Phiên toàn thể Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc 2024
Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 28 – 29/11/2024. Hội nghị do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam, các Trung tâm Huyết học – Truyền máu trong cả nước tổ chức định kỳ 2 năm một lần.
Lễ khai mạc Hội nghị diễn ra sáng nay 28/11/2024 và ngay sau đó là các phiên toàn thể diễn ra trong cả ngày với 6 báo cáo của chuyên gia quốc tế và 6 báo cáo của các nhà khoa học trong nước.
Tường thuật trực tiếp LỄ KHAI MẠC VÀ 2 PHIÊN TOÀN THỂ sẽ được thực hiện đồng thời trên kênh Youtube và Fanpage của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tại địa chỉ dưới đây: |
LỄ KHAI MẠC VÀ PHIÊN TOÀN THỂ: 08H00 – 10H15
CÁC BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ CỦA CHUYÊN GIA QUỐC TẾ
Chủ trì:
PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, TS.BSCKII. Phù Chí Dũng, TS. Richard Childs,
GS.TS. Jecko Thachil, GS.TS. Mark J. Levi
Các nhà khoa học chủ trì phiên đầu tiên được nhận giấy chứng nhận của Ban tổ chức.
1. Ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn tăng sinh ngoài cơ thể, một cách tiếp cận về ghép mới cho nhóm suy tủy xương
(Ex-vivo expanded umbilical cord blood transplantation as a novel transplant approach for aplastic anemiac)
Người báo cáo: TS. Richard Childs – Viện Tim, Phổi, Máu, Viện Sức khỏe Hoa Kỳ
Ghép tế bào gốc (TBG) là phương pháp điều trị chính của suy tủy xương. Tác giả đưa ra các lựa chọn trong ghép TBG cho nhóm bệnh nhân này, đặc biệt là phát triển một phương pháp ghép tế bào gốc từ máu dây rốn tối ưu hóa được kết quả ghép cho nhóm suy tủy xương kháng trị bằng cách sử dụng đơn vị máu dây rốn tăng sinh ngoài cơ thể (Omidubicel Gamida Cell). Ghép TBG từ máu dây rốn tăng sinh cho nhóm SAA kháng trị cho thấy khả năng mọc ghép rất nhanh và bền vững, tỷ lệ bệnh ghép chống chủ cấp và mạn đều thấp và tỷ lệ sống rất tốt. Dựa trên những dữ liệu này, NHLBI và Gamida đang đề nghị FDA chấp thuận cho các chỉ định của Omidubicel để sử dụng trên bệnh nhân suy tủy xương mức độ nặng người lớn và trẻ em có kế hoạch ghép từ máu dây rốn bằng phác đồ điều kiện hóa giảm liều.
2. Quản lý bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML) đột biến gen FLT3 trong năm 2024
(Management of FLT3-mutated AML in 2024)
Người báo cáo: GS.TS. Mark J. Levis, Đại học Johns Hopkins
Bạch cầu cấp dòng tủy có thể liên quan đến một hoặc nhiều loại đột biến, trong đó đột biến FLT3 là đột biến tiên lượng xấu. Trong bài báo cáo, tác giả đưa ra những công cụ hiện có và cập nhật các kết quả nghiên cứu của các thử nghiệm lâm sàng gần đây ở nhóm bệnh nhân bạch cầu cấp dòng tủy có đột biến gen FLT3. Các phương pháp điều trị hiện nay như điều trị thuốc kháng FLT3, ghép tế bào gốc đồng loài. Trong theo dõi điều trị, đánh giá tồn dư tối thiểu của bệnh được sử dụng để đánh giá đáp ứng cũng như định hướng chiến lược điều trị tiếp theo.
3. Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh Von Willebrand
(Update on Diagnosis and Treatment of Von Willebrand)
Người báo cáo: GS.TS. Jecko Thachil, Hội Huyết học Anh
Von Willebrand là bệnh lý ưa chảy máu di truyền phổ biến nhất trên thế giới, ước tính ảnh hưởng 1% dân số trên thế giới. Trong bài báo cáo, tác giả đã đưa ra các vấn đề về cơ chế bệnh sinh, triệu chứng lâm sàng, cập nhật các xét nghiệm hiện nay, tiếp cận chẩn đoán theo guidelines ASH – ISTH – NHF – WHF 2021 cũng như những biện pháp quản lý điều trị bệnh lý này.
Đại biểu tham dự đặt câu hỏi cho các báo cáo viên.
PHIÊN TOÀN THỂ: 10H30 – 12H00
CÁC BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ CỦA CHUYÊN GIA QUỐC TẾ
Chủ trì: TS. Bạch Quốc Khánh, PGS.TS. Mai Duy Tôn, GS.TS. Clemens Wendtner, TS. Yvonne Loh
1. Bệnh lý huyết khối và các biến chứng chảy máu liên quan tới cấy ghép thiết bị tạo nhịp tim và can thiệp mạch máu não (Thrombotic and bleeding complications associated with cardiac rhythm device implantation and cerebrovascular intervention)
Người báo cáo: GS.TS. Jecko Thachil, Hội Huyết học Anh
Bệnh nhân khi cấy ghép thiết bị tạo nhịp tim và can thiệp mạch não đối diện với cả nguy cơ chảy máu và huyết khối. Tác giả đã đưa ra các yếu tố nguy cơ, biện pháp xử trí các biến chứng này bao gồm xử trí chảy máu sau điều trị tiêu huyết khối, xử trí chảy máu khi dùng thuốc kháng tiểu cầu. Đặc biệt tác giả nhấn mạnh vào các vấn đề liên quan đến điều trị thuốc kháng tiểu cầu như tương tác thuốc, kháng thuốc.
2. Quản lý bệnh bạch cầu mạn dòng lympho: Bước tiến mới trong kỷ nguyên điều trị đích (Chronic Lymphocytic Leukemia Management: New Advances in the Era of Targeted Therapy)
Người báo cáo: GS.TS. Clemens Wendtner, Đại học Ludwig-Maximilians
Tác giả đã trình bày các vấn đề liên quan đến điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng lympho trong kỷ nguyên nhắm đích. Điều kiện tiên quyết cho các quyết định điều trị hợp lý ở CLL hiện nay là cá thể hóa theo bất thường di truyền trước khi bắt đầu điều trị, các yếu tố quyết định chính là tình trạng đột biến IGHV, bất thường của TP53, tổn thương NST. Tác giả cũng đưa ra các triển vọng mới trong điều trị CLL tái phát/ kháng trị như các thuốc giáng hóa BTK, CAR-T, các kháng thể đặc hiệu kép.
3. Các loại đột biến gen trong lơ xê mi cấp dòng tuỷ (Mutational landscape of AML)
Người báo cáo: TS. Yvonne Loh, Singapore
Tác giả đưa ra các vấn đề toàn cảnh liên quan đến đột biến trong lơ xê mi cấp dòng tủy AML. Toàn cảnh đột biến AML tiếp tục phát triển và thay đổi trong các giai đoạn bệnh với điều trị riêng biệt cho từng cá thể. Ảnh hưởng của những đột biến cụ thể và ảnh hưởng của những đột biến phối hợp trong tiên lượng và lựa chọn điều trị/đáp ứng với điều trị làm tăng độ phức tạp của bức tranh toàn cảnh. Đột biến cũng tương tác với những yếu tố khác tác động tới kết quả điều trị Một số đột biến cụ thể định hướng lựa chọn liệu pháp điều trị. Các đột biến có thể trở thành những dấu ấn sinh học rất có giá trị trong theo dõi MRD và đánh giá đáp ứng điều trị, từ đó định hướng lựa chọn liệu pháp điều trị.
PHIÊN TOÀN THỂ: 13h30 – 16h15
Chủ trì: TS. Vũ Đức Bình, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng, PGS.TS. Huỳnh Nghĩa, TS. Nguyễn Phương Liên
1. Đặc điểm bệnh nhân đa u tủy xương tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương giai đoạn 2019 – 2023
Người báo cáo: TS. Vũ Đức Bình, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
2. Cập nhật chẩn đoán và điều trị hội chứng thực bào máu ở trẻ em.
Người báo cáo: PGS.TS. Huỳnh Nghĩa, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
3. Bạch cầu mãn dòng tuỷ và lui bệnh ngưng điều trị.
Người báo cáo: BSCKII. Nguyễn Thị Hồng Hoa, Bệnh viện Truyền máu Huyết học
4. Tổng quan về hoạt động Dược lâm sàng trong chuyên khoa Huyết học và một số suy nghĩ áp dụng tại Việt Nam
Người báo cáo: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trường Đại học Dược Hà Nội
5. Tình hình điều trị bệnh nhân lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt bằng imatinib và thực trạng tiếp cận với điều trị bước hai bằng nilotinib tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương giai đoạn 2019 – 2023
Người báo cáo: ThS. Nguyễn Thu Chang, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
6. Xơ tủy nguyên phát: cập nhật về chẩn đoán và phân nhóm nguy cơ – năm 2024
Người báo cáo: PGS.TS. Phan Thị Xinh, Bệnh viện Truyền máu Huyết học
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương