Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nhánh về thalassemia thuộc Chương trình của Bộ Công thương

Chiều 23/10/2020, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nhánh thuộc Chương trình Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao của Bộ Công thương theo hợp đồng ký ngày 05/5/2017.

Đề tài “Nghiên cứu tần suất phân bố các đa hình gen liên quan đến bệnh thalassemia ở người Việt Nam và thử nghiệm Biochip chẩn đoán bệnh thalassemia” do Viện Huyết học – Truyền máu TW chủ trì, GS. TS. Nguyễn Anh Trí và TS. Bạch Quốc Khánh là đồng chủ nhiệm đề tài. Đây là đề tài nhánh Viện và Công ty TNHH MTV Nhà máy Công nghệ sinh học và Thiết bị y tế (BIMEDTECH) phối hợp thực hiện, thuộc dự án “Nghiên cứu sản xuất chip sinh học trên nền DNA microarray để chẩn đoán một số bệnh ở người” do BIMEDTECH chủ trì dự án và ThS. BS. Nguyễn Thị Thanh Tâm là chủ nhiệm dự án.

TS. Dương Quốc Chính – Trưởng khoa Di truyền và Sinh học phân tử trình bày báo cáo tóm tắt kết quả đề tài.

Sau 3 năm nghiên cứu, đề tài đã xác định được tần suất các đa hình gen liên quan đến bệnh thalassemia tại Việt Nam, đồng thời thử nghiệm Biochip trong chẩn đoán bệnh tan máu bẩm sinh với độ lặp lại cao với CV < 15%, độ đặc hiệu và độ nhạy lâm sàng tương ứng là 98% và 99%.

Các thành viên hội đồng đánh giá cao kết quả làm việc của nhóm nghiên cứu.

Đại diện cho đơn vị chủ trì dự án, ThS. BS. Nguyễn Thị Thanh Tâm – BIMEDTECH cho biết: “Chip sinh học đang được gửi kiểm định tại Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế, hi vọng quá trình này sớm hoàn thành để có thể sớm xin cấp phép lưu hành biochip, đưa vào sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh”. ThS. Tâm cũng bày tỏ mong muốn sản phẩm BIMEDCHIP Thalassemia Dectection Kit sẽ được công ty đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp và giai đoạn đầu sẽ tài trợ cho các đơn vị để chẩn đoán bệnh tan máu bẩm sinh.

PGS. TS. Nguyễn Hà Thanh (ngồi giữa) – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho biết: “Kết quả của đề tài rất ý nghĩa, được thực hiện công phu với cỡ mẫu lớn, nhất là giai đoạn thu thập mẫu ban đầu rất vất vả tại nhiều địa phương, nhiều dân tộc. Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu có thể so sánh với đột biến gen thalassemia của các nước trong khu vực Đông Nam Á”.

Tin: Thanh Hằng, ảnh: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan