Nếu không có máu, ca sinh mổ của người mẹ ung thư khó có thể thành công
“Mình xin cảm ơn tất cả mọi người không quản ngại bệnh dịch đi hiến máu để mình vượt qua được giai đoạn nguy hiểm nhất. Khi đã đối mặt với cái chết mới thấy những điều dù nhỏ nhất, đơn giản trong cuộc sống nó quý giá đến nhường nào” – Đó là lời cảm ơn từ tận đáy lòng mà chị Lưu Ngọc Lan muốn gửi tới người hiến máu. Chị vừa trải qua ca sinh mổ đầy khó khăn khi mới được chẩn đoán ung thư máu và bị rối loạn đông máu nặng.
Ca sinh mổ khó khăn…
Cách đây một tuần, anh Nguyễn Tiến Dũng, chồng chị Lan bàng hoàng đến không muốn tin vào sự thật khi được thông báo người vợ thân yêu bị chẩn đoán ung thư máu. Nhưng anh Dũng phải cố nén nỗi đau ở trong lòng, anh giấu chuyện chị bị ung thư mặc dù biết làm sao có thể mãi che giấu vợ sự thật này.
Khi được đưa lên Khoa Điều trị hóa chất, gặp rất nhiều người bệnh ung thư, chị Lan đã tự đoán ra tất cả. Chị chỉ ước ngày hôm đó là một giấc mơ và mai thức dậy lại là một ngày mới.
Sau cú sốc ban đầu, chị Lan biết mình không thể mãi bi quan vào lúc này, nhất là khi còn đứa con trong bụng. Chị Lan được chỉ định sẽ mổ bắt con ở tuần thai thứ 37 nhưng tình trạng thiếu máu ngày càng nặng, tiểu cầu và các yếu tố đông máu đều giảm sâu. Bác sĩ tiên lượng chị có nguy cơ khó cầm máu hoặc tụ máu sau mổ và sẽ cần truyền rất nhiều máu, chế phẩm máu.
Chỉ trong vòng 1 tuần, chị Lan đã được truyền trên 90 đơn vị chế phẩm máu (bao gồm cả khối hồng cầu, tiểu cầu, tủa lạnh, huyết tương)
Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho biết: “Đối với bệnh nhân ung thư máu, việc chẩn đoán, điều trị không quá khó. Tuy nhiên, chị Lan được phát hiện ung thư máu khi thai đã lớn, lại có rối loạn đông máu thì là vấn đề nan giải. Chúng tôi không thể dùng các phác đồ đặc trị có sử dụng hóa chất, thuốc chống đông cũng phải rất thận trọng.
Trong trường hợp này, chúng tôi cố gắng điều trị hỗ trợ, giúp nâng cao thể trạng và khả năng cầm máu cho người bệnh bằng cách truyền các chế phẩm máu đặc biệt, giúp bệnh nhân vượt cạn”.
Nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19, nguồn máu hiến giảm, nếu không có máu, không có tiểu cầu, các bác sĩ cũng bất lực, ca sinh mổ khó có thể thành công.
Cảm động ân tình người hiến máu
Ngày 19/3, chị Lan kêu gọi người thân, bạn bè và học sinh trên mạng xã hội Facebook đến hiến máu: “Nhóm máu nào cũng được và tình trạng rất nguy cấp ảnh hưởng đến tính mạng của mình nên xin mọi người hãy giúp đỡ”. Ngay buổi chiều hôm đó đã có hơn 200 người không quản ngại dịch bệnh đến hiến máu theo lời kêu gọi của chị.
TS. Bạch Quốc Khánh Viện Huyết học – Truyền máu TW bày tỏ: “Trân trọng cảm ơn những nghĩa cử cao quý trong giai đoạn khó khăn này. Nếu không có những nghĩa cử của các quý vị, chúng tôi không thể và sẽ không bao giờ hoàn thành được nhiệm vụ của mình”.
Tính đến nay chỉ trong vòng 1 tuần, chị Lan đã được truyền gần 90 đơn vị chế phẩm máu (bao gồm cả khối hồng cầu, tiểu cầu, tủa lạnh, huyết tương).
Những đơn vị máu ấy không chỉ đem đến nguồn sống cho chị Lan mà tình yêu thương, sự quan tâm của tất cả mọi người còn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho chị: “Mình nhận ra chưa bao giờ khát vọng được sống của mình lại lớn đến vậy và mình sẽ cố gắng hết sức để vượt qua tất cả”
Khi cửa phòng phẫu thuật bật mở, được đón cô con gái bé nhỏ xinh xắn và nghe tin vợ mình đã an toàn sau ca mổ đầy hiểm nguy, anh Dũng nghẹn ngào rơi nước mắt vì hạnh phúc, Anh xúc động bày tỏ: “Cả trước, trong ca mổ và đến tận bây giờ, những bịch máu, tiểu cầu lúc nào cũng gắn trên tay em.
Khi cảm thấy mình có thể mất tất cả, khi người thân yêu nhất của mình đứng ở bên bờ sinh tử, tôi càng hiểu rằng máu là sự sống. Nếu không có máu, có thể em sẽ không trụ được, em sẽ không thể cầm được máu… tôi không dám nghĩ hơn nữa….
Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người, những người thân, bạn bè, học sinh và cả những người xa lạ đã sẵn lòng đến hiến máu giúp vợ con tôi vượt qua hoạn nạn. Cảm ơn tình cảm và sự yêu thương từ tất cả mọi người”.
Con gái của vợ chồng anh Dũng được đặt tên là Nguyễn Ngọc Lan Chi – một loài cây cỏ may mắn, và được gọi thân mật là Kem
Gần một tuần sau cuộc vượt cạn sinh tử, cháu bé đã được ra viện, trở về nhà trong vòng tay yêu thương của ông bà. Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, sức khỏe của chị Lan dần ổn định, chị tâm sự: “Mình đã khỏe hơn nhiều, cuộc chiến với căn bệnh tuy đau đớn và mệt mỏi, nhưng có mọi người động viên bênh cạnh mình cảm thấy hạnh phúc và lạc quan.
Mình xin cảm ơn tất cả mọi người không quản bệnh dịch đi hiến máu, quan tâm, giúp đỡ mình hết sức trong những ngày qua mà mình đã vượt qua được giai đoạn nguy hiểm nhất.
Khi đã đối mặt với cái chết mới thấy những điều dù nhỏ nhất, đơn giản trong cuộc sống nó quý giá đến nhường nào. Nó giúp mình biết trân trọng cuộc sống và trân trọng mọi người hơn.
Biến cố này cũng giúp mình thấy mọi người xung quanh mình tốt bụng và yêu quý nhau hết mực thế nào, người Việt Nam mình thực sự sống rất tình cảm”.
Thời gian qua chị Lan chỉ được ngắm nhìn con qua những bức ảnh, chị thèm được ôm con vào lòng, cho con bú như bao người mẹ khác nhưng không thể. Trước mắt chị là cuộc chiến cam go với bệnh tật, nhưng con gái bé bỏng, tình yêu thương của những người thân, sự sẻ chia của tất cả mọi người, sự chăm sóc của các y bác sĩ, chị Lan tự nhủ: “Mình đã nhận quá nhiều tình yêu rồi nên việc của mình bây giờ là phải lạc quan và cố gắng hết sức”.
Trương Hằng, ảnh Công Thắng