Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Những chuyến phiêu lưu của tế bào hồng cầu

Nếu có những tế bào hồng cầu khoẻ mạnh thì ước mơ của các bệnh nhi tan máu bẩm sinh là gì? Đó là nội dung được thể hiện qua những bức tranh đầy sắc màu của bệnh nhi. Hơn 100 tác phẩm đã tham gia cuộc thi “Hồng cầu phiêu lưu ký” do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam tổ chức.

Bức tranh của bệnh nhi tan máu bẩm sinh

Thay vì vẽ chính mình, bệnh nhi tan máu bẩm sinh vẽ tế bào hồng cầu khoẻ mạnh với những cuộc phiêu lưu kỳ thú. Tế bào hồng cầu được học tập, vui chơi và làm những việc yêu thích. Những nét vẽ hồn nhiên thể ước mơ trong sáng của các em nhỏ nếu mình không bị tan máu bẩm sinh, không phải gắn bó với bệnh viện suốt đời.

Có bệnh nhi thể hiện mong ước được cắp sách đến trường đều đặn. Có em trông ngóng một ngày đi chơi vui vẻ cùng bạn bè trong công viên, bên bờ biển, thậm chí là chuyến du hành dưới biển cả đầy sáng tạo. Điểm chung qua nét vẽ của các em đó là khuôn mặt luôn rạng rỡ niềm hạnh phúc với những đôi mắt biết cười, cảnh vật mang sắc thái tươi vui…

Qua việc thể hiện những điều ước được bệnh nhi ấp ủ, những bức tranh hướng đến tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh, ý nghĩa nhân văn của hoạt động hiến máu tình nguyện.

Tranh sẽ được triển lãm tại chương trình “Lắng nghe người trong cuộc” kỷ niệm ngày Thalassemia Thế giới 08/5/2025 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ngày hội sẽ diễn ra với những hoạt động: giao lưu với bác sĩ, người bệnh, người nhà người bệnh; trao giải cuộc thi tuyên truyền online về bệnh tan máu bẩm sinh; trao giải cuộc thi vẽ tranh “Hồng cầu phiêu lưu ký”.

Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) là bệnh di truyền lặn phổ biến nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây là bệnh của tế bào hồng cầu – một tế bào máu quan trọng với chức năng cung cấp oxy cho mọi tổ chức trong cơ thể. Người bệnh thalassemia có 02 gen bệnh đột biến làm ảnh hưởng nặng nề đến chức năng và hình thái của hồng cầu, từ đó dẫn đến bệnh nhân bị thiếu máu và rất nhiều các biến chứng do hậu quả của tình trạng thiếu máu gây ra. Hiện tại, phương pháp điều trị chủ yếu là truyền máu và thải sắt; truyền máu định kỳ (2 tuần – 2 tháng, tùy mức độ nặng nhẹ của người bệnh) và thải sắt thường xuyên trong suốt cuộc đời.

Hải Yến – Ảnh: Trung tâm Thalassemia

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan