Sử dụng 300 đơn vị chế phẩm máu, cứu sống bệnh nhân sốt xuất huyết
Sau 47 ngày điều trị tích cực với 10 ngày chạy ECMO, lọc máu liên tục 12 ngày, thay huyết tương cấp cứu 14 lần với 280 đơn vị (tương đương 56 lít), truyền 20 đơn vị chế phẩm máu khác, bệnh nhân suy đa cơ quan vì sốt xuất huyết tại TP. Hồ Chí Minh đã được cứu sống.
Thượng tá, BSCKII. Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết các bác sĩ tại đây đã tích cực điều trị, cứu sống bệnh nhân Trần Đình Phước (37 tuổi, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) bị suy đa cơ quan vì sốt xuất huyết.
Thượng tá, BSCKII Vũ Đình Ân, Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 gửi lời cảm ơn tới gia đình người bệnh đã cùng các y, bác sĩ vượt qua những thời điểm khó khăn trong quá trình điều trị bệnh nhân.
Trước đó, bệnh nhân bị sốt 5 ngày liên tục và điều trị theo đơn thuốc ngoại trú của một bệnh viện với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Anh Phước vốn khỏe mạnh, là huấn luyện viên thể hình.
Tuy nhiên, sau thời gian dùng thuốc, bệnh nhân tiến triển nặng hơn, được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng sốc nặng, tổn thương đa cơ quan (hô hấp, gan, thận, rối loạn đông máu, có dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết từ đường tiêu hóa).
Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng thở máy, kiểm soát dịch, chống sốc, lọc máu liên tục, thay huyết tương cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không cải thiện do rối loạn chức năng đa cơ quan nặng, buộc phải can thiệp ECMO. Đây là hệ thống tim phổi nhân tạo, thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, vũ khí hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những bệnh nhân nguy kịch.
Theo bác sĩ Ân, có rất ít bệnh nhân sốt xuất huyết được chỉ định can thiệp ECMO, nhưng trường hợp này nếu không dùng thì sẽ tử vong. Khi sử dụng kỹ thuật này, quá trình điều chỉnh rối loạn đông máu thường khó khăn trong khi sốt xuất huyết vốn gây rối loạn đông máu nặng. Để xử lý, các bác sĩ áp dụng phác đồ vừa can thiệp ECMO vừa lọc máu liên tục, đồng thời kiểm soát về đông máu hàng giờ.
Bệnh nhân đã trải qua 10 ngày can thiệp ECMO, lọc máu liên tục 12 lần, thay huyết tương 14 lần với 280 đơn vị huyết tương (tương đương 56 lít). Bệnh nhân còn được truyền khối hồng cầu, khối tiểu cầu, tủa lạnh (20 đơn vị). Tính đến nay, đây là bệnh nhân sốt xuất huyết được truyền và thay thế chế phẩm máu nhiều nhất được ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh.
Nụ cười của người bệnh sau gần 2 tháng điều trị và đã may mắn thoát cửa tử.
Sau 47 ngày điều trị, chức năng gan, thận, hô hấp của bệnh nhân đã hồi phục, các chỉ số xét nghiệm cải thiện tốt, bệnh nhân được ra viện và tiếp tục theo dõi tại nhà.
XEM THÊM: |
PGS. TS. BSCKII. Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho rằng ca sốt xuất huyết rất nặng như anh Phước thường khó qua khỏi. Trong quá trình điều trị cho anh, có những thời điểm các bác sĩ lo ngại không giữ được tính mạng bệnh nhân. “May mắn, sự nỗ lực cứu chữa của y bác sĩ và nghị lực sống của chính người bệnh, sự động viên của gia đình đã giúp mang lại kết quả tốt”, PGS. Cẩm nói.
PGS. TS. BSCKII. Trương Đình Cẩm – Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, đây là một ca bệnh đặc biệt, đầy thách thức nhưng các bác sĩ, điều dưỡng và gia đình, đều quyết tâm, nỗ lực cứu tính mạng của bệnh nhân, mặc dù có những thời điểm hi vọng khá mong manh.
Từ cuối tháng 4 đến nay, số ca sốt xuất huyết tăng nhanh liên tục tại TP. Hồ Chí Minh. Trong 5 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận hơn 10.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 46% với cùng kỳ năm ngoái. Có 19 ca nặng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Thay huyết tương hoặc trao đổi huyết tương là liệu pháp loại bỏ một lượng huyết tương trong máu người bệnh và thay thế vào một lượng huyết tương khác tương tự. Máu được dẫn ra ngoài qua hệ thống máy lọc, tại đây một lượng huyết tương được loại bỏ và thay thế vào một lượng huyết tương hay albumin tương ứng và sau đó máu được trả về lại cho cơ thể. Quá trình này thường cần sử dụng số lượng lớn huyết tương. Huyết tương là một loại chế phẩm máu được điều chế từ máu toàn phần do người khỏe mạnh hiến tặng. |
Thảo Nguyên (tổng hợp, theo Vnexpress), ảnh: BV Quân y 175
Bài viết liên quan
Chế phẩm huyết tương là gì và sử dụng trong trường hợp nào?
22 Tháng Sáu, 2021Huyết tương là thành phần đặc biệt có trong máu. Máu gồm nhiều thành phần với các chức năng khác nhau và liên quan mật thiết đến chức năng sống…
Thay huyết tương, hồi sinh sự sống cho người bệnh suy gan cấp
17 Tháng Sáu, 2021Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết, mới đây bệnh viện đã cấp cứu thành công một ca bệnh suy gan cấp bằng liệu pháp…
Bệnh nhi Thalassemia tăng men gan 100 lần vì tái nhiễm sốt xuất huyết
01 Tháng Sáu, 2022Bệnh nhi có tiền sử thalassemia (tan máu bẩm sinh), đã từng bị sốt xuất huyết năm 2018. Lần tái nhiễm này, bé bị rối loạn đông máu, suy gan…
7 quan niệm sai lầm về sốt xuất huyết khiến bệnh dễ trở nặng
16 Tháng Năm, 2022Diễn tiến bệnh sốt xuất huyết phức tạp, khó tiên lượng. Bệnh có thể chuyển nặng ở bất kỳ người nào, bất kỳ lứa tuổi. Do đó, không được chủ…