Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Người trẻ luôn trong tâm thế sẵn sàng hiến máu nhóm hiếm

Máu là một chế phẩm vô cùng quan trọng và không thể thay thế đối của những người bệnh cần truyền máu. Với những người bệnh có nhóm máu hiếm, loại “thuốc” đặc biệt này lại càng quý giá hơn.

Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm.

Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.

Hiểu được điều đó, có những người khỏe mạnh mang nhóm máu hiếm vẫn luôn sẵn sàng sẻ chia giọt máu quý giá của mình, hiến tặng người bệnh mỗi khi nhận được huy động của Viện.

Máu vốn đã quý giá, máu hiếm lại càng quý hơn, nhưng điều đáng quý nhất chính là tấm lòng nhân ái của những người khỏe mạnh (Ảnh: Minh Quyết).

Khi biết mình có nhóm máu hiếm thuộc 0,1% dân số, hầu hết mọi người đều có cảm giác lo lắng vì cảm thấy mình có phần khác biệt so với đa số những người xung quanh.

Chàng trai Nguyễn Hoài Sơn (24 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Khi mới bắt đầu những ngày tháng là sinh viên ở trường Đại học, tôi đã cảm thấy việc hiến máu tình nguyện là hoạt động có rất nhiều ý nghĩa nên đã tham gia. Sau lần đầu tiên hiến máu và được xét nghiệm thì tôi được biết mình là người có nhóm máu hiếm”.

Từ đó, Sơn thường đi hiến máu theo những cuộc gọi huy động từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Cũng từ đó, Sơn hiểu được tầm quan trọng của những người hiến máu như mình với người bệnh.

Chàng trai Nguyễn Hoài Sơn luôn duy trì sức khỏe để sẵn sàng đi hiến máu bất cứ khi nào được gọi

“Nhiều lần được Viện gọi đến để hiến máu cho người bệnh, tối biết rằng người bệnh và người nhà đều rất lo lắng, rất cần đến máu của tôi. Sau mỗi lần như vậy tôi đều cố gắng sống lành mạnh, luyện tập nâng cao sức khỏe để sẵn sàng hiến máu khi có người cần” – Sơn chia sẻ.

Giống như Sơn, bạn Phạm Ánh Ngọc (25 tuổi, Hà Nội) cũng nhờ việc đi hiến máu mà biết mình có nhóm máu hiếm. Là một cô gái nhỏ nhắn, nhưng Ánh Ngọc đã có 16 lần hiến máu nhóm hiếm và luôn sẵn sàng đi hiến máu mỗi khi được gọi.

Ngọc cho biết: “Khi được bác sĩ thông báo mình có nhóm máu hiếm, mình đã về nhà tìm hiểu các thông tin về nhóm máu hiếm trên mạng. Ban đầu cũng hơi lo một chút nhưng sau đó thì mình lại thấy bình thường, mình cũng có tìm hiểu và tham gia vào CLB nhóm máu hiếm để khi có người cần thì mình sẽ có thông tin để đi hiến máu.”

Ánh Ngọc vẫn nhớ lần đầu tiên được gọi đến hiến máu cho người bệnh có nhóm máu hiếm, đó cũng là lần đầu Ngọc cảm nhận được ý nghĩa của công việc mình đang làm.

“Năm 2022, khi mình đang làm việc thì nhận được cuộc gọi của Viện nhờ mình đến hiến máu. Lúc đó mình thấy khá hoang mang vì không nghĩ là nhóm máu của mình lại hiếm đến thế. Mình cũng lo lắng cho người bệnh nên đã sắp xếp công việc để đi hiến máu ngay chứ không chờ đến hết giờ làm. Trên đường đi mình cũng cảm thấy khá hồi hộp, lúc đó nghĩ rằng chỉ sợ mình đến chậm thì người bệnh sẽ gặp nguy hiểm.

Sau này mình quen với việc đi hiến máu hơn thì cũng bình tĩnh hơn khi được gọi, nhưng lần đó cũng là kỷ niệm khá đáng nhớ đối với mình” – Ánh Ngọc chia sẻ.

Mỗi lần đi hiến máu theo huy động, Ánh Ngọc lại lo lắng cho người bệnh như người nhà của mình

Những người trẻ có nhóm máu hiếm như Sơn và Ngọc luôn ở trong tư thế sẵn sàng, bất cứ khi nào có cuộc gọi từ Viện, họ đều sắp xếp để có thể đến hiến máu sớm nhất.

Mỗi khi biết được thông tin có người bệnh cần máu, họ lại nhiệt tình như thể đi hiến máu cho chính người nhà của mình. Dù chưa một lần được gặp mặt người đã nhận máu, nhưng họ vẫn luôn hạnh phúc khi biết dòng máu của mình đã cứu sống những cuộc đời khác.

Chàng trai Nguyễn Hoài Sơn cho biết: “Tôi vẫn còn trẻ và có sức khỏe nên không có lý do gì để từ chối giúp đỡ cả. Tôi nghĩ rằng hạnh phúc của tuổi trẻ là được cống hiến cho cộng đồng, tôi cũng luôn cố gắng đóng góp nhiều nhất những gì mình có.

Nhiều lần được gọi hiến máu mà tôi phải đến muộn vì tắc đường và phải đi xa, nhưng khi đến Viện thì các bác sĩ rất tận tâm hỗ trợ và tạo cho tôi cảm giác gần gũi như ở nhà.”

Còn với Ánh Ngọc, những lần không đủ điều kiện hiến máu đã trở thành động lực để cô gái 25 tuổi chú ý rèn luyện sức khỏe và chăm sóc bản thân tốt hơn.

“Có một lần mình được huy động đến hiến tiểu cầu, nhưng do không đủ cân nặng nên phải chuyển sang hiến máu toàn phần. Lúc đó mình cảm thấy hơi buồn một chút, cảm giác nếu mình cố gắng hơn chút nữa thì có thể hiến tiểu cầu rồi. Lần đó mình cũng được bác sĩ động viên và khi trở về đã cố gắng ăn uống, ngủ đủ giấc để luôn đủ điều kiện hiến mỗi khi được gọi” – Ánh Ngọc kể lại.

Đều là những thanh niên trẻ tuổi, Phạm Ánh Ngọc và Nguyễn Hoài Sơn không chỉ hết mình trong công việc của cá nhân mà với cộng đồng, họ cũng là những “người hùng” đầy trách nhiệm và nhiệt huyết.

Hoài Sơn và Ánh Ngọc cũng là hai trong số những người hiến máu nhóm hiếm được khen thưởng tại Chương trình Gặp mặt Người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype tiêu biểu năm 2024 sẽ diễn ra vào 8h30 – 11h30 ngày 23/11 tại Hội trường tầng 2 của Viện.

Thùy Trang – Ảnh: NVCC

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan