Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Nỗ lực vì sức khỏe dòng máu Việt

Trong suốt 35 năm hình thành và phát triển, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, sánh ngang tầm khu vực và quốc tế.

Nỗ lực Vì sức khỏe dòng máu Việt

Viện Huyết học – Truyền máu TW luôn nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, vì sức khỏe của người bệnh, của “dòng máu Việt”.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Viện đã kiên trì, bền bỉ trong nhiều năm qua trên chặng đường tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, tuyên truyền phòng chống bệnh máu, góp phần để dòng máu chảy trong trái tim người Việt luôn tràn đầy sức sống, có thể sẵn sàng hiến máu và luôn có nguồn máu an toàn phục vụ công tác điều trị.

Những thành tựu đã đạt được

Trong lĩnh vực Huyết học lâm sàng – Cận lâm sàng: Viện Huyết học – Truyền máu TW đã chủ động cập nhật, ứng dụng các kỹ thuật, tiến bộ của y học thế giới nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị các bệnh máu và cơ quan tạo máu. Đặc biệt, Viện đã trở thành một trong những trung tâm ghép tế bào gốc hiệu quả, chất lượng trên cả nước, tính đến 6/2019 đã thực hiện được 364 ca ghép tế bào gốc.

Năm 2014, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thành lập Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng và là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng vào đầu năm 2015, mở ra hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu mà không có người hiến tế bào gốc phù hợp được thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài.

Hiện nay tại ngân hàng đang lưu trữ gần 4.000 mẫu trong đó đã có 28 mẫu đã được dùng để ghép cho người bệnh.

Viện Huyết học – Truyền máu TW đã tổ chức thành công việc quản lý, chẩn đoán và điều trị các nhóm bệnh máu di truyền, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đặc biệt, đối với bệnh Thalassemia là bệnh máu di truyền – bẩm sinh phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam với khoảng 12 triệu người Việt mang gen bệnh, Viện đã thành lập và tổ chức hoạt động có hiệu quả Trung tâm Thalassemia. Trung tâm hiện nay đang quản lý và điều trị gần 3.000 người bệnh đến từ hơn 20 tỉnh thành khu vực phía Bắc.

Viện đã triển khai được các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu, hiện đại và đồng bộ, đặc biệt là xét nghiệm phát hiện các đột biến gen gây ra bệnh Thalassemia, thực hiện hiệu quả nhiều phương pháp chẩn đoán trước sinh hiện đại như: Chẩn đoán trước sinh thai nhi, chẩn đoán trước chuyển phôi, giúp nhiều cặp vợ chồng cùng mang gen Thalassemia sinh ra những em bé không mắc bệnh. Các cán bộ, y bác sĩ của Viện đã đi tới nhiều vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc để thực hiện đề tài “Khảo sát đặc điểm dịch tễ bệnh Thalassemia”, bước đầu vẽ nên bức tranh tổng thể về đặc điểm mang gen Thalassemia của các dân tộc, các vùng miền trên cả nước, đồng thời tuyên truyền sâu rộng về bệnh Thalassemia; Từ đó đề xuất chiến lược phòng chống căn bệnh, hướng tới mục tiêu đẩy lùi căn bệnh Thalassemia trên toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Về lĩnh vực Truyền máu: Viện đã khởi xướng và tổ chức thành công nhiều sự kiện hiến máu lớn, hiệu quả, mang tính nhân văn nhằm góp phần giải quyết cơ bản tình trạng thiếu máu phục vụ công tác điều trị.

Đặc biệt, để khắc phục tình trạng thiếu máu trầm trọng vào dịp Tết âm lịch, Viện đã tổ chức thành công 12 kỳ “Lễ hội Xuân hồng” từ năm 2008 – 2019; Đồng thời, Viện đã phối hợp tổ chức chương trình “Hành trình Đỏ” – chương trình vận động hiến máu có quy mô lớn nhất cả nước bắt đầu từ năm 2013 nhằm đẩy lùi tình trạng thiếu máu trong dịp hè.

Năm 2018, Viện đã tiếp nhận trên 320.000 đơn vị máu, điều chế trên 0,5 triệu đơn vị chế phẩm máu, trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện là trên 98%. Máu do viện tiếp nhận được sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường truyền máu bằng nhiều phương pháp, trong đó có xét nghiệm sinh học phân tử NAT – là phương pháp sàng lọc hiện đại nhất trên thế giới, nhằm đảm bảo nguồn máu an toàn cho điều trị. Viện đã và đang cung cấp máu cho trên 150 bệnh viện phục vụ nhu cầu cấp cứu, điều trị của 26 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Về hợp tác quốc tế: Viện đã thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác quốc tế phong phú và hiệu quả với nhiều nước có nền y học tiên tiến như: Mỹ, Nhật, Úc, Ireland, Singapore, Thái Lan…, với nhiều tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội Truyền máu quốc tế (ISBT), Hội Huyết học quốc tế (ISH), Liên đoàn Hemophilia thế giới (WHF), Liên đoàn Thalassemia quốc tế (TIF), Hội Đông máu – Tắc mạch Châu Á – Thái Bình Dương (APSTH). Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Viện không chỉ thường xuyên trao đổi, tiếp cận với những tiến bộ của y học thế giới mà còn nhận được sự hỗ trợ cả về chuyên môn cũng như nhiều nguồn lực khác của bạn bè quốc tế, đem lại lợi ích to lớn cho người bệnh.

Bên cạnh đó, Viện cũng thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của chuyên khoa Huyết học – Truyền máu trên toàn quốc.

Những nỗ lực không ngừng

Với phương châm phấn đấu “giỏi về chuyên môn, tốt về y đức”, một mặt, Viện không ngừng đào tạo, đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ; mặt khác, thường xuyên quán triệt và phổ biến đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong viện về tác phong, thái độ phục vụ người bệnh. Viện đã triển khai nhiều phong trào độc đáo, riêng có như “Mỗi người làm một việc tốt vì người bệnh”, “Nói lời cảm ơn thân thiện với người bệnh, người hiến máu”… nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh, người hiến máu.

Bên cạnh đó, Viện không ngừng cải tiến quy trình khám chữa bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tổ chức khám bệnh sớm từ 6h30, cải tạo, bổ sung thêm 2 phòng khám (Nhi, Thalassemia), công khai giá dịch vụ y tế, quy trình khám bệnh, đối tượng ưu tiên, sơ đồ khoa, phòng, hòm thư góp ý, đường dây nóng… và còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực khác hướng về người bệnh.

Trong thời gian tới, Viện Huyết học – Truyền máu TW tiếp tục hướng tới mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm”, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, phát triển các kỹ thuật cao, mũi nhọn; đẩy mạnh công tác phòng bệnh máu di truyền (nhóm bệnh Thalassemia và Hemophilia) trên toàn quốc; phát triển hoạt động hiến máu tình nguyện theo hướng bền vững, cải tiến dịch vụ truyền máu ngang tầm các nước trong trong khu vực và quốc tế.

Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW nhấn mạnh: “Tập thể gần 1.000 cán bộ, nhân viên của Viện luôn nỗ lực hết mình vì cuộc sống người bệnh và có nguồn máu an toàn vì sức khỏe dòng máu Việt”.

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan