Nỗi lo thiếu máu trong vụ dịch đầu năm 2020
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và sự ổn định của toàn xã hội. Nhưng có một nguy cơ khác, là một trong những hệ lụy của dịch, sẽ đến còn nhanh hơn ảnh hưởng thực sự của dịch nCoV và mang nguy cơ đến cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc – đó là “dịch thiếu máu cho người bệnh”.
Virus nCoV – Cập nhật mới nhất, liên tục
Hiến tiểu cầu và những điều có thể bạn chưa biết?
Cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, tình trạng khan hiếm máu lại xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Nguyên nhân bởi kỳ nghỉ kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, máu là chế phẩm sinh học tuy được dự trữ nhưng có hạn sử dụng rất ngắn, trong khi người bệnh vẫn cần truyền máu trong cả Tết.
Năm nay có thêm một nguyên nhân nữa và cũng là mối lo mới – dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đang diễn biến hết sức phức tạp; kéo theo hệ lụy là tình trạng thiếu máu cho điều trị càng trầm trọng hơn.
BSCKII. Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết: “Đến ngày 1/2, lượng máu dự trữ của Viện chỉ còn 6.700 đơn vị máu. Dự trù máu từ các bệnh viện mỗi ngày lên tới 1.500 đơn vị; trong khi Viện chỉ tiếp nhận được 226 đơn vị máu trong 10 ngày (từ 29 Tết đến mùng 8 Tết). Khối hồng cầu, khối tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất hiện nay và dự báo tình trạng có thể kéo dài nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố – khu vực Viện đảm nhiệm cung cấp máu”.
Nhiều người đến hiến máu, hiến tiểu cầu trước và trong Tết nhưng vẫn quá ít so với nhu cầu (ảnh: Công Thắng)
Số lượng người bệnh nhập viện điều trị sau Tết ngày càng tăng, các chế phẩm máu như khối hồng cầu, khối tiểu cầu chính là nguồn sống của họ (ảnh: Vũ Quang Hưng)
Tình trạng khan hiếm máu cho điều trị cũng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… Theo lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh (đơn vị đảm bảo cung cấp máu cho hầu hết các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh), lượng máu dự trữ của Bệnh viện vào sáng 1/2 chỉ còn khoảng 4.000 đơn vị, trong khi nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện toàn thành phố sau kỳ nghỉ Tết tăng đột biến so với các năm trước, mỗi ngày cần 800 – 1.000 đơn vị máu.
Những đơn vị khối tiểu cầu thế này rất cần cho người bệnh, chỉ có thời hạn lưu trữ từ 3 – 5 ngày.
Trước Tết, lượng máu do các Trung tâm Máu trên toàn quốc thu nhận được khá cao nhờ sự hỗ trợ tối đa của Chương trình Chủ Nhật đỏ do Báo Tiền Phong, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia phối hợp tổ chức cùng sự tham gia nhiệt tình của nhiều đơn vị, tổ chức, trường học và người dân.
Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, lượng máu dự trữ hiện đã cạn kiệt và những đơn vị máu còn lại cũng đã cận hạn sử dụng, không thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị.
Nhiều lịch hiến máu đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng đã bị các đơn vị từ chối, trì hoãn trước nỗi lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh; dẫn đến lượng máu dự kiến tiếp nhận trong những ngày tới cũng chỉ vài chục đến vài trăm đơn vị mỗi ngày. Con số này quá ít so với nhu cầu 2.500 – 3.000 đơn vị máu cần cung cấp cho các bệnh viện mỗi ngày ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chỉ Minh, chưa kể các địa phương khác trong cả nước.
Tình hình thời tiết giá rét, tâm lý e dè hiến máu đầu năm và đặc biệt là tình hình bùng phát dịch viêm đường hô hấp do nCoV đã làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu nguồn cung cấp máu cho người bệnh ở tất cả các bệnh viện do thiếu người hiến máu.
Lý giải rõ hơn về tình hình thiếu máu năm nay, BSCKII. Phạm Tuấn Dương cho biết thêm: “Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã thực sự ảnh hưởng đến việc tổ chức hiến máu của nhiều cơ quan, đơn vị. Nếu không có thêm lịch hiến máu, với số lượng bệnh nhân nhập viện để khám chữa bệnh lại đang tăng lên từng ngày sau kỳ nghỉ Tết, thì nguồn dự trữ máu ở tất cả các cơ sở y tế đều ở mức đe dọa, không còn đảm bảo khả năng cấp cứu, điều trị”.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã có công văn báo cáo Bộ Y tế để được phép huy động vận động nhiều người hiến máu song song với tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Viện cũng kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia HIẾN MÁU (đặc biệt là NHÓM O, NHÓM A) và HIẾN TIỂU CẦU; đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu.
Tại các điểm hiến máu – nơi diễn ra hoạt động chuyên môn tiếp nhận máu, các biện pháp phòng dịch sẽ được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và các đơn vị chuyên môn tiếp nhận hiến máu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: tuyên truyền cho người hiến máu về các biện pháp phòng bệnh, cung cấp dung dịch sát khuẩn nhanh và khẩu trang y tế cho người hiến máu…
Khuyến cáo phòng chống dịch do virus nCoV
Người dân có thể mang theo giấy tờ tùy thân đến các địa điểm sau để tham gia hiến máu:
|
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đón tiếp người hiến máu vào tất cả các ngày, từ 8h đến 20h (ảnh: Công Thắng)
Vì vậy, song song với việc chia sẻ thông tin để người dân hiểu và tuân thủ các yêu cầu chống dịch do virus nCoV thì rất cần sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc kêu gọi và cùng tham gia hiến máu để dịch bệnh được khống chế và giảm bớt nguy cơ đe dọa tính mạng của người bệnh cần truyền máu.
Thảo Nguyên