Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Tổng Bí thư đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp đầy lòng nhân ái của những người hiến máu tình nguyện

Nhân dịp tròn 20 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 07/4 là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2000 – 7/4/2020), ngày 15/3/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước.

Tổng Bí thư viết trong thư: “Tôi nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp đầy lòng nhân ái, tính nhân văn sâu sắc của những người hiến máu tình nguyện; các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác hiến máu tình nguyện, điều đó thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mỗi người đối với cộng đồng, xã hội”.

(Ảnh chân dung: Phạm Thắng, thiết kế: Mỹ Hạnh)

Đánh giá về hoạt động hiến máu, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tôi được biết, trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển rộng khắp trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú, cụ thể, thiết thực và thu được những kết quả đáng khích lệ, giúp cho người bệnh kịp thời có máu để điều trị”.

Tổng Bí thư cũng kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước.

(Ảnh chân dung: Đăng Khoa, thiết kế: Mỹ Hạnh)

Ngay sau thư của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào ngày 15/3/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… cũng đều có thư kêu gọi, tổ chức phát động, lan tỏa thông điệp nhân văn của việc hiến máu cứu người.

Vào lúc ấy, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Thư kêu gọi của Tổng Bí thư đã trở thành lời “hiệu triệu” để nhiều cơ quan, đơn vị và hàng vạn tấm lòng nhân ái trên cả nước không ngần ngại vượt những khó khăn của dịch bệnh, sẵn sàng “đáp lời” đi hiến máu.

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào ta. Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, khi đó là Tổng biên tập báo Tiền Phong đã có bài đăng trên báo: “Báo động đỏ ở các bệnh viện, máu điều trị cho người bệnh đang thiếu trầm trọng. Những người có tấm lòng xin đừng chần chừ.

Giờ thì không ai là không nhận thức rõ chống dịch COVID-19 là cuộc chiến của toàn dân tộc nữa. Và giờ cũng đã đến lúc toàn thể chúng ta nhận thức rõ thêm việc hiến máu tình nguyện là việc của mỗi người.

Khi người đứng đầu Đảng, Nhà nước ra lời kêu gọi đồng chí, đồng bào thì hẳn phải là một tình huống đặc biệt. Chúng ta đang sống ở những ngày đặc biệt, khiến cho trong vài ngày, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải đưa ra những lời kêu gọi. Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ tích cực hiến máu tình nguyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho thấy tính cấp thiết đặc biệt của việc hiến máu tình nguyện ở thời điểm này.

Vậy thì, tham gia thực hiện các biện pháp chống dịch COVID-19 là yêu nước, và tích cực hiến máu tình nguyện là yêu đồng bào của mình, cũng là yêu nước vậy”.

Ngày 29/8/2022, tại buổi gặp mặt đại diện các đại biểu dự Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và đại diện người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đúng là niềm vui nối tiếp niềm vui, niềm vui, niềm hân hoan của đại biểu Đại hội được bồi đắp thêm bằng niềm hân hoan của những bông hoa hiến máu tiêu biểu. Tôi đánh giá rất cao những tấm gương hiến máu tiêu biểu, đây là minh chứng sinh động vì sự hiến dâng của tổ chức Hội và các hội viên. Những tấm gương có mặt tại Lễ tôn vinh thực sự là những bông hoa đẹp đi đầu trong phong trào của Hội và là một dấu ấn tiêu biểu trong 10 dấu ấn của nhiệm kỳ Đại hội X vừa qua. Xin hoan nghênh và nhiệt liệt biểu dương các tấm gương hiến máu tiêu biểu của Hội”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt và biểu dương đại diện các tấm gương hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022. (Ảnh: Trí Dũng, TTXVN)

Nói về ý nghĩa của những hoạt động nhân đạo, từ thiện nói chung, trong đó có hoạt động hiến máu, Tổng Bí thư khẳng định: “Nhân đạo, từ thiện là một nét đẹp, một truyền thống quý báu của dân tộc ta, được trao truyền từ đời này qua đời khác, thể hiện tình yêu thương, sự quý trọng và bảo vệ con người; là sự trợ giúp đầy tình người về vật chất, tinh thần, sức khoẻ, trí tuệ,… cho những người gặp nạn hoặc kém may mắn trong xã hội; là chỉ số, thước đo của văn minh và sự tiến bộ xã hội. Giá trị của nhân đạo là giá trị về đạo đức của con người, về sự yêu thương, quý trọng và bảo vệ con người, giá trị của sự cảm thông, chia sẻ, nâng niu, trân trọng, đề cao phẩm giá con người…”.

Tổng Bí thư với đại diện các đại biểu dự Đại hội Hội Chữ thập đỏ và người hiến máu tiêu biểu năm 2022. (Ảnh: Trí Dũng, TTXVN)

Theo Tổng Bí thư, “qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội, kể cả qua nhiều kênh truyền thông nước ngoài, những tấm gương người tốt, việc thiện xuất hiện ngày càng nhiều; các giá trị nhân đạo, những tấm lòng nhân ái ngày càng có sức lan toả, làm cho đời sống cộng đồng ấm áp hơn; mọi người sống có trách nhiệm với nhau hơn; lấn át, xua đi những cái xấu, cái chưa tốt, chưa đẹp”.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân uỷ Trung ương, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944; quê quán: xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Thường trú tại nhà số 5, phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Tham gia công tác từ năm 1967; vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19 tháng 12 năm 1967. Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X, XI, XII, XIII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị khoá VIII; Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, XII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá XI, XII, XIII; Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Bí thư Quân uỷ Trung ương; Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương; Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV, XV.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024 (tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.

Gần 60 năm công tác, Đồng chí đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Thảo Nguyên

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan