Tư vấn về bệnh ung thư máu, lưu ý khi đi tái khám trong dịch bệnh
Nhân dịp ngày Ung thư Thế giới, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Câu chuyện mùa xuân” dành cho người bệnh. Trong khuôn khổ của chương trình, các chuyên gia, bác sĩ của Viện đã dành thời gian giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người bệnh và cộng đồng về bệnh ung thư máu với các nội dung sau:
1. Liệu có thể phát hiện bệnh ung thư máu qua xét nghiệm máu và chúng ta cần làm những xét nghiệm gì để tầm soát cũng như chẩn đoán bệnh ung thư máu?
ThS. BS. Nguyễn Quốc Nhật: Về cơ bản, đa số các thể ung thư máu có thể phát hiện được thông qua xét nghiệm máu. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt như: số lượng tế bào bạch cầu trong máu quá thấp, làm xét nghiệm máu chưa có đủ số lượng tế bào để chẩn đoán chắc chắn ung thư máu. Khi đó, ngoài xét nghiệm máu, chúng ta phải làm một số xét nghiệm liên quan đến miễn dịch di truyền, mà những xét nghiệm đó thường ưu tiên bệnh phẩm dịch tủy xương (cần chọc tủy). Do đó, để chẩn đoán ung thư máu, bệnh nhân thường được làm xét nghiệm huyết tủy đồ.
ThS. BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất tư vấn về chăm sóc, điều trị ung thư máu
2. Xin bác sĩ cho biết bệnh ung thư máu được phân loại như thế nào và có các thể bệnh nào?
ThS. BS. Nguyễn Quốc Nhật: Ung thư máu ( Lơ – xê – mi) được chia thành 2 thể cấp tính và thể mãn tính.
+ Trong thể cấp tính chia ra thành: Dòng tủy và dòng lympho
+ Thể mãn tính chia ra gồm có dòng bạch cầu hạt và dòng lympho (lơ – xê – mi – kinh dòng lympho).
Việc chia thể ung thư máu dựa theo hình thái của tế bào và các đặc điểm miễn dịch di truyền.
3. Xin bác sĩ chia sẻ các cách chăm sóc để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng trong quá trình điều trị?
ThS. BS. Nguyễn Quốc Nhật: Trong quá trình điều trị hóa chất, nhiễm trùng là một biến chứng vô cùng nặng nề. Nguyên nhân nhiễm trùng ở người bệnh ung thư là do suy giảm tế bào bạch cầu hạt (bạch cầu trung tính) – có chức năng bảo vệ cơ thể, tăng khả năng miễn dịch. Khi bị bệnh ung thư, tế bào này suy giảm rất nặng nề.
Nguyên nhân thứ hai, trong quá trình điều trị có sử dụng các loại thuốc tiêu diệt tế bào, trong đó tế bào bạch cầu hạt cũng bị ảnh hưởng và giảm sâu. Ngoài ra, có một số thuốc gây ức chế miễn dịch dẫn đến miễn dịch dịch thể của người bệnh giảm đi đáng kể.
– Khi bị suy giảm miễn dịch, tế bào bạch cầu sẽ làm cho bệnh nhân có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và có thể rất nặng. Thậm chí, có bệnh nhân ung thư sốc nhiễm khuẩn do mắc các bệnh nhiễm vi trùng, vi khuẩn, virus và đặc biệt là nhóm kháng thuốc, điều trị vô cùng vất vả và rủi ro cho bệnh nhân cũng rất cao.
– Người bệnh, người nhà người bệnh nên lưu ý áp dụng các phương pháp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn:
+ Áp dụng phương pháp 5K của bộ y tế trong giai đoạn dịch bệnh;
+ Chăm sóc vệ sinh cá nhân và ăn uống đảm bảo sạch sẽ, ăn chín, uống sôi và cân đối về mặt dinh dưỡng, đầu tóc gọn gàng…
+ Uống nhiều nước ấm, giữ ấm vùng cổ, không để bị ốm.
4. Nếu người bệnh đến ngày hẹn tái khám nhưng do dịch bệnh không thể đi viện được và cũng không có triệu chứng gì bất thường thì người bệnh có thể đi khám hoặc nhập viện quá hẹn được không?
ThS. BS. Nguyễn Quốc Nhật: Đối với những người bệnh ở vùng tâm dịch đang bị phong tỏa, không có phương tiện di chuyển, nếu sức khỏe người bệnh ổn định thì có thể trì hoãn tái khám trong một thời gian ngắn. Nếu thấy người bệnh có vấn đề bất thường thì có thể khám tại y tế cơ sở để có được sự hỗ trợ kịp thời. Người bệnh không cần lo lắng về việc đi khám quá ngày hẹn vì tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, nếu người bệnh đã có giấy chuyển tuyến trong năm 2021 thì Bảo hiểm Y tế sẽ đồng ý thanh toán với trường hợp người bệnh đi tái khám muộn hơn so với ngày hẹn.
5. Xin bác sĩ cho biết những thể bệnh ung thư máu nào có thể ghép tế bào gốc? Và hiện nay có những phương pháp ghép tế bào gốc nào dành cho người bệnh ung thư máu?
BSCKII. Võ Thị Thanh Bình giải đáp câu hỏi về ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu
BSCKII. Võ Thị Thanh Bình: Phương pháp ghép tự thân có thể ứng dụng điều trị các bệnh như: Đa u tủy xương, U lympho Hodgkin, U lympho không Hodgkin, Lơ-xê-mi cấp tiền tuỷ bào… Ghép tế bào gốc đồng loài với các bệnh: Lơ-xê-mi cấp dòng tủy và lympho, U lympho Hodgkin, U lympho không Hodgkin, Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, Hội chứng rối loạn sinh tủy…
Bên cạnh các tiêu chuẩn về bệnh, tiêu chuẩn về toàn trạng, tuổi của bệnh nhân cũng được nâng lên. Với bệnh nhân đa u tủy xương, ở Viện Huyết học – Truyền máu TW có thể ghép cho bệnh nhân lên tới 70 tuổi, U Lympho có thể tới 60 tuổi. Còn những bệnh nhân ghép đồng loài như ung thư máu, rối loạn sinh tủy thì giới hạn ghép dưới 60 tuổi. Chính vì vậy, cơ hội ghép thành công đối với bệnh máu ác tính là rất cao.
Bài viết liên quan
Các phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu
06 Tháng Một, 2021Ghép tế bào gốc tạo máu có thể ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh máu, bao gồm cả bệnh máu ác tính và lành tính. Phương pháp ghép tế…
Tế bào gốc tạo máu là gì?
31 Tháng Mười Hai, 2020Ghép tế bào gốc tạo máu được coi là một “cuộc cách mạng” trong điều trị các bệnh máu và cơ quan tạo máu. Vậy tế bào gốc tạo máu…
Tư vấn về bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt
23 Tháng Chín, 2020Bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (Chronic myeloid leukemia – CML, bệnh ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt) có thể coi là một trong những bệnh…
Ung thư máu mạn tính: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
22 Tháng Chín, 2020Ung thư máu mạn tính là bệnh gì? Ung thư máu mạn tính (hay còn gọi là Lơ-xê-mi kinh) là bệnh lý thuộc Hội chứng tăng sinh tủy mạn ác…
Ung thư máu cấp tính: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
23 Tháng Bảy, 2020Ung thư máu cấp tính là bệnh gì? Ung thư máu cấp tính hay còn gọi là Lơ-xê-mi cấp. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh nhanh chóng các…