Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Những người mang dòng máu quý như vàng ở Việt Nam

Thuộc 0,1% dân số Việt Nam, những thành viên của CLB Nhóm máu hiếm đang cứu nhiều sinh mạng mỗi ngày.

Thành lập năm 2007, câu lạc bộ Người có nhóm máu hiếm các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc) đã trải qua 13 năm kết nối với nhiều câu chuyện cảm động.

Cứu người bất kể giới tính, ngày đêm

Hồi tưởng về cơ duyên với CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc, Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng nhóm O Rh(D) âm, chia sẻ: “Tôi biết tới CLB lần đầu tiên trong dịp hiến máu tình nguyện toàn trường thời sinh viên. Tôi khá bất ngờ khi được thông báo mình có nhóm máu hiếm ở Việt Nam”.

Hiện, Việt Nam chỉ có dưới 0,1% dân số sở hữu nhóm máu O Rh(D) âm. Theo quy ước của Hội truyền máu quốc tế, tỷ lệ như vậy được xem là nhóm máu hiếm.

Hạnh góp mặt vào CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc từ năm 2010 sau khi đồng ý lời đề nghị tham gia và sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện. Cô tốt nghiệp đại học và hiện là bác sĩ khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc).

Nguyễn Thị Hạnh là một trong những thành viên tiêu biểu của CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc. Ảnh: NVCC.

Với thân hình nhỏ nhắn, Hạnh đã hiến máu 19 lần trong 10 năm gắn bó với CLB Nhóm máu hiếm, qua đó gián tiếp cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch.

Thời điểm mới tham gia, Hạnh là sinh viên, không chủ động phương tiện và đã gặp nhiều khó khăn khi di chuyển mỗi lần hiến máu. Trưởng nhóm O Rh(D) âm lúc này là Đỗ Thùy Dung, người đã trực tiếp giúp đỡ Hạnh nhiều.

Hạnh kể: “Một lần, chị Dung nhận tin từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội) về trường hợp cần máu khẩn cấp. Chị nhanh chóng thu xếp công việc, chạy xe máy đến Hà Đông đón tôi và quay trở lại viện (cách khoảng 10 km) hiến máu”.

Dù là sinh viên gương mẫu, Hạnh từng phải “phá luật” để cứu người. “Đang trong lớp, tôi được bệnh viện gọi và báo về một bệnh nhân cần gấp nhóm máu O Rh(D) âm. Không kịp suy nghĩ, tôi đã ‘cúp tiết’ và nhanh chóng bắt xe bus tới hiến máu rồi quay về trường”, Hạnh chia sẻ.

Hiến máu được coi là hoạt động nhân đạo bởi trong nhiều trường hợp, thành viên trong CLB phải có mặt bất cứ lúc nào do tính khẩn cấp.

“Khoảng 2h, tôi nhận được cuộc điện thoại từ gia đình sản phụ sinh con lần thứ hai. Bệnh nhân có dấu hiệu của chứng nhau tiền đạo trung tâm. Sau khi phẫu thuật lấy thai ra và xử lý nhau tiền đạo, chị bị mất máu nhiều và cần truyền bổ sung một lượng lớn”, Hạnh kể.

Nhanh chóng, Hạnh phải liên hệ với 2 thành viên khác, di chuyển tới Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) và hy vọng có thể kịp cứu sản phụ. Một trong 3 thành viên cách đó không xa nên tới viện khá nhanh. Trong khi đó, Hạnh cùng người em khóa dưới phải bắt taxi tới bệnh viện với khoảng cách 13 km.

“Cả 2 là phụ nữ, ra đường giữa đêm khuya nên thành thực, chúng tôi cũng khá lo lắng”, Hạnh chia sẻ.

Các thành viên nữ trong CLB đã phải mạnh mẽ hơn, bất chấp thời gian, khoảng cách để thực hiện trọng trách của mình. Ảnh: Việt Hùng.

Khi 3 thành viên đến, sản phụ đang được phẫu thuật, 3 người phải ngồi chờ để cập nhật tình hình. May mắn, sau 30 phút, bác sĩ phụ trách thông báo bệnh nhân đã ổn định. Các nhân viên y tế cố gắng để bệnh nhân tự tái tạo máu và không cần truyền trực tiếp.

Bản thân từng được cứu, Hạnh coi CLB Nhóm máu hiếm là gia đình thứ 2. Người có nhóm máu hiếm phải gặp nhiều nguy cơ khi bệnh viện thường không đủ lượng máu để cung cấp. Hạnh là minh chứng của điều này khi không may gặp tai nạn giao thông trong quá khứ.

Thời điểm đó, Hạnh bị tổn thương gan nghiêm trọng sau tai nạn. Khi tới Bệnh viện 354 (Hà Nội), Hạnh còn tỉnh táo và liên hệ được với ban chủ nhiệm CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc. Một thành viên tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã nhanh chóng vận chuyển đơn vị máu O Rh(D) âm duy nhất trong kho tới nơi Hạnh điều trị. 3 thành viên khác chủ động tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hiến máu trước khi thăm cô.

“Mọi người trong CLB như anh chị em trong nhà vậy. Có những người ở rất xa, không gặp nhau cả năm nhưng vẫn nói chuyện thân thiết. Khi có chuyện xảy ra, ai cũng sẵn sàng”, cô nói.

Việc phải nhanh chóng sắp xếp thời gian để hiến máu cứu người đã không còn xa lạ với các thành viên trong CLB. Ảnh: Việt Hùng

Hiện, Hạnh công tác tại Phúc Yên, xa nội thành Hà Nội hơn. Tuy nhiên, những tình huống khẩn cấp không thay đổi. Một số ngày nhận được “cuộc gọi đặc biệt”, Hạnh tan làm sớm, chỉ ghé qua nhà chốc lát và lái xe máy thẳng tới bệnh viện hiến máu. Trưởng nhóm O Rh(D) âm về đến nhà khi trời đã tối.

Chọn một kỷ niệm đặc biệt và tự hào nhất, Hạnh nhắc về lần hỗ trợ bệnh nhân người nước ngoài phải ghép gan tại Bệnh viện Vinmec (Hà Nội). Toàn đội đã lấy được 16 đơn vị máu toàn phần và 8 đơn vị tiểu cầu, qua đó giúp ca phẫu thuật thành công.

Hạnh chia sẻ: “Chúng tôi phải huy động thành viên gần như toàn bộ khu vực miền Bắc để đảm bảo lượng máu cần thiết. Những người ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Nguyên đã cùng nhau tới Hà Nội hiến máu. Thời tiết hôm đó mưa to. Một thành viên ở Bắc Ninh đã đi xe máy xuống để hiến tiểu cầu. Tuy nhiên, do thành phần máu không đủ điều kiện, anh phải quay về”.

Bản thân Hạnh từng có 3 lần bị các bác sĩ “đuổi về” với lý do liên quan kinh nguyệt, thức đêm hay ăn uống không điều độ khiến lượng hồng cầu trong máu không đủ.

“Cảm giác lúc đó hụt hẫng lắm, bản thân cũng buồn vì không thể giúp được ai đó”, Hạnh nói.

“Mình làm việc tốt nên không thấy phiền”

Trần Sách Minh, Trưởng nhóm B Rh(D) âm, là thành viên hoạt động tích cực của CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc. Minh phát hiện mình có nhóm máu hiếm sau khi hiến máu tình nguyện năm nhất đại học. Năm 2013, Minh gia nhập CLB Máu hiếm miền Bắc sau lần hiến thứ 3.

Minh sinh năm 1994, tốt nghiệp Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Hà Nội) và trở thành kỹ sư xây dựng. Tương tự Hạnh, Minh có không ít lần “bỏ việc” để hiến máu trong tình huống khẩn cấp.

Minh kể: “Với tính chất công việc, thời gian không gò bó nên nhiều lần, tôi xin nghỉ luôn nửa ngày để tới bệnh viện hiến máu. Do bệnh viện cần tiểu cầu, thời gian hiến sẽ lâu hơn”.

Sau thời gian gắn bó với công trường, Minh bén duyên với nghiệp kinh doanh bất động sản. Bất chấp thực tế bận rộn và áp lực hơn, vai trò của Minh trong CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc tiếp tục lớn dần. Minh trở thành trưởng nhóm B Rh(D) âm năm 2019.

Đến nay, Minh đã có 12 lần hiến máu trong 7 năm gắn bó cùng CLB. Anh chia sẻ: “Lần đáng nhớ nhất là cuối năm 2019, một vụ tai nạn lớn ở Quảng Ninh khiến nhiều người bị thương nghiêm trọng, bệnh viện không đủ máu để cung cấp. Trong số này có người nước ngoài mang nhóm máu hiếm ở Việt Nam. Bởi vậy, tôi gặp nhiều khó khăn khi liên hệ với nhiều người cùng lúc”.

May mắn, nhóm thành viên ở Quảng Ninh đã gác lại công việc, cùng bắt chuyến xe lên Hà Nội, hiến máu và cứu các nạn nhân. “Những tình cảm và tấm lòng của anh, chị lúc đó khiến tôi vô cùng quý trọng”, Minh chia sẻ.

Minh khiêm tốn thừa nhận vai trò của mình là cầu nối giữa bệnh viện, người nhà bệnh nhân với các thành viên trong CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc. Khi được bệnh viện gọi, Minh phải tìm và liên hệ với thành viên phù hợp, qua đó hỗ trợ bệnh nhân trong thời gian sớm nhất.

“Mình làm việc tốt mà, chẳng bao giờ thấy phiền hà. Tôi cùng mọi người trong CLB đều rất thoải mái, nhất là khi nghĩ giọt máu của mình có thể cứu lấy tính mạng của ai đó”, Minh nói.

Theo Zing News

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan