nhà thứ 2 luôn mở cửa chào đón mỗi khi em đến”. Lắng nghe những lời đó, trong lòng tôi dâng lên bao niềm thương và đồng cảm với người bệnh.
Việc buồn nhất của điều dưỡng viên có lẽ là chăm sóc người bệnh khi sắp ra đi. Ý thức được trách nhiệm của mình, dù trong hoàn cảnh nào, tôi luôn giữ cho mình sự tỉnh táo để an ủi, động viên người bệnh và người nhà người bệnh.
Vẫn biết ngành y nhiều vất vả nhưng khi nhiệt huyết với nghề luôn chảy trong tim, tôi biết mình phải trở thành một điều dưỡng tận tâm để có thể giúp người bệnh vượt qua đau đớn về thể xác cũng như tinh thần.
Điều dưỡng Nguyễn Đức Minh, Khoa Tiếp nhận máu điểm lưu động
Khi nhắc đến nghề điều dưỡng, những người bạn, người thân của tôi sẽ nghĩ ngay đến công việc chăm sóc người bệnh. Nhưng với một điều dưỡng như tôi đang làm việc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương lại có một nhiệm vụ khác: được đi rất nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S để tiếp nhận những đơn vị máu.
Máu là sự sống, nếu như không có máu, người bệnh có thể phải đối điện với cửa tử… Hình ảnh đó đã thôi thúc tôi cần phải hành động, cần phải giữ gìn sức khỏe để đến với nhiều tỉnh, thành phố và cố gắng làm được những gì tốt đẹp nhất. Công việc này còn cho tôi may mắn được đến nhiều nơi mà có thể nhiều người mơ ước như: trụ sở các Đại sứ quán, các ngân hàng, hay đến với bà con ở những vùng sâu, vùng xa tại Sơn La, Hà Giang, Lai Châu…
Khác với những điều dưỡng lâm sàng, thay vì phải hằng ngày đối diện với những người bệnh phải chịu đau đớn, mệt mỏi, thì chúng tôi sẵn sàng đi nhiều nơi để gặp những người hiến máu, có khi là họ tìm đến chúng tôi. Tôi tự hào vì công việc của mình đã mang sứ mệnh nhịp cầu kết nối giữa những người khỏe mạnh, sẵn sàng trao đi giọt máu và những người cần máu để duy trì sự sống. Cảm ơn ngôi nhà “Viện Máu” đã cho tôi được cống hiến tuổi thanh xuân của mình để giúp ích một phần nhỏ cho cộng đồng!
Trương Hằng (tổng hợp), ảnh: Trần Chiến, Gia Thắng
Bài viết liên quan
Trăn trở của những bác sĩ ở nơi truyền cho bệnh nhân sự sống
07 Tháng Năm, 2024Ở lĩnh vực điều trị bệnh máu, các bác sĩ phải học cách đối diện với nỗi buồn và những đêm thức trắng vì thương người bệnh. Niềm trăn trở…
Thư chúc mừng của Viện nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5/2024
08 Tháng Năm, 2024Nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng năm nay, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã gửi thư chúc mừng đến các điều…
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương: Địa chỉ tin cậy tổ chức khám sức khoẻ cho cơ quan, doanh nghiệp
29 Tháng Hai, 2024Trong nhiều năm qua, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều cơ quan, doanh nghiệp lựa chọn khám sức khoẻ…
Viện Huyết học – Truyền máu TW mở rộng khu Khám bệnh theo yêu cầu
18 Tháng Tám, 2023Với mong muốn đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám bệnh, xét nghiệm máu ngày càng cao của người dân, từ tháng 8/2023, Viện Huyết học – Truyền máu Trung…