Nhiều địa phương tổ chức tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh
Hướng tới kỷ niệm ngày Thalassemia Thế giới (08/5), nhiều tỉnh/thành đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và phòng tránh bệnh cho cán bộ y tế, người dân, đặc biệt là học sinh phổ thông.
Bắc Kạn – Truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh cho học sinh phổ thông
Chiều 06/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức buổi tìm hiểu và truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh cho các em học sinh Trường PT DTNT tỉnh Bắc Kạn.
TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia chia sẻ thông tin về bệnh tan máu bẩm sinh (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Các em học sinh được tìm hiểu các thông tin cơ bản về bệnh, đặc biệt là cách phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh. Ngoài những vấn đề được trao đổi bởi TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, chương trình cũng có sự tương tác tích cực giữa các em học sinh thông qua các phần thi, trả lời câu hỏi.
Các em học sinh thi, trả lời câu hỏi về bệnh tan máu bẩm sinh (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Bên cạnh đó, chương trình có sự xuất hiện của người nhà một người bệnh tan máu bẩm sinh tại địa phương. Qua những chia sẻ hữu ích, các em có góc nhìn chân thực nhất về căn bệnh và những hệ luỵ. Từ đó, các em nâng cao ý thức phòng tránh bệnh.
Nghệ An – Học sinh thuyết trình bằng tranh về bệnh tan máu bẩm sinh
Sáng 05/5, Ban Chỉ đạo Công tác Dân số & Phát triển tỉnh Nghệ An phối hợp với Ban Chỉ đạo công tác Dân số & Phát triển huyện Quỳ Châu tổ chức chương trình truyền thông Ngày Thalassemia Thế giới.
Ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình Nghệ An nhấn mạnh cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể cộng đồng phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh; thực hiện phối hợp lồng ghép tuyên truyền bệnh tan máu bẩm sinh vào hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, đảm bảo sự vào cuộc tích cực và tối đa của các cấp, các ngành.
Ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình Nghệ An phát biểu tại chương trình (Ảnh: Báo Nghệ An)
Các em học sinh trường THPT Quỳ Châu thuyết trình về bệnh tan máu bẩm sinh qua tranh vẽ. Hình thức thể hiện đa dạng đã giúp các em ghi nhớ và hiểu rõ hơn về bệnh. Qua đó, chính các em cũng trở thành cầu nối tuyên truyền đến gia đình, người thân, bạn bè xung quanh.
Học sinh trường THPT Quỳ Châu thuyết trình về bệnh tan máu bẩm sinh (Ảnh: Báo Nghệ An)
Ban tổ chức tặng quà cho bệnh nhi tan máu bẩm sinh trên địa bàn huyện (Ảnh: Báo Nghệ An)
Vĩnh Phúc – Truyền thông về tan máu bẩm sinh tới cán bộ y tế
Tại Vĩnh Phúc, Ngày 5/5, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh cho 300 đại biểu đến từ các Trung tâm Y tế và một số người bệnh trên địa bàn.
Ông Đào Anh Thái – Chi Cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: “Thông qua việc tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin nhân Ngày Thalassemia Thế giới 8/5, chúng tôi hi vọng người bệnh và cán bộ y tế có thêm hiểu biết về bệnh này”.
Ông Đào Anh Thái cũng cho biết, qua khảo sát nhanh, hiện có gần 30 trường hợp mắc bệnh tan máu bẩm sinh tại huyện Sông Lô, Tam Đảo, Bình Xuyên, Phúc Yên và đang được điều trị tại các bệnh viện tỉnh, bệnh viện TW.
Tại hội nghị, ThS. BS. Nguyễn Tân Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng, Cục Dân số đã chia sẻ những thông tin về cách phòng bệnh và điều trị bệnh tan máu bẩm sinh.
“Bệnh tan máu bẩm sinh đặc biệt ở chỗ là tỷ lệ người dân mang gen bệnh rất cao. Việc chữa bệnh được tiến hành từ khi phát hiện, nhưng quan trọng hơn là phòng bệnh như thế nào. Nếu không quản lý được số người mang gen bệnh thì khả năng những người mang gen này sinh ra con bị bệnh là chắc chắn”, ThS. Nguyễn Tân Sơn cho biết.
Thảo Nguyên – Hải Yến (tổng hợp)
Theo Báo Bắc Kạn, Báo Nghệ An, Báo Pháp luật & Xã hội
Bài viết liên quan
Tan máu bẩm sinh (thalassemia) là gì và điều trị như thế nào?
28 Tháng Tư, 2021Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu từ năm…
Bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh) di truyền như thế nào và cách phòng bệnh
20 Tháng Chín, 2022Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là bệnh di truyền có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Thalassemia đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi,…
Ghép tế bào gốc giúp em bé 3 tuổi tan máu bẩm sinh tìm lại cuộc đời
05 Tháng Năm, 2023“Nửa đời người ở viện thì con tôi không còn tương lai” Năm 2016, bé Bình An có những cơn sốt không rõ nguyên nhân lúc 6 tháng tuổi. Gia…