Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Những khoảnh khắc nghẹn lòng ngắm các bệnh nhân tan máu bẩm sinh

Không chỉ thiếu máu, bệnh nhân thalassemia (tan máu bẩm sinh) còn có mũi tẹt, da đen sạm vì thừa sắt. Được trang điểm, chụp ảnh vốn chỉ có trong những giấc mơ của họ.

Chiều 8-5, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày Thalassemia Thế giới: “Thalassemia Beauty Day” với thông điệp “Vẻ đẹp từ trái tim”.

Điểm nhấn chính của chương trình là hoạt động trang điểm, chụp ảnh cho 60 nữ bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh. Căn bệnh này khiến người mắc không chỉ suy giảm sức khỏe, phải truyền máu thường xuyên mà còn khiến cho mũi tẹt, da đen sạm vì thừa sắt.

Tự ti về ngoại hình, việc được trang điểm và mặc những bộ đồ dạ hội lộng lẫy vốn chỉ là mơ ước của phần lớn các bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh.

Chị Lò Thị Diễn (Văn Chấn, Yên Bái) phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh năm 2014 khi đi khám sau nhiều ngày mệt mỏi. Kể từ đó, sức khỏe của chị ngày càng xấu đi và phải phụ thuộc vào việc truyền máu. Việc được trang điểm chuyên nghiệp, mặc váy lộng lẫy, kể từ ngày cưới đến giờ, chị mới có cơ hội thực hiện.

Các thí sinh được trang điểm thật đẹp, được mặc đồ lộng lẫy, lần đầu tiên họ được thử thay đổi diện mạo để trở nên tự tin hơn.

Sau khi trang điểm, các bệnh nhân sẽ được chụp ảnh tại studio dựng ngay bên ngoài hội trường của viện. Sau đó, các bức ảnh sẽ được đăng lên mạng xã hội để bình chọn. 5 thí sinh có số điểm cao nhất sẽ lọt vào phần thi ứng xử.

Chương trình còn có sự tham dự của các bệnh nhân đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Nhiều em bé mang theo cả chai dịch truyền đến cổ vũ.

Tham dự chương trình còn có Thuỷ Tiên, nữ sinh Đại học Ngoại thương đã làm dậy sóng cộng đồng mạng bởi nghị lực phi thường khi mắc bệnh ung thư vú. Tiên từng tự tin để mái đầu trọc vì hóa trị trên sân khấu và giành giải Miss truyền cảm hứng trong cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương 2019.

Các bệnh nhân, cũng là thí sinh tham dự cuộc thi.

Mào Thị Mơ, dân tộc Thái – quê Lai Châu, cho biết đã phát hiện bệnh được 2 năm nay. Hàng tháng, cô công nhân may lại đi từ Nam Định lên Hà Nội truyền máu để duy trì sức khoẻ. Suốt hai năm, Mơ không còn để ý để chuyện trang điểm nữa.

Các bệnh nhân – thí sinh chia sẻ về cuộc đời của mình khi gắn với căn bệnh quái ác này. Mặc dù gặp khó khăn trăm bề, họ vẫn vươn lên với nghị lực mạnh mẽ.

Bệnh nhân Phạm Thị Thoan đã giành giải Hoa khôi Tan máu bẩm sinh sau khi có câu trả lời thể hiện thái độ sống tích cực trong thời gian mắc bệnh.

Theo Báo Pháp luật Xã hội

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan