Những “chiến binh thầm lặng” góp từng đơn vị máu trong mùa dịch
Không trực tiếp “lao” vào tâm dịch COVID-19, nhưng người làm công tác tiếp nhận máu được xem như những “chiến binh thầm lặng”, cần mẫn gom góp những đơn vị máu quý giá để chuyển tới người bệnh cần máu khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Các cán bộ, nhân viên Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu chuẩn bị dụng cụ và thiết bị cho một ngày hiến máu.
Đặc thù công việc, mỗi tuần các cán bộ làm công tác tiếp nhận máu ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phải làm việc khoảng 6 ngày và thường xuyên phải đi công tác xa, đi nhiều ngày, như đi tiếp nhận tại các tỉnh miền núi như ở Lạng Sơn, Yên bái, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu…
“Nếu có lịch đi tiếp nhận máu ở các tỉnh lân cận Hà Nội, chúng tôi phải dậy từ lúc 4h30 sáng, đến Viện chuẩn bị các trang thiết bị và dụng cụ cần thiết cho một buổi tiếp nhận máu. Đúng 5h sáng là lên xe xuất phát đến địa điểm tổ chức hiến máu”, Điều dưỡng Lê Văn Hiếu, Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu, cho biết.
Có những hôm “lăn lê” ở tỉnh, về tới Viện, khi hoàn thành việc bàn giao máu cho các bộ phận liên quan và thu dọn đồ đạc xong, đồng hồ đã điểm 7,8 giờ tối.
Điều dưỡng Lê Văn Hiếu, Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu.
Để phòng lây nhiễm COVID-19, hầu hết các cán bộ tiếp nhận máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đều đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ. Theo quy định của Viện, trước mỗi chuyến đi công tác, tiếp nhận máu ở các tỉnh, cán bộ, nhân viên phải xét nghiệm COVID-19 và tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng dịch.
Việc phải đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người khiến các cán bộ tiếp nhận máu luôn phải đối mặt với nguy hiểm, dịch bệnh rình rập. Dù vậy, sau khi đưa thành công những đơn vị máu an toàn về tới Viện, họ luôn cảm thấy hạnh phúc, bởi sẽ có nhiều người bệnh được cứu sống nhờ liều thuốc quý này, đặc biệt trong tình hình dịch phức tạp như hiện nay.
Thời điểm này, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công tác tiếp nhận máu vẫn không thể dừng lại được bởi người bệnh vẫn luôn cần máu để điều trị. Với phương châm “máu có thể chờ người bệnh chứ không để người bệnh chờ máu”, ở đâu có điểm hiến máu thì ở đó người hiến máu sẽ được tiếp đón, chăm sóc nhiệt tình bởi các nhân viên tiếp nhận máu.
Điều dưỡng Lê Thị Thái, công tác tại Khoa Hiến máu và các thành phần máu chia sẻ: Những hôm số lượng máu tiếp nhận vượt kế hoạch, đoàn công tác vui lắm, vì người bệnh cần máu sẽ có thêm cơ hội sống. Ngược lại, khi lượng máu tiếp nhận không đạt chỉ tiêu, buồn riêng thì ít, lo lắng thì nhiều bởi người bệnh sẽ không có máu để truyền và kéo theo nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.
Điều dưỡng Lê Thị Thái, Khoa Hiến máu và các thành phần máu.
Dịch bệnh phức tạp, nguy cơ lây nhiễm luôn cận kề, nhưng các cán bộ, nhân viên làm công tác tiếp nhận máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vẫn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, bởi đó không chỉ là trách nhiệm, là công việc mà còn là hi vọng sống của biết bao người bệnh đang mong chờ.
Theo Vương Tuấn – Laodong.vn
Bài viết liên quan
Phật giáo Hà Nam hiến máu vì miền Nam ruột thịt
29 Tháng Tám, 2021“Trong đợt dịch căng thẳng nhất này, toàn thể đất nước đều hướng về miền Nam. Tăng ni, phật tử, ai ai cũng muốn xông pha lên đường. Cùng với…
Youth Day 2021: Những giọt hồng ấm lòng mùa giãn cách
29 Tháng Tám, 2021Tổ chức thường niên vào tháng 8 hàng năm, chương trình hiến máu Youth Day do Chi hội Thanh niên Vận động hiến máu 27/02 và Viện Huyết học –…
Cách thức để nhận tin nhắn xác nhận lịch hiến máu trong thời gian giãn cách xã hội
28 Tháng Tám, 2021Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người hiến máu di chuyển tới các điểm hiến máu, đồng thời đảm bảo gửi tin nhắn xác nhận lịch hiến máu đúng…
Dàn diễn viên VTV “đổ bộ” Youth Day 2021
27 Tháng Tám, 2021Tại chương trình hiến máu Youth Day 2021 ngày 27/8, Thanh Sơn, Quỳnh Kool và Ánh Tuyết – bộ ba diễn viên VTV đang rất quen thuộc với khán giả…