Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Tư vấn về bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ gặp hiện tượng xuất huyết, ví dụ như: bị các vết bầm tím, chảy máu chân răng… Hoặc nghiêm trọng hơn là không thể cầm máu khi có vết thương, nhổ răng, kinh nguyệt… Vậy nguyên nhân của hiện tượng xuất huyết là gì, có phải xuất huyết là do giảm tiểu cầu hay là do một nguyên nhân nào khác?

xuất huyết giảm tiểu cầu

Để trả lời câu hỏi này, kính mời quý vị khán giả theo dõi chương trình tư vấn sức khỏe với sự tham gia của BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu TW.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ giải đáp các vấn đề về chăm sóc, điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát hay còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu. Đây là một bệnh lý phổ biến về tiểu cầu có ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn.

MC: Trên Fanpage của Viện Huyết học – Truyền máu TW, chúng tôi cũng nhận được một số câu hỏi của khán giả, mong được bác sĩ giải đáp:

  • Con tôi hay bị chảy máu chân răng, bầm tím có phải do tiểu cầu giảm hay không?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Triệu chứng chảy máu chân răng, bầm tím ngoài nguyên nhân giảm tiểu cầu còn có các nguyên nhân khác, vì thế bạn cần đến cơ sở y tế và làm xét nghiệm để biết có giảm tiểu cầu hay không.

  • Tôi hay bị bầm tím, xuất huyết, nhiều người khuyên tôi nên uống thuốc bổ máu và sử dụng một số thực phẩm bổ máu, xin hỏi bác sĩ như vậy có thể giúp tăng tiểu cầu hay không?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Đây là biện pháp chưa hợp lý để điều trị những vết bầm tím và xuất huyết. Trước hết cần phải tìm hiểu những vết bầm tím đó do nguyên nhân gì, từ đó bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp.

  • Tôi bị kinh nguyệt kéo dài, điều trị ở một số nơi chưa khỏi có phải do tiểu cầu giảm không?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Kinh nguyệt kéo dài do rất nhiều nguyên nhân ở phụ nữ và không chỉ mỗi nguyên nhân giảm tiểu cầu, tuy nhiên nguyên nhân giảm tiểu cầu cũng nên nghĩ đến. Việc đầu tiên các bạn nên làm là đi xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, đi khám định kì, khám cơ bản để biết có phải do nguyên nhân giảm tiểu cầu hay không.

MC: Xin bác sĩ cho biết tiểu cầu thường giảm trong những bệnh lý nào?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Tiểu cầu là một tế bào máu đóng vai trò quan trọng trong việc cầm máu. Nguyên nhân giảm tiểu cầu có thể do giảm tiểu cầu ngoại vi vì tiểu cầu tăng tiêu thụ và tăng phá hủy ở máu ngoại vi hoặc tiểu cầu giảm do giảm sinh tủy tại tủy xương. Đối với giảm tiểu cầu ngoại vi do tiểu cầu bị tăng tiêu thụ, phá hủy thì có các bệnh như bệnh giảm tiều cầu miễn dịch nguyên phát, ngoài ra còn có các giảm tiểu cầu thứ phát khác sau nhiễm virus như: thủy đậu, zona; sau tiêm chủng hoặc các bệnh như xơ gan, rối loạn đông máu DIC, hoặc các bệnh tự miễn khác như lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng evans…

Tiểu cầu giảm sinh ra tại tủy xương có thể gặp trong những bệnh máu có tổn thương tủy như: rối loạn sinh tủy, suy tủy xương, ung thư máu hoặc các bệnh K di căn khác đến tủy xương. Ngoài ra, tiểu cầu có thể giảm do sai số về xét nghiệm hoặc một số bệnh nhân có tiểu cầu vón nên khi làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu xuất hiện hiện tượng tiểu cầu giảm.

Chỉ số tiểu cầu bình thường từ 150 – 450 G/l, nếu tiểu cầu dưới 100 G/l được gọi là giảm tiểu cầu.

MC: Thưa bác sĩ, những triệu chứng, dấu hiệu nào khiến chúng ta nghĩ đến bệnh lý giảm tiểu cầu?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Khi tiểu cầu giảm, triệu chứng, dấu hiệu chính là gây xuất huyết. Xuất huyết rất đa dạng, có thể là xuất huyết dưới da (các chấm nốt nhỏ bầm tím hoặc các mảng bầm tím), xuất huyết niêm mạc mắt, mũi, răng miệng hoặc nặng hơn là bệnh nhân tiểu ra máu, đi ngoài ra máu, nôn ra máu. Triệu chứng nặng nhất của xuất huyết là xuất huyết não (bệnh nhân đau đầu, buồn nôn hoặc có các triệu chứng thần kinh khu trú). Dấu hiệu thường gặp nhất là người bệnh là bị xuất hiện xuất huyết dưới da, niêm mạc, và lúc đó chúng ta cần đi khám, làm các xét nghiệm máu.

MC: Như chúng ta đã biết, xuất huyết giảm tiểu cầu là một bệnh lý phổ biến về tiểu cầu, vậy xin bác sĩ cho biết những thông tin khái quát về bệnh và có những nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh này?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Xuất huyết giảm tiểu cầu là tình trạng tiểu cầu trong máu ngoại vi bị phá hủy do sự có mặt của kháng khể kháng tiểu cầu. Trước đây, bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát có tên là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch vô căn (có nghĩa là nguyên nhân bệnh không được xác định rõ). Trước đây, các nhà lâm sàng thường chẩn đoán bằng cách loại trừ các nguyên nhân giảm tiều cầu khác như: do virus vi khuẩn, bệnh hệ thống khác… không có thì chẩn đoán do xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Ngày nay, chúng ta đã có phương pháp hiện đại hơn, khẳng định bệnh giảm tiểu cầu là do nguyên nhân miễn dịch.

MC: Xin bác sĩ chia sẻ người bị xuất huyết giảm tiểu cầu thường có những triệu chứng, biểu hiện như thế nào?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Chúng ta nên nghĩ đến bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch khi có triệu chứng, biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, kinh nguyệt lâu cầm thì chúng ta cần đi khám để biết được có bị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch hay không.

MC: Vậy thưa bác sĩ, để chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh nhân cần làm những xét nghiệm gì và chi phí khoảng bao nhiêu?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Chúng ta nên đến những cơ sở y tế mà chúng ta tin cậy về chất lượng xét nghiệm để kiểm tra số lượng tiểu cầu của mình. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh này rất đơn giản, quan trọng là xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu sau đó là xét nghiệm về đông máu, virus, các bệnh tự miễn… để làm phương pháp loại trừ. Chi phí các xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu khoảng 1 triệu đồng.

MC: Xin bác sĩ chia sẻ về các phương pháp điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu và tiên lượng trong điều trị căn bệnh này như thế nào?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Bệnh chủ yếu điều trị nội khoa với những phương pháp cơ bản là dùng corticoid, các thuốc như gamma globulin đối với trẻ em. Corticoid có thể đem lại đáp ứng đến 80% đối với các bệnh nhân, nếu bệnh nhân nào không đáp ứng các phương pháp thứ nhất (phương pháp hàng 1) thì chuyển sang điều trị phương pháp hàng 2 như là các thuốc ức chế miễn dịch, các thuốc nhắm đích đặc biệt là các thuốc kích thích sinh tiểu cầu dạng mới.

Ngoài các phương pháp điều trị nội khoa còn có phương pháp điều trị ngoại khoa đó là cắt lách. Khi bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp điều trị nội khoa thì chúng ta sẽ tiến hành cắt lách để đem lại sự đáp ứng cho bệnh nhân.

Corticoid là một loại thuốc đem lại khá nhiều phiền toái cho bệnh nhân, có nhiều tác dụng phụ. Khi bạn dùng corticoid thì cần kết hợp chặt chẽ với bác sĩ để bác sĩ giảm liều cho bạn một cách tốt nhất, nghĩa là với liều thấp nhất mà đạt được hiệu quả tối ưu nhất trong điều trị bệnh.

MC: Có một vấn đề mà rất nhiều người bệnh, người nhà người bệnh quan tâm đó là: người bệnh nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt như thế nào. Xin bác sĩ có lời khuyên dành cho người bệnh trong vấn đề này?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Do corticoid đem lại nhiều tác dụng phụ nên người bệnh cần lưu ý về chế độ ăn. Tác dụng phụ của thuốc hay gặp như: giữ nước, tăng cân và ảnh hưởng đến dạ dày cũng như một số về rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, tác dụng phụ lâu dài hơn như ảnh hưởng đến đường huyết, huyết áp.

Từ những tác dụng phụ trên, người bệnh cần chọn chế độ ăn không khiến cho bản thân tăng cân nhanh và không ảnh hưởng đến dạ dày: cần hạn chế đồ ăn chua, cay, nóng, các chất kích thích; các thực phẩm không làm ảnh hưởng đến đường huyết.

Người bệnh nên chọn chế độ ăn vừa sạch vừa phù hợp, cân bằng để làm sao không ảnh hưởng đến cân nặng cũng như dạ dày, đó là chế độ ăn nhiều hoa quả, rau xanh để phối hợp tốt với việc điều trị bệnh.

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát chủ yếu ở nữ giới, chiếm gần 66%, vì vậy, vấn đề về tập luyện, ăn uống rất quan trọng với bệnh nhân để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, các chế độ tập luyện của bệnh nhân nên tránh chấn thương để giảm xuất huyết.

MC: Tỷ lệ bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở nữ giới thường nhiều hơn, vậy xin hỏi bác sĩ người bị bệnh có thể sinh con được hay không và khi sinh con thì cần lưu ý những vấn đề gì trước, trong và sau khi mang thai?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Các bệnh nhân vẫn sinh con được và trong quá trình mang thai cần phối hợp chặt chẽ, đồng hành với bác sĩ từ những ngày đầu để bệnh nhân dùng thuốc ở mức thấp nhất nhưng vẫn đem lại những đáp ứng ở mức chấp nhận được. Thường 3 tháng đầu, chúng tôi không điều trị thuốc cho bệnh nhân, gần như bệnh nhân có thể ngừng thuốc và theo dõi. Sau 3 tháng, chúng tôi điều trị với liều rất thấp để làm sao đạt được đáp ứng. Và đặc biệt lúc chuyển dạ, bệnh nhân cần duy trì tiểu cầu ở mức 50 G/L.

Những phụ nữ bị bệnh giảm tiều cầu miễn dịch nguyên phát hoàn toàn có thể mang thai sinh con như phụ nữ bình thường nhưng cần phải sát cánh, đồng hành cùng bác sĩ trong quá trình điều trị để đảm bảo an toàn cao nhất cho sản phụ.

MC: Lời khuyên vừa rồi phù hợp với những người bệnh đã điều trị bệnh một thời gian sau đó mới quyết định mang thai. Tôi được biết nhiều trường hợp sản phụ trong quá trình kiểm tra thai kỳ mới phát hiện xuất huyết giảm tiểu cầu, bác sĩ có lời khuyên nào với những trường hợp này?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Hiện tượng giảm tiểu cầu thai kỳ là một hiện tượng phổ biến và thường là không đáng ngại, hiện tượng này thông thường sẽ hết sau khi sinh xong. Những phụ nữ lần đầu phát hiện giảm tiểu cầu thai kỳ đừng quá lo lắng vì mức giảm tiều cầu thường không quá thấp hoặc khi phát hiện giảm tiểu cầu thường là những tháng con đã lớn nên những can thiệp nội khoa lúc này khá an toàn cho mẹ và con. Các bạn nên tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ và đừng quá lo lắng, bác sĩ sẽ giúp bạn vượt qua quá trình sinh nở một cách an toàn.

MC: Chúng tôi nhận được một số câu hỏi của người bệnh như sau:

  • Thưa bác sĩ, em bị bệnh từ năm 2015, hiện tại mới sinh con được 6 tháng, vẫn cho con bú và uống thuốc để duy trì để tiều cầu ở mức 23-25 g/l thì con có bị ảnh hưởng gì không?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Theo lời khuyên của bác sĩ, hiện tại bạn vẫn duy trì thuốc ở liều thấp để đảm bảo lượng tiểu cầu an toàn cho bạn, vẫn cho con bú đó là điều hoàn toàn có thể được và tốt cho cả mẹ lẫn con. Tác dụng phụ của thuốc qua sữa tỉ lệ rất ít, bạn vẫn có thể dùng thuốc để nuôi con được nhưng ở liều bác sĩ cho phép. Nếu bạn dùng liều cao thì bác sĩ khuyên nên dừng cho con bú.

  • Em muốn sinh thêm con thứ 2 thì có nên hay không?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Điều này hoàn toàn do quyết định của bạn, bác sĩ sẽ cố gắng giúp để bạn đạt mức an toàn nhất. Theo tôi thì có thể được vì việc điều trị bệnh đã có bác sĩ, có bệnh viện, bạn nên theo dõi sức khỏe bằng các xét nghiệm định kì. Bác sĩ sẽ tư vấn cho trong từng thời kì và từng mức độ tiểu cầu phù hợp. Theo tôi, khi bạn đã sinh con thứ nhất thì nên dành thời gian khoảng cách xa nhau để bệnh ổn định rồi sinh con tiếp theo sẽ tốt hơn cho bạn.

  • Em thường hay bị tím nhiều chỗ nếu để lâu dài thì có ảnh hưởng gì không ạ?

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo: Triệu chứng tím trên da bản chất là xuất huyết dưới da. Về cơ bản, xuất huyết dưới da không gây hại nhiều cho bệnh nhân vì không gây mất máu, không gây tổn thương vị trí bầm tím tại chỗ, chỉ gây xấu về mặt thẩm mĩ. Về lâu dài, bạn cần kiểm tra số lượng tiểu cầu để bác sĩ duy trì cho bạn ở mức tiểu cầu an toàn. Nếu như số lượng tiểu cầu của bạn ở mức an toàn rồi mà vẫn bầm tím thì hãy chung sống với hiện tượng đó, nó không quá nguy hiểm với bạn.

Về mức độ nguy hiểm thì triệu chứng về xuất huyết niêm mạc sẽ nguy hiểm hơn, ví dụ như chảy máu mũi, răng, xuất huyết niêm mạc mắt. Đây là những triệu chứng cảnh báo cần đi khám ngay vì triệu chứng này xuất huyết sâu hơn ở mức ngoài da nên bạn cần phải theo dõi sát và thường tiểu cầu lúc này sẽ xuống thấp hơn xuất huyết dưới da.

Qua sự tư vấn của BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, chắc hẳn quý vị khán giả đã có được những thông tin rất hữu ích về bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ đã tham gia chương trình.

ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU – XÉT NGHIỆM:

1. Viện Huyết học – Truyền máu TW

  • Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
  • Thời gian:

Từ thứ 2- thứ 6: 6h30 – 17h00 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu);

Thứ 7: 7h30 – 17h00 (khám theo yêu cầu).

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ KHÁM THEO YÊU CẦU TẠI VIỆN:

Để xét nghiệm máu nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi, bạn có thể đăng ký khám theo yêu cầu thông qua:

2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện tại Hà Nội: Từ thứ 3 – Chủ nhật: 8h00 – 12h00 và 13h30 – 17h00.

  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm;
  • Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân;
  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa;
  • Số 78, Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình.

Trương Hằng (ghi)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan