Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Nổi hạch có đáng lo ngại? Những tiến bộ trong điều trị bệnh ung thư hạch

Bệnh U lympho ác tính hay còn gọi là bệnh ung thư hạch là một trong những bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Hiện nay, việc chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư hạch ở Việt Nam đã có những bước tiến dài và có thể nói là ngang tầm với nhiều nước có nền y học tiên tiến. Đây là một bệnh máu ác tính có khả năng điều trị hiệu quả, tỷ lệ lui bệnh và kéo dài thời gian sống cao nếu người bệnh tuân thủ điều trị.

Nhằm giúp người bệnh có thêm hiểu biết về bệnh cũng như làm thế nào để sống chung với bệnh ung thư hạch, xin trân trọng kính mời quý vị khán giả theo dõi chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Nổi hạch có đáng lo ngại?” “Những tiến bộ trong điều trị ung thư hạch” với sự tham gia của TS.BS. Vũ Đức Bình, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

ung thư hạch

MC: Thưa bác sĩ, nổi hạch là một hiện tượng thường xảy ra và gây lo lắng cho nhiều người. Vậy xin bác sĩ chia sẻ nguyên nhân của hiện tượng này là gì?

TS. Vũ Đức Bình: Nổi hạch có thể là những hạch phản ứng thông thường của cơ thể, ví dụ như khi bị viêm vùng mũi họng thì có thể xuất hiện hạch ở góc hàm hay dưới mang tai. Ngoài ra, nổi hạch có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh như bệnh lao gây nên hạch to hoặc cũng có thể là nguyên nhân từ bệnh lý ung thư của các tổ chức, cơ quan trong cơ thể di căn vào hạch.

Tuy nhiên, có một bệnh lý phổ biến hiện nay, đó là ung thư hạch hay còn gọi là U lympho. U lympho là một bệnh lý do tổn thương các tế bào lympho, đó là các tế bào máu trong cơ thể, không phải là các tổ chức, cơ quan tảng đặc khác. Chính vì thế, đây là một bệnh lý về máu và ác tính.

MC: Thưa bác sĩ, như vậy không phải là cứ có hạch là chúng ta nghĩ đến bệnh lý ác tính đúng không ạ?

TS. Vũ Đức Bình: Có nhiều trường hợp nổi hạch không phải là một bệnh lý ác tính, nó có thể là hạch viêm, hạch phản ứng của cơ thể đi liền với các bệnh lý như viêm họng tái phát nhiều lần hoặc là do bị nhiễm virus gây nên. Thông thường, hạch sẽ mất đi khi bệnh chính điều trị khỏi và ổn định.

MC: Bác sĩ đã nhắc đến bệnh ung thư hạch hay còn gọi là U lympho ác tính. Xin bác sĩ cho biết xu hướng mắc bệnh này trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay ra sao?

TS. Vũ Đức Bình: Hiện nay, nói chung, bệnh ung thư hạch hay còn gọi là U lympho trên thế giới càng ngày càng gia tăng. Đây là một trong những bệnh đứng top đầu ở ung thư nói chung. Và tại Việt Nam, con số bệnh nhân mới mắc ung thư hạch cũng tăng lên rõ rệt. Trước đây, 1 năm chúng tôi chỉ tiếp nhận từ 10 đến 20 bệnh nhân mới bị ung thư hạch nhưng đến nay thì 1 năm chúng tôi tiếp nhận từ 150 đến 200 bệnh nhân ung thư hạch.

Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, số lượng bệnh nhân mới và cũ tính cho đến nay là từ 700 đến 800 bệnh nhân thường xuyên được theo dõi và điều trị.

MC: Bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn đến bệnh ung thư hạch và bệnh có phòng ngừa được không?

TS. Vũ Đức Bình: Cho đến nay, bệnh ung thư hạch hay một số các ung thư khác về cơ bản là không tìm được ra nguyên nhân. Những nguyên nhân người ta đưa ra có thể là do tổn thương đột biến di truyền ở trên người bệnh hoặc cũng có thể do người bệnh tiếp xúc với những môi trường độc hại do hoá chất và đặc biệt với tình trạng có thể gọi là thức ăn bị nhiễm độc, nguyên nhân dẫn đến ung thư hạch cũng sẽ tăng lên.

Ngoài ra trong vấn đề phòng bệnh thì vệ sinh, ăn uống cũng đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì thế, điều có thể dự phòng là hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bằng cách giữ vệ sinh trong ăn uống và môi trường.

MC: Thưa TS.BS. Vũ Đức Bình, tại Việt Nam có những phương pháp nào để điều trị căn bệnh này?

TS. Vũ Đức Bình: Điều trị ung thư hạch về cơ bản có các phương pháp điều trị như sau: xạ trị, phẫu thuật lấy bỏ tổ chức ung thư để chẩn đoán và giải phóng chèn ép và hoá trị liệu. Hóa trị liệu là phương pháp hiện nay được sử dụng nhiều nhất và cũng gây cho bệnh nhân nhiều khó khăn, có nhiều câu hỏi xung quanh phương pháp điều trị này.

Tuỳ từng loại ung thư hạch khác nhau mà người bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị cho phù hợp. Cũng có thể cùng trên một người bệnh chúng tôi có thể lựa chọn cả 3 phương pháp phối hợp điều trị với nhau.

MC: Như vậy, bên cạnh các phác đồ điều trị hóa chất, xạ trị, bệnh ung thư hạch còn có nhiều phương pháp điều trị hiện đại như sử dụng liệu pháp sinh học, liệu pháp miễn dịch hay ghép tế bào gốc. Xin bác sĩ chia sẻ kỹ hơn về các phương pháp điều trị này?

TS. Vũ Đức Bình: Trong những năm gần đây, liệu pháp sinh học rất được quan tâm. Với liệu pháp sinh học, người bệnh không cần phải chịu những liều hoá trị liều cao, tác động đến cả những tế bào lành tính. Các liệu pháp sinh học giúp cho việc điều trị nhắm tới tế bào bị ung thư và giảm thiểu những tác động đến các tế bào lành tính trên cơ thể. Chính vì thế sẽ giảm đi các biến chứng và tác dụng phụ hơn khi điều trị phương pháp hóa trị.

Ghép tế bào gốc cũng là một phương pháp đem lại hiệu quả cho một số thể bệnh của ung thư hạch. Tuy nhiên, phương pháp ghép tế bào gốc cho người bệnh ung thư hạch thường sử dụng ít hơn so với các liệu pháp khác và so với các nhóm bệnh lý ung thư máu khác.

MC: Xin bác sĩ cho biết khi nào người bệnh ung thư hạch nên ghép tế bào gốc và chi phí của phương pháp điều trị này như thế nào?

TS. Vũ Đức Bình: Chi phí khi điều trị bằng liệu pháp sinh học và ghép tế bào gốc thông thường đều cao hơn điều trị bằng hoá trị thông thường. Điều này cũng đúng vì để có thuốc điều trị theo liệu pháp sinh học thì đã trải qua các quy trình, các nghiên cứu, ứng dụng rất tốn kém.

Ghép tế bào gốc cũng là một phương pháp điều trị đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ lưỡng ở trên các bệnh nhân ghép tế bào gốc. Thông thường, liệu pháp ghép tế bào gốc không được sử dụng trên người bệnh U lympho ở ngay những giai đoạn đầu tiên mà mà thường được thực hiện khi người bệnh bị tái phát hoặc kháng trị.

MC: Bác sĩ có lời khuyên như thế nào đối với người bệnh về chế độ ăn uống, tập luyện để đảm bảo sức khỏe?

TS. Vũ Đức Bình: Chăm sóc người bệnh trong điều trị ung thư hạch về cơ bản cũng giống như chăm sóc người bệnh khác. Tuy nhiên, ở những giai đoạn mà người bệnh cần chuẩn bị cho một đợt xạ trị, hoá trị hay trong quá trình bệnh nhân điều trị cũng có những tác dụng phụ.

Nhưng về cơ bản việc chăm sóc đó không cần những phương pháp đặc biệt mà chủ yếu dựa trên việc chăm sóc các biến chứng xảy ra trong quá trình điều trị, đó là những chăm sóc chuyên đề về y tế do các nhân viên y tế đảm nhiệm. Về sinh hoạt, trong giai đoạn bị bệnh cần phải hạn chế vận động nặng, lưu ý cho người bệnh ăn uống đủ chất và đảm bảo vệ sinh, đó là những yếu tố đặc biệt quan trọng trong vấn đề chăm sóc cho bệnh nhân điều trị ung thư hạch.

Có một lưu ý mà mọi người hay hỏi là việc sử dụng thêm thực phẩm bổ dưỡng có cần thiết hay không. Đã có nhiều tranh luận về vấn đề này, tuy nhiên theo lời khuyên chúng tôi, các thực phẩm bổ dưỡng trong thời điểm điều trị hoá trị cũng như trong chăm sóc sức khoẻ không có giá trị nhiều trong việc góp phần điều trị bệnh.

Đặc biệt, nếu như không kiểm soát được nguồn của các thực phẩm thì đôi khi rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Ví dụ, có trường hợp bệnh nhân bị ung thư hạch khi ra viện, tự ý đi cắt thuốc nam để uống, sau đó, bệnh nhân bị suy thận, suy gan rất nặng và khi quay lại bệnh viện chúng tôi không thể điều trị cho người bệnh nữa vì khi các chức năng phủ tạng bị tổn thương sẽ không có cơ hội để sử dụng các hoá chất điều trị tích cực nữa. Đó là điều rất tiếc trong quá trình điều trị cho người bệnh nên mọi người cần lưu ý vấn đề này; không có thực phẩm nào có thể giúp tăng sức đề kháng triệt để cho người bệnh để giúp bệnh nhân chữa bệnh, chống lại bệnh tật.

Trong quá trình điều trị bệnh, người bệnh không cần kiêng thực phẩm nào, trừ các thực phẩm mà người bệnh ăn vào bị dị ứng; các thực phẩm cho bệnh nhân nên đảm bảo đủ và không dư thừa. Ví dụ, người bị ung thư vẫn có thể ăn thịt bò nhưng nên ăn vừa đủ để đảm bảo đủ năng lượng và không gây ra các phản ứng trái chiều khi điều trị. Lời khuyên quan trọng nhất là bệnh nhân phải tuân thủ điều trị, có chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tập luyện vừa sức, phù hợp với sức khoẻ.

MC: Trong suốt quá trình gắn bó, điều trị nhóm bệnh ung thư hạch, có trường hợp nào mà bác sĩ cảm thấy đáng tiếc khi người bệnh lựa chọn sai hướng điều trị hoặc bác sĩ có những kỷ niệm nào đáng nhớ không ạ?

TS. Vũ Đức Bình: Trong 10 năm chúng tôi đã điều trị hơn 10.000 lượt người bệnh nên có rất nhiều kỉ niệm. Tôi có ấn tượng sâu sắc về những ca bệnh đặc biệt, khó chẩn đoán. Có những trường hợp bệnh nhân bị Amidan, phải sinh thiết đến lần thứ 4 mới đủ bằng chứng để khẳng định người bệnh bị ung thư hạch.

Chúng tôi nhận thấy diễn biến của bệnh nhân xấu, có những biểu hiện trạng thái toàn thân rất phù hợp với một bệnh ung thư. Tuy nhiên, do chưa đủ bằng chứng để chẩn đoán, chúng tôi phải làm sinh thiết nhiều lần và sau đó người bệnh rất tin tưởng chúng tôi, hợp tác để điều trị. Hiện tại, bệnh nhân đã khá ổn định.

Có trường hợp bệnh nhân tôi ấn tượng nhất là TS. Vũ Dương Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Thầy cũng bị ung thư hạch và thầy đã vừa điều trị ung thư, thậm chí tái phát, cũng vừa bảo vệ luận án Tiến sĩ trong thời gian điều trị. Thầy Dũng chia sẻ: “Trong hội đồng bảo vệ luận án, mọi người thường sợ nhất là các thầy trong hội đồng vắng, còn hội đồng này lại sợ nhất học viên bảo vệ vắng bởi vì học viên đang là bệnh nhân”. Nhưng cuối cùng TS. Vũ Dương Dũng đã được nhận thành quả xứng đáng với nỗ lực của mình và hiện nay thầy rất khoẻ, vẫn thường xuyên đến Viện chúng tôi để điều trị.

Phòng Truyền thông – GDSK

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan