Nghiên cứu đầy đủ về biến đổi di truyền trên toàn bộ gen gây bệnh hemophilia B ở quần thể người Việt Nam
Ngày 21/4/2025 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) theo Nghị định thư “Nghiên cứu đột biến gen mã hóa yếu tố IX ở bệnh nhân hemophillia B Việt Nam và xác định các chỉ thị phân tử phục vụ chẩn đoán người mang gen bệnh”. Hội đồng nghiệm thu gồm 9 thành viên, do GS.TS. Tạ Thành Văn (Trường Đại học Y Hà Nội) làm Chủ tịch Hội đồng.
Đây là nhiệm vụ KHCN do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là tổ chức chủ trì nhiệm vụ, TS.BS. Bạch Quốc Khánh làm chủ nhiệm. Phía đối tác nước ngoài cùng phối hợp thực hiện là Trung tâm Hemophilia Ronal Sawers, Bệnh viện Alfred, Melbourne, Úc.
Theo TS.BS. Bạch Quốc Khánh, Trung tâm Hemophilia Ronal Sawers là Trung tâm Hemophilia rất lớn, đã có hợp tác lâu dài với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, tuy nhiên trước đây chủ yếu hợp tác về lĩnh vực lâm sàng, hỗ trợ trong chẩn đoán và điều trị người bệnh. Việc thực hiện nhiệm vụ KHCN theo Nghị định thư với Úc rất ý nghĩa vì đột biến gen của hemophilia, nhất là bệnh hemophilia B có rất nhiều, có thể lên đến hàng nghìn đột biến khác nhau.
TS. Bạch Quốc Khánh, Chủ nhiệm nhiệm vụ KHCN phát biểu trước Hội đồng.
Đề tài được thực hiện từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2204 với 2 mục tiêu: (1) Xác định đột biến trên gen mã hóa yếu tố IX ở bệnh nhân và người mang gen bệnh hemophillia B tại Việt Nam, (2) Xác định tính đa hình nucleotid của gen mã hóa yếu tố IX phục vụ chẩn đoán người mang gen hemophillia B tại Việt Nam.
TS. Dương Quốc Chính thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN.
TS.BS. Bạch Quốc Khánh, chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: “Đề tài được phê duyệt vào tháng 5/2021, đó là thời điểm cả thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID-19. Do đó, quá trình thực hiện nghiên cứu cũng như trao đổi với các đối tác gặp nhiều khó khăn. Đó là một thách thức lớn, tuy nhiên các thành viên của nhóm nghiên cứu cũng đã nỗ lực khắc phục và hoàn thiện đề tài”.
Hemophilia B là bệnh máu khó đông do thiếu hụt yếu tố đông máu IX, ước tính chiếm 15 – 20% trong nhóm bệnh hemophilia. Đây là bệnh lý di truyền vì vậy có thể gặp ở nhiều thành viên trong một gia đình, nhiều gia đình trong một dòng họ.
Cơ chế sinh bệnh hemophilia B xuất phát từ các đột biến trên gen mã hóa yếu tố IX (gen F9). Các đột biến này làm giảm hoặc ngừng quá trình tổng hợp yếu tố IX của gen dẫn đến nồng độ yếu tố IX trong máu thấp, gây ra hiện tượng chảy máu kéo dài. Gen F9 nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X. Vì vậy, xác suất người phụ nữ mang gen bệnh có nguy cơ truyền nhiễm sắc thể X mang đột biến cho con là 50% trong mỗi lần sinh. Người nam giới bị bệnh sinh ra tất cả con gái chắc chắn là người mang gen bệnh. Do đó, chẩn đoán người mang gen bệnh là cách tiếp cận hữu hiệu và duy nhất để kiểm soát gen bệnh, hạn chế tỷ lệ mắc mới thông qua chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán trước chuyển phôi. Đây là nhiệm vụ quan trọng, là mục tiêu chính của chiến lược quản lý bệnh hemophilia B hiện nay.
Với ý nghĩa như vậy và kết quả thực hiện được, đề tài này là công trình nghiên cứu đầy đủ và đầu tiên của Việt Nam mô tả về biến đổi di truyền trên toàn bộ gen F9 gây bệnh hemophilia B và những đặc điểm đa hình nucleotid trên gen F9 ở quần thể người Việt Nam. Các kết quả đạt được của nghiên cứu có giá trị về khoa học và thực tiễn, đóng góp vào cơ sở dữ liệu thế giới về các biến thể di truyền gây bệnh hemophilia B cũng như tạo nền tảng cho các phương pháp chẩn đoán di truyền đột biến gen F9 tại Việt Nam.
PGS.TS. Lý Tuấn Khải (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Ủy viên phản biện Hội đồng đánh giá cao nhóm nghiên cứu đã rất cố gắng để hoàn thiện khối lượng công việc lớn, với hàm lượng khoa học cao trong bối cảnh đại dịch COVID-19. “Đề tài rất có ý nghĩa vì chưa có nghiên cứu tương tự trong khu vực”, PGS. Khải nhấn mạnh.
Nhiệm vụ KHCN đã thiết kế và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại, bao gồm kỹ thuật giải trình tự gen theo phương pháp Sanger và phương pháp NGS, kỹ thuật MLPA chuyên phát hiện các đột biến hiếm gặp trên gen F9 trong bệnh hemophilia B, kỹ thuật phân tích di truyền liên kết để xác định người mang gen F9 đột biến gây bệnh hemophilia B. Cơ sở dữ liệu về đột biến gen F9 (ở bệnh nhân và mẹ bệnh nhân) là cơ sở dữ liệu có giá trị cao về khoa học, cung cấp bức tranh khái quát, toàn diện về tính chất, đặc điểm các biến thể di truyền gây bệnh hemophilia B.
Việc hoàn thiện quy trình chẩn đoán di truyền bệnh hemophilia B tại Việt Nam giúp làm tăng chất lượng, hiệu quả về chi phí của việc sàng lọc, chẩn đoán người mang gen, chẩn đoán người bệnh, chẩn đoán trước sinh. Đồng thời đưa lĩnh vực chẩn đoán di truyền trong bệnh hemophilia B của Việt Nam lên ngang tầm khu vực và thế giới.
Từ đó giúp giảm thiểu sự di truyền của gen bệnh trong cộng đồng. Việc sàng lọc tốt người mang gen bệnh cũng góp phần làm tăng chất lượng dân số, giảm bớt gánh nặng bệnh tật và gánh nặng kinh tế ở phạm vi gia đình và xã hội.
PGS.TS. Đồng Văn Quyền (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Ủy viên Hội đồng nhận xét: “Đề tài đã phát hiện ra nhiều đa hình nucleotid mới, vì vậy nhóm nghiên cứu cần khai thác sâu hơn, có thêm những khai thác về đa hình này. Đây là những đóng góp giá trị cho cộng đồng khoa học thế giới trong chẩn đoán hemophilia B”.
Các ý kiến nhận xét của PGS.TS. Lương Thị Lan Anh (Trường Đại học Y Hà Nội) và PGS.TS. Nguyễn Quang Huy (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đều đánh giá cao tính mới của nghiên cứu, sự làm việc nghiêm túc, công phu của nhóm nghiên cứu. Với hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn từ đề tài, các thầy cô đề nghị nhóm nghiên cứu nên có cách thức để hỗ trợ các bác sĩ có thể tra cứu nhanh, thuận tiện trong chẩn đoán.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Các thành viên Hội đồng nhận xét, góp ý cho đề tài.
Kết luận các ý kiến của Hội đồng, GS.TS. Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá rất cao những kết quả đạt được của nghiên cứu trong thời gian ngắn, lại chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đề tài đã tạo ra cơ sở dữ liệu vô cùng quý giá, vì thế Viện cần sớm công bố để khẳng định bản quyền và là cơ sở để các nhóm nghiên cứu khác có thể tham khảo. GS. Văn cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các thầy cô để hoàn thiện báo cáo, trong đó làm rõ vai trò của đối tác Úc.
GS.TS. Tạ Thành Văn (áo trắng) phát biểu kết luận buổi nghiệm thu.
Tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Quang Tùng, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô, các nhà khoa học đã đóng góp ý kiến từ quá trình hình thành nhiệm vụ KHCN, nghiệm thu cơ sở để nhóm nghiên cứu của Viện có thể hoàn thiện hơn báo cáo.
Thảo Nguyên, ảnh: Gia Thắng
Bài viết liên quan
Người phụ nữ trải qua gần 10 lần phẫu thuật do một rối loạn đông máu hiếm gặp
17 Tháng Tư, 2025Vì không biết mình bị một căn bệnh rối loạn đông máu hiếm gặp (thiếu yếu tố X), chị Trần Minh T. đã trải qua giây phút cận kề cửa…
Đánh giá cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Nghị định thư về chẩn đoán gen bệnh Hemophillia
03 Tháng Một, 2025Ngày 31/12, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức đánh giá cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Nghị định thư “Nghiên cứu…