Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Tư vấn chăm sóc cho người bệnh Lơ xê mi cấp

Chiều ngày 15/9/2022, buổi tư vấn chăm sóc cho người bệnh Lơ xê mi cấp tại Khoa Điều trị hoá chất đã được tổ chức. Đây là hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ do điều dưỡng viên thực hiện – một nhiệm vụ chuyên môn trong can thiệp chăm sóc điều dưỡng được tổ chức định kỳ hàng tháng tại tất cả các đơn vị lâm sàng. Điều dưỡng viên được đào tạo liên tục để tổ chức các buổi tư vấn cho nhóm người bệnh của khoa theo kế hoạch và sự phân công.

Chủ đề của buổi tư vấn tháng 9 tại khoa là theo dõi, chăm sóc và cách phát hiện các triệu chứng sớm của bệnh Lơ xê mi cấp. Các thông tin được hệ thống lại một cách đầy đủ, dễ hiểu để người bệnh có thể tiếp cận tối đa.

Các dấu hiệu, triệu chứng cần được chăm sóc kịp thời:

1. Triệu chứng do bệnh (Thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng thường gặp là da xanh, xuất huyết dưới da hoặc các cơ quan, bộ phận, viêm phổi…)

2. Các triệu chứng thường gặp sau điều trị hóa chất do điều trị (Nôn, mệt mỏi, đau đầu, rụng tóc, loét miệng…)

3. Các cơ quan có thể bị ảnh hưởng do tác động của điều trị hoá chất như gan, thận, tim

Ngoài chăm sóc các triệu chứng lâm sàng, cần theo dõi trạng thái tinh thần của người bệnh như để người bệnh tham gia vào các buổi nói chuyện và tư vấn để nhận thức rằng Lơ xê mi không phải là kết thúc, hạn chế người bệnh có suy nghĩ bị bỏ rơi. Bác sĩ điều trị, điều dưỡng chăm sóc, nhân viên công tác xã hội hay chính gia đình người bệnh là nguồn lực hỗ trợ để chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người bệnh.

 Điều dưỡng Vũ Thị Lụa – Khoa Điều trị hoá chất tư vấn chăm sóc cho người bệnh lơ xê mi cấp

Hơn 30 người bệnh đã được nghe tư vấn và giải đáp các thắc mắc về những vấn đề thực tế đang gặp phải. Đặc biệt, cách làm giảm các cơn đau hay dinh dưỡng hợp lý khi truyền hoá chất vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm.

Anh Trần Văn Xâm (38 tuổi, Hải Dương) chia sẻ mình có cảm giác khó chịu ở họng, buồn nôn mỗi khi truyền hoá chất. Sau khi lắng nghe tâm tư của người bệnh, điều dưỡng viên đã hướng dẫn cách chăm sóc dinh dưỡng: Người bệnh nên ăn nhẹ trước khi truyền hoá chất; súc miệng, vệ sinh răng miệng trước và sau khi ăn, vệ sinh tay sạch sẽ; tránh những đồ ăn có mùi và nhiều dầu mỡ (thức ăn nên để nguội), nên ăn đồ luộc, hấp. Anh Xâm cho biết những tư vấn trên rất hữu ích và sẽ áp dụng ngay trong lần truyền hoá chất này.

Anh Trần Văn Xâm (38 tuổi, Hải Dương) gặp phải vấn đề dinh dưỡng khi truyền hoá chất

Bên cạnh tư vấn cho nhóm người bệnh, điều dưỡng viên có nhiệm vụ tư vấn, giáo dục sức khoẻ cho từng cá nhân tại các thời điểm: khi người bệnh nhập khoa, khi người bệnh có nhu cầu phát sinh trong thời gian nằm viện nội trú và khi người bệnh ra viện.

Truyền thông, giáo dục sức khoẻ là một trong các can thiệp chăm sóc điều dưỡng theo Thông tư số 31/2021/TT-BYT Quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện.

Nội dung truyền thông, giáo dục sức khoẻ bao gồm: Phối hợp với bác sĩ và các chức danh chuyên môn khác tư vấn. hướng dẫn các kiến thức về bệnh, cách tự chăm sóc, theo dõi, hợp tác với nhân viên y tế trong chăm sóc, phòng bệnh; các quy định về an toàn người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng, phục hồi chức năng; hướng dẫn hoặc hỗ trợ người bệnh thực hiện đầy đủ các quy định, nội quy trong điều trị nội trú, chuyển khoa, chuyển viện và ra viện.

Hải Yến – Ảnh: Gia Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan