Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Trực Tết, những câu chuyện chưa kể tại “Viện máu”

Ai cũng mong muốn được ở bên gia đình trong những ngày Tết, đặc biệt là thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nhưng khi đã chọn nghề y thì họ luôn sẵn sàng ở lại bệnh viện bên cạnh người bệnh của mình.

Điều dưỡng Nguyễn Hoài Sơn, Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu.

Với điều dưỡng Nguyễn Hoài Sơn, Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu, đây là năm thứ ba anh đón tết tại Viện. Chia sẻ điều ấn tượng trong những lần trực Tết, điều dưỡng Sơn nhớ mãi lần đến thăm con của một người bạn (đã mất mấy tháng sau đó) điều trị ở khoa Bệnh máu trẻ em, khi bắt gặp những ánh mắt ngây thơ trong sáng của các bệnh nhi mắc bệnh máu ác tính, các thầy thuốc đều thương cảm, xót xa, nặng lòng thì khi Tết đến Xuân về, ánh mắt đó càng ám ảnh với những người làm ngành Y như Sơn hơn.

Những ngày nhộn nhịp đón Tết, khi những đứa trẻ bình thường khỏe mạnh được chạy nhảy tự do, đi đây đi đó, du lịch, về quê… thì các bệnh nhi ở viện lại phải gắn liền với mũi tiêm, chai thuốc, cọc truyền, bịch máu. Nếu những đứa trẻ ngoài kia ríu rít lời chúc mừng năm mới thì bệnh nhi trong viện lại cắn chặt răng, ôm lấy bố mẹ để không khóc khi truyền máu, tiêm đau…

“Con đau một, cha mẹ đau mười. Ngày Tết, tâm tư của cha mẹ, người thân của các cháu càng trĩu nặng hơn. Thời gian trực, tôi có thêm trải nghiệm được nghe tâm sự của những người nhà bệnh nhân, Tết không được về vì bệnh tật, cả nhà, thậm chí cả họ vơi mất niềm vui, nhưng niềm tin, sự hi vọng sớm được khỏe lại, được về nhà vẫn ánh lên trong mắt họ. Vậy nên, những gì tôi đang cố gắng, cũng giúp tôi thấy như mình góp được phần nào thắp sáng tia hi vọng của họ” – điều dưỡng Sơn chia sẻ.

Vì thế, hầu như thầy thuốc nào khi trực Tết cũng có “phong tục” mừng tuổi cho tất cả các bệnh nhi điều trị tại viện, với mong muốn góp thêm một nụ cười, một nét tươi vui đầu xuân mới không chỉ cho các cháu, mà còn là cho chính mình.

Là thầy thuốc, chuyện trực Tết không phải điều xa lạ. Nhưng đây là Tết đầu tiên, TS.BS Hoàng Thị Hồng, Phó trưởng khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhận lệnh trực đêm giao thừa.

TS.BS. Hoàng Thị Hồng, Phó trưởng khoa Bệnh máu trẻ em đang thăm khám cho các cháu bệnh nhi.

Hiểu cảm xúc muốn về nhà ngày Tết của tất cả mọi bệnh nhân, bác sĩ Hồng cùng đồng nghiệp cố gắng tạo điều kiện cho các bệnh nhi đã ổn định bệnh được về đón Tết cùng gia đình. Những bệnh nhi không may mắn phải ở lại Viện dịp Tết cũng được Viện và khoa quan tâm, tạo điều kiện hết mức để đón tết ấm cúng, tràn đầy tình yêu thương.

Với ThS. Trần Tuấn Anh, Khoa Di truyền Sinh học phân tử, điều làm anh ấn tượng nhất mỗi dịp trực Tết đó là không khí ấm áp tình người tại bệnh viện. Vào thời khắc chuyển giao thiêng liêng, đầu năm mới, mỗi người bệnh và nhân viên khi gặp nhau đều mỉm cười hạnh phúc và chúc nhau những lời thân thương. Nhưng với người thầy thuốc ấy, xúc cảm chiều 30 Tết vẫn đọng lại mãi khi nghĩ tới những mảnh đời phải xa quê ngày Tết, gắn liền với bệnh phòng. “Thời khắc đó, tôi như lặng người và chẳng thể nghĩ gì nhiều hơn nữa. Chỉ biết cảm ơn cuộc đời vì mình thực sự hạnh phúc so với nhiều mảnh đời bất hạnh” – anh chia sẻ.

ThS. Trần Tuấn Anh, Khoa Di truyền Sinh học phân tử.

Ai cũng mong muốn được ở bên gia đình dịp Tết, đặc biệt là đêm giao thừa, bản thân TS Hồng hay bất kỳ thầy thuốc nào cũng có những cảm xúc nhất định trong thời khắc thiêng liêng đó. Nhưng với họ, khi đã chọn nghề y thì các thầy thuốc luôn sẵn sàng ở lại bệnh viện và không bao giờ bỏ rơi người bệnh của mình dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Điều dưỡng Nguyễn Hoài Sơn chia sẻ, hồi đầu, thông báo với gia đình chuyện trực Tết, anh cũng thấy ái náy, khó nói với người thân và gia đình. “Nhưng bù lại, cảm xúc và niềm tự hào được góp sức cùng đồng nghiệp, hỗ trợ các bệnh nhân cũng khiến tôi và gia đình nhất tâm ủng hộ cho những quyết định trong công việc của tôi” – điều dưỡng Sơn nói.

Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu nơi điều dưỡng Sơn công tác đóng vai trò “mắt xích” rất quan trọng để vận hành hệ thống truyền máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, đó là Trung tâm Máu quốc gia, đang đảm nhiệm cung cấp máu cho 26 tỉnh/thành phía Bắc với hơn 170 bệnh viện.

Nếu với mọi người, những ngày giáp Tết thật vội vã, mải miết sắm sửa đón năm mới, thăm nom người thân, bạn bè thì với các thầy thuốc như điều dưỡng Sơn, thời gian càng gấp gáp, hối hả hơn bởi bộn bề việc nước, việc nhà. Là trụ cột gia đình, anh càng phải tranh thủ tận dụng mọi thời gian được nghỉ để sắm sửa chu đáo cho người thân, họ hàng nội ngoại. “Mình không ở nhà vào thời khắc gia đình cần đoàn viên nhất, nhưng tôi vẫn mong sao gia đình vẫn thấy đủ đầy, ấm áp, có thế tôi mới toàn tâm hoàn thành nhiệm vụ” – nam điều dưỡng chia sẻ.

Còn với ThS. Trần Tuấn Anh, Tết Nhâm Dần 2022 đánh dấu một thập kỷ anh làm việc tại “Viện máu”, và đã 9 năm liên tiếp anh tham gia trực trong dịp Tết Nguyên đán.

Dù công tác tại đơn vị không trực tiếp tham gia điều trị, như những cán bộ công tác trong khối xét nghiệm như ThS Tuấn Anh luôn sẵn sàng thường trực phía sau để hỗ trợ cho các y bác sĩ trực tiếp cứu chữa người bệnh.

Khiêm tốn tự nhận công việc của mình như chiếc “đèn rọi” giúp bác sĩ lâm sàng nhìn rõ và chuẩn xác hơn về tình trạng của người bệnh để việc chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời, ThS Tuấn Anh chia sẻ, đã làm ngành Y thì ai cũng sẽ ít nhất một lần được đón Tết tại viện. Trực Tết không chỉ là trách nhiệm chuyên môn mà còn là nghĩa vụ của họ. Để cân bằng trách nhiệm của người chồng, người cha, người con trong gia đình, đồng nghiệp tại khoa ThS Tuấn Anh đều thực tâm chia sẻ với nhau trong công việc thường ngày và đặc biệt là các dịp lễ tết.

Cảm ơn những người chia sẻ giọt máu quý những ngày đầu năm mới

TS. Hoàng Thị Hồng chia sẻ, số lượng bệnh nhân ở lại Tết không quá nhiều nhưng đa số là những bệnh nhân nặng nên các bác sỹ trực Tết khá vất vả, đặc biệt là vấn đề thiếu tiểu cầu. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, rất nhiều người, đặc biệt là cán bộ nhân viên của Viện đều tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu ngày Tết nên gánh nặng phần nào được vơi đi.

Chia sẻ cảm xúc khi những ngày cận kề Tết và ngay trong Tết Nguyên đán vẫn có những con người sẵn sàng đến để tham gia hiến máu cho người bệnh, điều dưỡng Sơn trân trọng dùng hai chữ: Biết ơn. “Họ chính là ngọn lửa tiếp thêm hi vọng sống tiếp cho những bệnh nhân mắc bệnh về máu, không chỉ ở viện tôi mà còn ở khắp các bệnh viện trên toàn đất nước này.

“Họ tiếp thêm động lực làm việc và cống hiến cho tôi và các đồng nghiệp, giúp chúng tôi luôn tin rằng cuộc sống này vô cùng tốt đẹp, rất nhân văn. Mỗi người hãy làm hết những gì mình có thể, thì cuộc đời sẽ thật ý nghĩa và đáng sống” – nam điều dưỡng xúc động.

Không chỉ trực Tết liên tục, điều dưỡng Sơn còn tham gia hiến máu vào tất cả các dịp Tết. Với anh, bản thân phải “nêu gương” thì mới có thể kêu gọi, động viên mọi người tham gia hiến máu vì cộng đồng, người bệnh.

“Nhiều anh chị em đồng nghiệp chia sẻ, hiến máu ngày Tết chính là chia sẻ tình yêu thương, đem lại may mắn cho mình và cộng đồng bởi “cho đi là còn mãi”. Viện cũng phát động phong trào hiến máu đầu xuân tới toàn thể nhân viên Viện. Tôi thấy đây là việc làm rất ý nghĩa và thiết thực” – TS Hồng bày tỏ cảm xúc về những người hiến máu dịp Tết.

Vương Tuấn

Thiết kế ảnh: Công Thắng.

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan