Người phụ nữ chiến thắng ung thư máu nhờ điểm tựa gia đình
Chị Vũ Thị Yến (1989, Phú Thọ) đã có 6 năm chung sống với căn bệnh Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (ung thư máu mãn tính). Nhìn vào cuộc sống gia đình hạnh phúc với hai đứa con khoẻ mạnh lớn lên từng ngày, ít ai biết được chị đã vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi với bạo bệnh.
Quyết tâm bảo vệ con của người mẹ ung thư máu
Tháng 10/2016, khi con đầu lòng được 10 tháng tuổi, chị Yến thấy mình gầy đi, tóc rụng, da xanh xao, cơ thể xuất hiện những vết bầm tím ngày một nhiều, chân đau nhức đến không thể đi lại. Vợ chồng chị Yến đưa nhau đi khắp nơi để tìm nguyên nhân rồi cuối cùng đã dừng chân tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Cầm trên tay kết quả xét nghiệm, chị bàng hoàng khi phát hiện mình đã mắc căn bệnh ung thư máu thể mãn tính. Cái Tết năm ấy, khi nhà nhà quây quần bên nhau chuẩn bị đón năm mới, người mẹ trẻ phải xa con thơ, xa gia đình để ở lại bệnh viện điều trị.
Từ khi bị bệnh, chị vẫn đều đặn sử dụng thuốc nhắm đích Gleevec. Năm 2018, chị hạnh phúc khi biết tin mình mang thai lần thứ hai. Nhưng nỗi lo lắng nhanh chóng xâm chiếm bởi chị đâu phải một người khoẻ mạnh như lần trước. Chị Yến đứng giữa hai lựa chọn: dừng thuốc để sinh con hoặc đình chỉ thai kỳ. Với bản năng của một người mẹ, chị đã quyết định mạo hiểm sinh con. Em bé chào đời ở tuần thứ 26. Thấy lòng như có lửa đốt vì mãi chưa được gặp con, ngày chuẩn bị xuất viện, chị gặng hỏi người nhà mới hay tin con mình đã vĩnh viễn rời xa thế giới khi mới chỉ 4 ngày tuổi.
Hơn một năm sau nỗi đau mất con, tình hình điều trị có tiến triển tích cực. Kiểm tra gen, bác sĩ thông báo chị đáp ứng thuốc tốt. Năm 2019, chị Yến đón nhận tin vui thêm một lần nữa. Hai tuần một lần, chị đều đặn kiểm tra công thức máu để theo dõi sát sao mọi diễn biến của cơ thể. Lần này, sức khoẻ của hai mẹ con ổn định. Đón con chào đời sau 34 tuần, chỉ khi nghe tiếng thở khe khẽ của con yên bình trong vòng tay, chị mới dám tin con thực sự đã ở bên cạnh mình.
Ba mẹ con chị Yến trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
“Chồng là người tuyệt vời nhất”
“Khi ở Bệnh viện 103, người ta kết luận bị ung thư máu, anh ấy đi ra ngoài để khóc.
– Thế tại sao bố lại khóc?
– Tại vì anh nhìn thấy mẹ đau quá nên anh thương!
Nhưng thực ra lúc đấy không phải anh thấy vợ đau quá mà vì biết vợ bị ung thư máu rồi.” – chị Yến kể lại.
Có người đã khuyên chồng để chị nằm ở bệnh viện tỉnh vì kinh tế gia đình khó khăn nhưng anh quả quyết đưa vợ xuống Hà Nội để sau này không phải ân hận. Khi người thân ngỏ ý chăm chị giúp để anh về đi làm thì anh đều từ chối. “Mọi người cứ đi làm đi, cháu ở đây trông vợ cháu” – một câu nói giản dị của anh nhưng đã khắc sâu trong lòng chị. Anh lo cho chị từng chút một, lúc chị bị liệt một chân không đi lại được, anh đều ở bên cạnh chăm lo mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân. Cả ba lần chị nằm viện hay những lúc chị sinh con đều một tay anh chăm sóc.
Vợ chồng chị Yến vẫn luôn yêu thương, gắn bó như ngày mới cưới.
Ung thư là bước ngoặt để chiến thắng bản thân
Lúc bị bệnh, chị Yến vô cùng hoang mang bởi trừ trước đến nay, cụm từ “ung thư” còn xa vời với cuộc sống của chị. Xung quanh chị chưa có ai mang căn bệnh quái ác này. Giữa lúc không biết bấu víu vào ai thì một câu nói của người bác sĩ khi ấy đã tiếp thêm sức mạnh để chị không bỏ cuộc: “Chị nên cảm thấy may mắn vì chị phát hiện bệnh khi đang ở thể mãn tính, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. Để chiến thắng được bệnh thì thuốc chỉ chiếm 30%, còn 70% là do tinh thần. Nếu tinh thần đủ mạnh thì chị sẽ thắng”. Chị Yến luôn ghi nhớ khoảng thời gian đầu khó khăn ấy. Chị muốn gửi lời cảm ơn tới người bác sĩ đã trực tiếp điều trị cho mình trong những ngày đầu: “Không thể dùng từ để nói hết sự quan tâm của các bác sĩ, điều dưỡng dành cho mình. Nhưng mình ấn tượng nhất về bác sĩ Cương. Bệnh nhân ốm mệt nhưng nghe bác sĩ chia sẻ thấy tinh thần thoải mái lắm. Nhờ có câu nói của bác sĩ mà mình đã có thêm động lực rất nhiều”.
Tâm niệm câu nói đó, rồi chị suy nghĩ bệnh đã ở trong người mình không thể thay đổi được. “Mình ủ rũ thì người thân nhìn thấy sẽ càng thêm mệt mỏi. Nếu bản thân suy sụp rồi không may có chuyện gì xảy ra với mình thì con sẽ khổ”. Từ đó, chị vực dậy tinh thần, tư tưởng thoải mái hẳn.
Sau khi gặp nhiều người đồng bệnh, được lắng nghe các hoàn cảnh, chị Yến cảm thấy ung thư không còn đáng sợ như những ngày đầu. “Ung thư không phải là chấm hết. Bây giờ y học đã phát triển rất nhiều. Ung thư chẳng qua là một bước ngoặt để chiến thắng bản thân” – chị Yến đã thay đổi suy nghĩ về ung thư.
Chị Yến trong một chương trình kỷ niệm ngày Lơ xê minh kinh dòng bạch cầu hạt Thế giới năm 2018.
Với tinh thần đó, chị Vũ Thị Yến đã chiến đấu vững vàng trước căn bệnh. Hiện tại, chị vẫn duy trì thuốc và tái khám theo hẹn 2 tháng/lần. Chị còn tích cực tham gia các hội, nhóm tại địa phương. Chồng chị Yến đang đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, cả gia đình vẫn thường xuyên gọi điện cho nhau và sẽ sớm đoàn tụ. Cuộc sống của chị xoay quanh việc đưa đón và chăm sóc hai đứa trẻ, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của chị hiện tại.
Hải Yến, ảnh nhân vật cung cấp
Bài viết liên quan
Hướng dẫn đặt lịch hẹn khám bệnh theo yêu cầu
22 Tháng Tám, 2022Để khám bệnh, xét nghiệm máu nhanh chóng, thuận tiện, rút ngắn thời gian chờ đợi, quý khách hàng có thể đặt lịch khám theo yêu cầu tại Viện thông…
Xét nghiệm sốt xuất huyết như thế nào?
20 Tháng Chín, 2022Theo chu kỳ hàng năm, dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng vào mùa mưa. Dịch sốt xuất huyết đạt đến đỉnh vào khoảng tháng 10 – tháng…
Tư vấn về bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt
23 Tháng Chín, 2020Bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (Chronic myeloid leukemia – CML, bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt) có thể coi là một trong những bệnh…