Những cuộc gọi bất ngờ của người hiến máu phenotype
Đã có không ít trường hợp người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu như bị tai nạn cần truyền máu gấp. Người bệnh chỉ có thể nhận máu của một số người có nhóm máu hoà hợp phenotype. Nhưng khi nguồn chế phẩm máu không có sẵn thì không phải cuộc gọi nào từ bệnh viện cũng huy động máu thành công, chỉ cần một cái gật đầu đồng ý và những bước chân kịp thời là sẽ giữ được ai đó ở lại cuộc đời.
Cuộc gọi buổi tối và quãng đường 120 km đi hiến máu bằng xe máy
Đã tham gia hiến máu tình nguyện nhiều lần, bạn Nguyễn Đăng Thanh Long (sinh năm 2000, Hải Phòng) phát hiện ra mình là người có nhóm máu hoà hợp phenotype vào một buổi tối trước Tết Nguyên Đán năm 2021.
“Lúc đó em có cảm giác mình là một người rất quan trọng với những người bệnh có cùng nhóm máu với mình”, Thanh Long chia sẻ cảm nhận khi biết mình là người hiến máu hoà hợp phenotype.
Hồi còn là sinh viên, Long tham gia Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 24/01 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nói về một cuộc vượt đường dài hơn 100 km bằng xe máy để đi hiến máu, chàng thanh niên kể lại: “Thời điểm đó, dịch COVID-19 đang diễn ra căng thẳng. Trước Tết khoảng 10 ngày, khi em đang ở Hải Phòng thì nhận được cuộc gọi từ Viện và cho biết có người bệnh đang rất cần nhóm máu của em. Lúc đó đã khá muộn nên em không thể lên viện được. Em bị say xe, không đi được ô tô vì thế sáng hôm sau em đã quyết định đi xe máy 120 km lên Hà Nội để hiến máu”.
Long đã đi nhanh nhất có thể vì biết có người đang cần mình. Hiến máu xong, cậu vẫn cảm thấy sốt ruột không biết khi nào người bệnh mới được truyền máu. “Sau khi biết máu đã đến được với người bệnh thì lúc đó em mới thực sự an tâm”, Long phào nhẹ nhõm.
Đến năm 22 tuổi, Long đã có 26 lần hiến máu. Tháng 12/2022, Long tham gia Chương trình Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hoà hợp phenotype. (Ảnh: Trần Chiến)
Chiếc thẻ định danh nhóm máu hoà hợp phenotype
Anh Nguyễn Văn Tuấn (Phó Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp – Trường Đại học Thăng Long) đã hiến máu hơn 30 lần. Bình thường anh Tuấn đều chủ động đi hiến máu định kỳ theo đợt do nhà trường hoặc địa phương tổ chức. Cách đây hơn 1 năm, anh Tuấn nhận được cuộc gọi của Viện, có một người bệnh đang cần truyền máu, và máu của anh phù hợp để truyền cho người đó.
“Tôi không kịp suy nghĩ nhiều, chỉ biết là viện đã gọi thì chắc là rất cần. Ngay lúc đấy, tôi sắp xếp công việc mọi thứ để đi hiến máu luôn. Tôi cảm thấy mình cần hiến máu nhiều hơn nữa. Mỗi lần hiến máu xong, tôi thấy vui vì đã đóng góp điều gì đấy dù nhỏ nhưng có ích cho xã hội”.
Anh Tuấn trong lần hiến máu gần nhất tháng 12/2022. Anh cũng được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Các cuộc gọi như vậy hầu như đều mang tính khẩn cấp và chỉ có anh mới giúp được trong trường hợp đó. Kể từ đó trở đi, anh Tuấn thường xuyên hiến máu theo những “cuộc hẹn” bất ngờ.
Khi biết có nhiều anh chị đã hiến máu hơn 130 lần, anh vô cùng cảm phục và mong muốn được cống hiến như vậy.
Anh Nguyễn Văn Tuấn khoe chiếc thẻ nhóm máu hoà hợp phenotype. Ngoài nhóm máu O, trên thẻ còn thể hiện các thông tin định danh kháng thể bất thường để bản thân anh cũng như những y bác sĩ sẽ nhanh chóng nhận diện máu của anh Tuấn phù hợp với bệnh nhân nào (Ảnh: Trần Chiến)
Để giữ an toàn cho những người bệnh mà cơ thể sinh ra nhiều kháng thể bất thường, chỉ có người có nhóm máu hoà hợp phenotype mới có thể hiến tặng.
Do nhiều yếu tố khách quan, có lúc Viện gặp khó khăn trong huy động nguồn người hiến máu phù hợp, nhưng cuối cùng những “người hùng” luôn xuất hiện kịp thời. Nhờ những dòng máu hoà hợp phenotype ấy, nhiều mảnh đời đã được hồi sinh.
Những chiếc thẻ được gửi tặng đến người hiến máu phenotype thường xuyên (Ảnh: Trần Chiến)
Nhóm máu hoà hợp phenotype Theo TS.BS. Hoàng Thị Thanh Nga – Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ngoài hệ nhóm máu ABO và Rh(D) thì còn rất nhiều hệ thống nhóm máu khác mà kháng nguyên của nó có tính sinh miễn dịch cao. Khi cơ thể được truyền máu nhiều thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và có nguy cơ sinh ra kháng thể bất thường. Các kháng thể bất thường này có thể gây ra các tai biến truyền máu và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh. Vì vậy, ngoài hoà hợp hệ nhóm máu ABO và Rh(D) thì người nhận cần được truyền máu hoà hợp các kháng nguyên của hệ nhóm máu khác. Nhiều năm qua, nhờ nguồn kinh phí của một số chương trình/dự án mà Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xây dựng được và tiếp tục mở rộng ngân hàng hiến máu dự bị bằng cách xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh(D) cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên (người hiến máu hoà hợp phenotype). Khi người bệnh cần, nếu lượng dự trữ có thể đáp ứng đủ, Viện sẽ đảm bảo cung cấp kịp thời. Trong trường hợp nguồn chế phẩm máu nhóm hiếm hoặc nhóm hòa hợp phenotype không có sẵn, Viện sẽ liên hệ mời người hiến máu theo danh sách. |
Hải Yến
Bài viết liên quan
Truyền máu hòa hợp phenotype là gì?
09 Tháng Mười Hai, 2022Máu có vai trò quan trọng trong duy trì sự sống. Kể từ khi phát hiện ra các nhóm máu của hệ nhóm máu ABO, sử dụng máu truyền cho…
Được huy động máu cho người bệnh “máu chọn”, nhiều người tình nguyện đến ngay
01 Tháng Ba, 2022Trung bình mỗi tuần Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phải huy động hàng chục đơn vị “máu chọn” – chỉ đơn vị máu của một số người…
4 cán bộ, nhân viên Viện hiến máu hiếm cứu người bệnh
10 Tháng Một, 2020Đầu tháng 11/2019, bà Trần Thị Cạn (72 tuổi, Hà Nội – một bệnh nhân ung thư máu) phải nhập viện gấp trong tình trạng mệt mỏi, thiếu máu nặng.…
Ca sĩ Việt Tú: “Giúp đỡ người khác chính là niềm hạnh phúc trong cuộc sống của tôi”
17 Tháng Mười Hai, 2021Thường tự chủ động sắp xếp lịch đi hiến máu mỗi khi vào các đợt khan hiếm máu, nhưng lần này, ca sĩ Việt Tú lại đi hiến máu vì…