Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Phụ nữ mang thai cần đề phòng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt

Thiếu máu là tình trạng khá phổ biến, xuất hiện ở nhiều lứa tuổi và giới tính. Trong đó, phụ nữ thường gặp những tình trạng mất máu mãn tính như cường kinh, rong kinh, đặc biệt là những người ít chú ý đến khám sức khoẻ định kỳ. Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao của tình trạng thiếu máu. Vì khi có thai, phụ nữ cần lượng dinh dưỡng lớn để phát triển cơ thể mẹ và thai nhi. Trong các nguyên nhân thiếu máu ở phụ nữ mang thai, nguyên nhân thường gặp là thiếu máu thiếu sắt. Đáng chú ý, đã có những trường hợp bị thiếu máu nặng phải nhập viện.

Thieu mau thieu sat

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu máu xảy ra khi:

Đối tượng Lượng huyết sắc tố
Nam < 130 g/l
Nữ < 120 g/l
Phụ nữ mang thai và trẻ em < 110 g/l

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, trong đó những nguyên nhân phổ biến bao gồm: Mất máu (nôn ra máu, đi ngoài ra máu, tiểu máu, kinh nguyệt kéo dài…); tan máu; ức chế, giảm sinh tại tuỷ xương (khi mắc các bệnh lý huyết học như suy tuỷ xương, rối loạn sinh tuỷ, lơ-xê-mi cấp…); thiếu các vi chất dinh dưỡng (thiếu sắt, B12, axit folic).

Theo lời khuyên từ BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu TW, trước khi bổ sung sắt, người dân cần xét nghiệm máu để biết có thực sự thiếu sắt hay không thì mới cung cấp thêm lượng sắt cho cơ thể.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt

  • Không cung cấp đủ sắt cho cơ thể (do chế độ ăn, ăn kiêng…)
  • Ăn uống đầy đủ nhưng cơ thể không hấp thu được (do bệnh lý đường tiêu hoá, bệnh lý nội tiết)
  • Ăn uống hấp thu đầy đủ nhưng bị tiêu hao (mất máu qua kinh nguyệt, xuất huyết tiêu hoá, tiểu máu…)

Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai

  • Thường xuyên mệt mỏi, giảm khả năng làm việc
  • Kém tập trung, giảm chú ý
  • Ngủ ít hơn hoặc ngủ rất nhiều
  • Da dẻ xanh xao
  • Dễ rụng tóc
  • Tim đập nhanh, hồi hộp khi leo cầu thang

Cũng theo BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, nếu tình trạng thiếu máu kéo dài, mẹ và thai nhi sẽ đối diện với tình trạng thai nhi nhẹ cân, sinh non, có nguy cơ sảy thai. Nếu thiếu máu ở tình trạng nặng hơn (huyết sắc tố < 60 – 70 g/l) sẽ gây ra tình trạng giảm sự trao đổi chất giữa mẹ và con qua bánh rau, gây ra tiền sản giật, rối loạn thai nghén, trẻ sinh ra nhẹ cân, chậm phát triển.

Thiếu máu trong thời kỳ mang thai có thế gây ra các biến chứng cho người mẹ như nhiễm trùng, băng huyết sau sinh; nguy cơ mắc các bệnh tim mạch; rối loạn kinh nguyệt; trầm cảm sau sinh. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai cần xét nghiệm và theo dõi sức khoẻ định kỳ.

Sau khi xét nghiệm máu để biết tình trạng thiếu sắt ở mức độ nào, người bệnh sẽ có mức độ điều trị phù hợp. Ở mức độ nhẹ, người bệnh sử dụng thuốc uống. Nếu tình trạng nặng, người bệnh cần sử dụng sắt truyền, thậm chí có chỉ định truyền máu.

Chế độ dinh dưỡng để giảm nguy cơ thiếu máu thiếu sắt      

Để đảm bảo sức khỏe thai kỳ và nhu cầu phát triển của thai nhi, WHO khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên bổ sung 30 – 60 mg sắt nguyên tố cho cơ thể mỗi ngày. Không chỉ giai đoạn mang thai, người mẹ nên bổ sung sắt liên tục cho đến sau khi sinh 3 tháng để tránh thiếu máu cũng như tăng tốc độ hồi phục của cơ thể.

Sắt có nhiều trong các loại thực phẩm. Để phòng ngừa nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, phụ nữ mang thai nên lưu ý những thực phẩm, đồ uống sau đây:

  • Bổ sung các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng; rau có màu xanh đậm, hạt ngũ cốc
  • Hạn chế sử dụng đồ uống có chất kích thích: trà, cà phê
  • Tăng cường ăn hoa quả, trái cây chứa nhiều vitamin C

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu TW trong chương trình “Mỗi ngày một niềm vui” – VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam

Mời xem thêm: Hướng dẫn đặt lịch hẹn khám theo yêu cầu

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan