Tinh thần “gọi là có mặt” của những người có nhóm máu hiếm
Tuần đầu tháng 11 vừa qua, chỉ trong hai ngày 7 và 8/11, gần 20 người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm đã được mời tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tham gia hiến máu để kịp thời duy trì nhu cầu dự trữ cho cấp cứu và điều trị.
Họ tình cờ biết mình mang nhóm máu hiếm, để rồi thấu hiểu ý nghĩa của những đơn vị máu “quý hiếm” của mình nên bất cứ thời gian sớm khuya, bất kể mưa nắng, cứ hễ được gọi là họ đều có mặt tham gia hiến máu.
Chị Chu Thanh Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) – nhóm máu O Rh(D) âm đến tham gia hiến máu đầu tháng 11 vừa qua
Hiến máu vì sự thấu hiểu
Thảo Linh và Thùy Linh, đều có nhóm A Rh(D) âm, là 2 trong số những người đã có mặt sớm ngay khi được gọi. Hai cô gái cũng chỉ mới biết mình có nhóm máu hiếm được một năm nay. Có lẽ vì cũng mang nhóm máu “đặc biệt” nên Thảo Linh (đã hiến máu 4 lần) và Thùy Linh (đã hiến máu 3 lần) luôn thấu hiểu sự lo lắng của người bệnh khi không đủ máu để truyền.
Không chỉ hiến máu, dù đang là sinh viên năm cuối khá bận rộn, Thảo Linh không ngần ngại tham gia hiến tiểu cầu cho người bệnh.
Là một trong những người được kêu gọi đến hiến máu vừa qua, anh N.V.Đ (Hà Nội) cho biết bản thân bất ngờ phát hiện mang nhóm máu hiếm vào khoảng 4 năm trước trong lần đầu tham gia hiến máu. Với anh Đ., “mình mang nhóm máu hiếm, có thể là nguồn sống và tia hi vọng duy nhất cho người bệnh nên mỗi khi nhóm facebook của CLB người có nhóm máu hiếm đăng tin có người cần nhóm máu của mình là tôi đều cố gắng đến hiến máu ngay”. Chính tinh thần “gọi là có mặt” không ngại ngần hiến máu của anh Đ. đã giúp cho rất nhiều người bệnh có thêm một cơ hội được kéo dài sự sống. Đến nay, anh đã 6 lần tham gia hiến máu.
Những thông báo kêu gọi thế này luôn là chủ đề thường xuất hiện trong các nhóm facebook của CLB người có nhóm máu hiếm
Anh Đ. chia sẻ về những lần hiến máu của mình với tâm trạng hào hứng nhưng lại không muốn để người khác nói về mình vì nghĩ rằng việc làm của mình rất nhỏ bé. Nhắc lại câu chuyện hiến máu của 3 năm trước, giọng anh bỗng trầm xuống và có chút tiếc nuối: “Một du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch và không may đã bị nhiễm trùng máu, du khách lại thuộc nhóm máu Rh(D) âm. Bệnh viện kêu gọi những người có nhóm hiếm đến tham gia hiến máu và tôi đã đến, nhưng thật không may anh ấy đã không qua khỏi”.
Chỉ hiến máu là chưa đủ
Cách đây 4 năm, trong một lần tham gia hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng, Đỗ Thị Nhâm (Hà Nội) được bác sĩ thông báo mang nhóm máu hiếm. Ban đầu có chút lo lắng nhưng chị càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình để tiếp tục đồng hành cùng các hoạt động hiến máu.“Tôi rất vui và hạnh phúc khi giúp đỡ được những bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm như mình đang cần máu để duy trì và tiếp tục sự sống”, Nhâm tâm sự.
Nhận thấy việc hiến máu có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống, bản thân chị cho rằng chỉ hiến máu thôi là chưa đủ, năm 2016, Nhâm đã trở thành tình nguyện viên của sự kiện hiến máu “Trung thu cho em”. Mang trên mình một sứ mệnh khác, Nhâm đã hòa mình cùng các bạn tình nguyện viên, trực tiếp vận động người dân tham gia ngày hội. Niềm vui là chỉ trong 30 phút tuyên truyền, Nhâm đã mời được 3 người sẵn sàng đăng ký hiến máu.
Chỉ trong năm 2019, Nhâm đã 4 lần hiến máu hiếm cứu người bệnh, còn tổng số lần hiến máu của Nhâm là 11 lần.
Tinh thần “chỉ cần gọi là có mặt” sẵn sàng cho đi giọt máu hiếm của mình chính là sự bù đắp đẹp đẽ nhất của những thành viên trong cộng đồng người nhóm máu hiếm dành cho nhau, dành cho những người bệnh cần máu.
Bé Đỗ Thị Thắm (7 tuổi, Hưng Yên) đã được truyền máu hiếm A Rh(D) âm gần 4 năm nay để điều trị bệnh suy tủy xương (ảnh: Công Thắng)
Năm 1901, nhà bác học vĩ đại Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như hệ nhóm máu Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS…
Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu. Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất. Ví dụ: – Hệ ABO có 4 nhóm máu: A, B, AB và O – Hệ Rh có 2 nhóm máu thường gặp là Rh(D) dương và Rh(D) âm, hay còn gọi là Rh(D)+ và Rh(D)- Chỉ tính riêng 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh, đã có 8 nhóm máu khác nhau là: A+; A-; B+; B-; AB+; AB-; O+; O- (A+ nghĩa là người đó vừa có nhóm máu A thuộc hệ ABO vừa có nhóm máu Rh(D)+ thuộc hệ Rh). Kháng nguyên nhóm máu có tỷ lệ rất khác nhau tùy thuộc vào chủng tộc, quốc gia và các vùng địa lý. Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm. Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm. Trong khi đó, ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc… tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15% – 40% dân số. Nhóm máu hiếm Rh(D) âm như các nhóm máu khác; người có nhóm máu hiếm có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả những người mang nhóm máu Rh(D) dương (trên 99% người Việt Nam). |