Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Nghị lực phi thường của những chàng trai “hemo”

NDĐT – Gần 19 năm bên nhau, hai cậu bé “Hemo” (cách gọi thân mật của bác sĩ) giờ đã trưởng thành với một cuộc sống tươi mới, tốt đẹp. 19 năm qua, họ vừa là hàng xóm, là bạn, là anh em trong gia đình “hemophilia” – gia đình rối loạn đông máu.

Phạm Quốc Trung và Vũ Minh Đức đã cùng nhau vượt qua những đau đớn bệnh tật của căn bệnh rối loạn đông máu.

Vũ Minh Đức đang là một chuyên viên trang điểm và đã bắt đầu có thể tự lập cuộc sống của mình trong một tháng qua. Trong khi đó, cậu thanh niên 19 tuổi Phạm Quốc Trung đang quản lý hai phòng cho gia sư thuê tại nhà riêng. Nhìn nụ cười rạng rỡ của hai em, ít ai biết, họ đã kiên cường vượt qua những đau đớn bệnh tật tưởng chừng không thể gượng dậy nổi khi mắc bệnh rối loạn đông máu.

Tám tháng tuổi và nỗi đau của những người mẹ

Tám tháng tuổi, Vũ Minh Đức bắt đầu những bước bò đầu tiên trong niềm hân hoan của gia đình. Thế nhưng, hai đầu gối bầm tím của Đức không hề hồi phục khiến gia đình nghi ngờ em mắc bệnh lý. Tại bệnh viện địa phương, Đức không được chẩn đoán ra bệnh, cho tới khi em được đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Nhận tin em mắc bệnh rối loạn đông máu, cả gia đình bàng hoàng. Một hành trình dài đẫm nước mắt, đau thương và cam khổ của gia đình bắt đầu từ đây.

Một năm sau, cậu bé cùng xóm, nhà nằm cuối ngõ Phạm Quốc Trung chào đời và cũng trở thành “người bạn đồng hành” của Đức vào lúc Trung tám tháng tuổi. Trung phát hiện cũng mắc bệnh hemo từ chính những triệu chứng y hệt Đức.

Lớn lên khi con mang trong mình căn bệnh rối loạn đông máu, chị Bùi Thị Cúc, mẹ của Đức cho biết, suốt quãng tuổi thơ của Đức là những đau đớn và nước mắt. “Có những thời gian nhiều ngày Đức không ăn uống được mà chỉ hét và than khóc “Ôi bố mẹ ơi cứu con với. Con đau lắm. Sao đời con khổ thế này. Mẹ ơi con muốn trở thành người bình thường. Hàng xóm ơi cứu cháu với”. Chị Cúc nghẹn ngào không thành lời “Làm cha mẹ không đau đớn gì bằng con đau mà không làm cách nào được”.

Mỗi tháng, Đức lên viện 2-3 lần để tiêm thuốc. Năm lớp 6, Đức lên cơn đau quằn quại. Khớp của em dính không hồi phục. Hai năm trời, Đức đi thọt. Lớp 12, Đức ngã gẫy chân và nhiều tháng trời phải nằm viện. Bấy giờ, nhiều bệnh nhân quanh Đức có người đã tháo khớp, có người gẫy chân, có người phải cưa chân… khiến cậu thanh niên vừa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời không ít lần bi quan cùng cực.

“Cũng bi quan lắm chị ạ. Nhưng bố mẹ và các bác sĩ luôn động viện viên em cứ làm theo đúng lời bác sĩ là bệnh sẽ khỏi dần”, Đức tâm sự. Và quả thật thế, gần 20 năm qua, Đức đã tự đứng vững được trên đôi chân của mình và đã không còn nỗi sợ hãi bị mất đi đôi chân nữa.

Trung và Đức những ngày đầu thành lập Câu lạc bộ rối loạn đông máu Hải Phòng.

Người bạn thân, người em, người hàng xóm Phạm Quốc Trung cũng đã có một hành trình đầy gian nan và đẫm nước mắt khi đối diện với căn bệnh này. Đức kể, Trung thiếu thốn tình yêu thương của cha khi ông qua đời lúc Trung mới một tuổi. Một mình mẹ Trung vừa nuôi con bệnh, vừa chăm bố mẹ chồng già.

Mắc thể bệnh nặng hơn, Trung cứ nửa tháng đi nằm viện, nửa tháng ở nhà đi học. Ngày ấy, cứ anh Đức đi viện ngày nào, Trung đi cùng ngày đó. Tuy nhiên, Trung là một cậu bé rất hồn nhiên. Vì thế, nếu như Đức có vẻ nghiêm nghị của đàn anh hơn thì Trung luôn hào hứng và cười niềm nở dù xuất hiện ở bất cứ đâu.

Những ước mơ nhỏ của hai anh hùng hemo

Chênh nhau một tuổi, Đức và Trung đã cùng nhau nếm trải những tháng ngày đau đớn vật vã, hành hạ từ khi mới chỉ vài tháng tuổi. Những ngày chúng nằm viện không ít hơn nằm nhà là mấy. Lúc bấy giờ, chỉ có Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương mới có được loại thuốc điều trị. Đều đặn hàng tháng, chị Cúc (mẹ Đức) và chị Thảo (mẹ Trung) thay phiên nhau đưa hai con lên Hà Nội mỗi khi cơ thể có triệu chứng đau đớn.

Trong Câu lạc bộ bệnh nhân Hemo ở Hải Phòng, Đức và Trung có sự gắn bó đặc biệt. Phần vì là hàng xóm, phần vì thương Trung có một tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương của cha nên Đức luôn như một người anh trai trong gia đình.

“Lúc cả hai gọi nhau nhiều nhất là khi bị đau”, Đức kể. Vì cứ đau là phải lên viện tiêm thuốc. Năm 16 tuổi, đủ tuổi không cần người giám hộ, Đức tự một mình lên viện điều trị và dẫn theo cậu em Trung. Không nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến đi với nhau trong cuộc đời khoảng 19 năm qua, hay những tháng ngày nằm viện, chỉ biết giờ đây chúng trở thành một cặp bạn tri kỉ.

Sau những tháng ngày chịu đau đớn vì chấn thương, với sự động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè và của các y bác sĩ cùng nghị lực của chính mình, Đức kiên trì luyện tập phục hồi chức năng và có thể đi lại, sinh hoạt bình thường. Khó khăn là vậy nhưng Đức luôn có học lực và thành tích tốt. Em thi đỗ vào trường THPT Trần Nguyên Hãn và đỗ chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Hàng Hải. Tuy nhiên, do việc điều trị tốn nhiều thời gian, Đức đã không thể tiếp tục học đại học. Vì thế, em quyết tâm xin bố mẹ theo nghề trang điểm.

Mặc dù căn bệnh không phù hợp với nghề phải đứng nhiều và đi lại nhiều như nghề trang điểm, nhưng Đức vẫn tự tin chọn nghề vì một niềm đam mê mà Đức bảo là “máu nghề chảy trong huyết quản”. Đức hiện là một makeup artist (nhà trang điểm chuyên nghiệp) đã từng làm việc với những nghệ sĩ nổi tiếng. “Từ tháng 9 này em sẽ lên Hà Nội làm, hy vọng sẽ tự lập được không để bố mẹ phải hỗ trợ nữa”, Đức hào hứng khoe.

Đức và TS, BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương – người đã đồng hành với Đức từ khi em còn bé.

Trong khi đó, cậu “em” Trung vẫn đang ôm ấp một giấc mơ mở một cửa hàng phụ kiện vừa sửa chữa điện thoại. Tuy nhiên phần vì sức khỏe chưa cho phép, phần vì việc chính hiện tại là Trung đang quản lý hai phòng học cho gia sư thuê nên Trung vẫn chưa thực hiện được ước mơ của mình. “Em còn trẻ, em tin là mình sẽ làm được công việc mình yêu thích”, Trung hóm hỉnh nói.

19 năm qua là quãng thời gian mà Vũ Minh Đức và Trung phải sống chung với căn bệnh này. Trái ngược với những nỗi đau mà hemophilia mang lại, Đức và Trung luôn mang lại cho mọi người xung quanh sự tích cực, lạc quan cùng cách nói chuyện thu hút, hóm hỉnh.

Khoảng 19 năm bên nhau, cuộc đời của những cậu bé hemo ngày nào đã được thay đổi đầy kỳ tích, được dệt nên bởi nghị lực của bản thân và sự tiến bộ của y học hiện đại. Trong đó, có những ngày tháng những bệnh nhân này phải vượt qua sự đau đớn về thể xác, nỗi lo lắng vì cơ thể chảy máu… Họ coi mẹ của nhau như mẹ của mình, coi nhau là anh em trong cùng một nhà, để cùng nói về bệnh tật, nói về ước mơ, nói về chuyện lập gia đình sau này… Nhưng hơn cả, đó là cách họ truyền cảm hứng cho nhau, vượt qua những cơn đau như thế nào, để có một cơ thể khỏe mạnh khi cánh cửa cuộc đời vừa mới hé mở.

Thiên Lam (theo báo Nhân dân)

 

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan