Thư viện đặc biệt của trẻ yêu sách
Dù chỉ có một giá sách với khoảng 200 cuốn nhưng vẫn được mọi người gọi là “thư viện”. Độc giả của thư viện đặc biệt này là những em nhỏ từ 4 – 12 tuổi, trên tay còn vướng víu mũi kim, dây truyền nhưng chúng có niềm yêu thích sách và truyện tranh như bao trẻ em khỏe mạnh khác…
Thư viện dành cho bệnh nhân nhi của Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đi vào hoạt động được một năm (năm 2014). Hiện có khoảng 200 cuốn sách như: Hạt giống tâm hồn, sách văn học, truyện tranh… Thư viện dù nhỏ nhưng cũng có nhân viên hướng dẫn và quản lý việc trả – mượn sách theo quy định. Nhờ đó mà các bạn nhỏ luôn có ý thức giữ gìn sách cẩn thận, trả sách đúng hẹn và luôn ngăn nắp mỗi khi tìm sách, truyện.
Tìm sách sau giờ tiêm truyền
Nguyễn Trung Kiên (7 tuổi, Nghĩa Lộ, Yên Bái) đã điều trị bệnh lâu năm tại trung tâm, cậu bé rất thích đến thư viện vì: “Ở nhà con không có nhiều sách, truyện như ở đây, con thích đọc truyện tranh nhất”. Không chỉ có Kiên, nhiều em nhỏ bị bệnh chạc tuổi cậu đều thích đến thư viện, chỉ trừ những lúc phải tiêm tuyền là các cháu không đến, còn hầu như cả ngày đều có các cháu vào thư viện chơi, mượn sách.
Đọc sách ngay cả khi phải cầm chai thuốc truyền
Không chỉ có trẻ nhỏ thích đọc sách, ngay cả bố mẹ của bệnh nhi cũng rất hào hứng khi nói về thư viện và việc họ sang mượn sách cho con đọc mỗi ngày là hình ảnh rất quen thuộc ở thư viện này. Chị Vi Thị Thế (mẹ cháu Vi Tuấn Duy, 7 tuổi, Lạng Sơn, điều trị được 2 năm) cho hay: “Duy còn nhút nhát khi đến thư viện, phải có mẹ đi cùng nhưng lúc nào cũng muốn đến mượn sách, con còn thích vẽ, thích tô màu và đọc truyện tranh. Chúng tôi thấy các con thích sách, thích đọc là thấy vui và cũng đỡ nghĩ ngợi về bệnh tật”.
Tìm hiểu thêm về hoạt động của thư viện, được biết xuất phát từ mong muốn mọi bệnh nhân Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh), nhất là trẻ em đều được điều trị đầy đủ, kịp thời nên các bác sĩ, y tá, điều dưỡng hay nhân viên của trung tâm đều hướng đến tạo sự thân thiện, gần gũi, thoải mái cho người bệnh. Ths. Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: “Những việc làm dù nhỏ mang lại niềm vui, sự thích thú cho người bệnh khi đến viện, đặc biệt là các bệnh nhân nhỏ tuổi thì chúng tôi sẽ làm. Bệnh thalasemia gắn bệnh nhân cả đời với bệnh viện, họ cần được truyền máu, thải sắt theo định kỳ. Do đó, bệnh nhân phải thích đến viện, muốn quay lại theo đúng lịch hẹn thì mới điều trị tốt và có cuộc sống bình thường như những người khỏe mạnh”.
Những đứa trẻ thalassemia sẽ có cuộc sống như người bình thường khác nếu được điều trị đầy đủ
Với suy nghĩ vì người bệnh, Ths. Thu Hà cho rằng: “Trẻ em thích gì thì những bệnh nhân nhỏ tuổi ở đây cũng thích thế. Vậy thì, tạo ra được điều gì các cháu thích thú và muốn đến viện điều trị, coi viện như ở nhà, được chơi, được học là việc cần làm để giúp các cháu được điều trị đầy đủ, bệnh các cháu được thuyên giảm. Chúng tôi rất mừng là thư viện nhỏ này mang lại niềm vui đó cho các cháu”.
Niềm vui và sự thoải mái của những đứa trẻ hiện trên ánh mắt và nụ cười mỗi khi đến thư viện
Giá sách đơn sơ của Trung tâm Thalassemia như một gia tài của niềm vui trẻ nhỏ, tạo được sở thích lành mạnh cho trẻ em dù có phải chống chọi với bệnh tật. Hiện nay, thư viện mới chỉ có một giá sách, trong khi đó, không gian thư viện vẫn còn những khoảng trống có thể đặt thêm ít nhất một giá sách nữa hoặc những chiếc máy tính bàn giúp trẻ em có thêm kiến thức, thêm kết nối với cộng đồng. Cũng như nhiều đầu sách mà trẻ em nơi đây mong muốn có như: Vở tập tô, sách tô màu, bút chì màu hay truyện tranh dành cho thiếu nhi được yêu thích như Thần đồng đất Việt, Đôrêmon, Konan, Tí quậy…
Khu vực chờ thêm những giá sách mới từ cộng đồng
Tiếng nói chuyện tíu tít, vui vẻ hướng dẫn nhau chọn sách, mượn sách của những đứa trẻ làm cho không gian thư viện rộn ràng hẳn lên, những đứa trẻ quên đi cái vướng víu của kim truyền để vui thích bên mỗi trang sách.
,
Chi Mai