Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Ước mong tình yêu của cô gái 7 năm sống với ung thư

Hoàng Thị Diệu Thuần phóng xe máy đi gặp bạn bè, học thêm tiếng Anh, khi rảnh lại may váy cho mình. Cuộc sống đang dần hồi sinh với cô gái từng bị rụng hết tóc, da đen sạm do căn bệnh ung thư máu.
Nói chuyện nhanh nhẹn và hoạt bát, “hoa hướng dương” Hoàng Thị Diệu Thuần khoe đang rất háo hức vì những cơ hội công việc đang chờ cô. Biết hoàn cảnh và nghị lực của Thuần, giám đốc một công ty chủ động liên lạc muốn dành cho cô một chỗ làm ở phòng tài vụ. Ngoài “mối” ấy, có bạn cũng hứa sẽ xin giúp Thuần một chỗ làm trong cửa hàng bán đồ handmade cho người nước ngoài ở Hồ Tây. Công việc không áp lực lại được thực hành ngoại ngữ làm Thuần thấy hứng thú.
Chặng đường phía trước còn gian nan, Thuần vẫn rất lạc quan. Ảnh: NVCC.
Trong thời gian chờ đợi, cô tranh thủ học thêm tiếng Anh buổi tối và ôn luyện vốn tiếng Nga từ thời học chuyên cấp 3. Hiện tại, cô sống cùng anh và em họ trong một căn hộ gần Bệnh viện Huyết học. Sắp tới đi làm, cô dự tính sẽ ra ngoài thuê phòng trọ để tự lập.
“Trước đây em chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ trở lại được với cuộc sống như thế này. Suốt 7 năm trời, em chỉ biết tới thuốc men, những cơn đau và cả suy nghĩ tuyệt vọng mà không có dự định gì cho mình. Bây giờ em bắt đầu lại, dẫu chậm nhưng vẫn còn mục đích để vươn tới”, Thuần tâm sự.
Năm 2005, khi đang là sinh viên năm nhất khoa Tài chính Ngân hàng (ĐH Quốc gia Hà Nội), Thuần phát hiện mình bị ung thư máu. Suốt 4 năm đại học, Thuần ghi lại những lần vào viện, tâm trạng và cả câu chuyện về các bệnh nhân vào nhật ký. Từ năm 2010, bệnh trở nên nặng hơn, Thuần mới bắt đầu viết nhiều vì sợ cái chết, cô đơn và nỗi đau. Cuốn tự truyện Như hoa hướng dương của Thuần ra đời trong những cơn đau như vậy.
Tháng 9/2012, cô gái ung thư viết tự truyện được đưa vào phòng phẫu thuật. Đầu trọc, nước da đen sạm, bủng beo, khắp mặt và người, lông măng mọc đầy do tác dụng của thuốc, “bông hướng dương” ấy vật vã trong đau đớn khi một mình nằm trong phòng cách ly suốt nhiều tháng. Ca ghép tủy của Thuần được đánh giá thành công và từ đó, cuộc sống bắt đầu “nảy nầm” trong nữ sinh quê Nghệ An này.
Một năm sau ngày phẫu thuật, cô gái có thân hình cò hương đeo ba lô, trang phục nhí nhảnh, tự tin phóng xe máy tới gặp bạn. Mái tóc đen cắt đầu nam mọc dài ôm lấy gương mặt gầy nhưng tươi tắn, Thuần trở lại với con người năng động, hay nói cười và vui vẻ trước đây. Cô chia sẻ, từ sau phẫu thuật đến giờ vẫn giữ nguyên “phong độ” về cân nặng 36 kg do bị viêm gan C.
Kể về cuộc sống sau ca phẫu thuật thành công, “bông hướng dương” tỏ ra thoải mái và hạnh phúc. Không còn phải chịu đựng những cơn đau hành hạ, những lần xạ trị mệt mỏi, hiện cô đã chủ động được cuộc sống. Hàng ngày, cô tự làm việc nhà và nấu ăn. Phần lớn thời gian rảnh, Thuần sáng tác thơ hoặc may váy áo, chơi đàn guitar hay gặp gỡ bạn bè. Thỉnh thoảng, cô tự đi xe khách về Vinh thăm cậu mẹ.
Thời gian đầu mới phẫu thuật xong, Thuần luôn phải đội mũ vì đầu bị rụng hết tóc. Ảnh: Bình Minh.
Giờ cô ăn uống thoải mái và ngon miệng, cô vẫn phải kiêng một vài loại thịt đỏ và chủ yếu ăn nhiều củ, quả, đậu. Mỗi lần soi gương, Thuần không còn sợ hãi khi trông thấy hình ảnh mình như trước đây. Dừng dùng các loại thuốc đặc trị, da của cô sáng trở lại, tóc mọc dài và tinh thần phấn chấn. Hàng tháng, cô vẫn đến viện kiểm tra sức khỏe và chọc tủy ba tháng một lần. Hiện cô chỉ phải dùng thuốc điều trị viêm gan C.
Được sống thoải mái như bây giờ, Thuần không bao giờ quên khoảng thời gian ghép tế bào gốc nằm trong phòng vô trùng. Cô cho hay, căn phòng có lắp cửa kính chỉ có bên trong nghe được phía ngoài. Có lần đau quá, yếu không cất tiếng gọi mẹ được, Thuần phải dùng mọi cách “đánh kẻng” để mẹ nghe thấy.
Trong phòng vô trùng, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, người nhà không được đi vệ sinh hay mang đồ ăn bên ngoài vào. Vệ sinh cá nhân và ăn uống là những đường vi khuẩn dễ xâm nhập nên Thuần được yêu cầu kiêng nghiêm ngặt. Cơ thể yếu khiến Thuần mệt mỏi, khó chịu và luôn nổi cáu với mọi người xung quanh. Nằm trong phòng cách ly, cô không ăn uống được gì do họng đau rát, lở loét. Còn lại một mình, gặm nhấm nỗi đau, lắng nghe những bệnh nhân như mình rên rỉ, cô đã nghĩ “không làm phẫu thuật có lẽ sẽ tốt hơn”.
“Đó là thời gian em muốn chết nhất. Trong người lúc nào cũng cảm thấy bí bách, muốn làm nhiều việc mà không thể. Thế rồi cảm giác muốn sống dần thức lại trong em khi sức khỏe ngày một khá hơn. Em từng mong mình khỏe để đi xin việc. Giờ em sắp thực hiện được ước muốn ấy của mình rồi”, Thuần nói.
Với Thuần, điều khiến cô vẫn áy náy là chưa vào thăm được người bạn trong nhóm “toàn xương” ở Đăk Lăk. Sau khi ra viện, cô tham gia vào hội những người yêu thơ gồm các bệnh nhân bị bệnh, gày gò, ốm yếu. Hứa với người bạn này đã lâu nhưng do điều kiện chưa cho phép nên Thuần không dám đi một mình. Cô tính đợi thêm một thời gian nữa khi sức khỏe tốt sẽ thực hiện chuyến đi ấy.

Trong thời gian chờ đi làm, Thuần thích tự may váy áo cho mình. Ảnh: NVCC.

Nhắc đến bạn bè, “hoa hướng dương” không khỏi chạnh lòng, sốt ruột. Bạn đại học đều đã có công việc ổn định, còn bạn thời phổ thông cũng gần như đã lập gia đình cả. Thời gian nằm viện, cô tiếc vì không thể tới dự lễ cưới của nhiều bạn bè. Giành lại sự sống, ngoài sức khỏe và công việc, Thuần cũng thầm mong có tình yêu. Chứng kiến câu chuyện hạnh phúc kỳ diệu của các cặp trai gái trong nhóm “toàn xương”, cô ước may mắn ấy cũng sẽ đến với mình.
“Sự sống và cái chết chưa biết thế nào nên em muốn sống cho mình, muốn yêu và được yêu”, Thuần tâm sự.
Muốn được làm những gì mình thích trong tình yêu nhưng Thuần lại sợ thành người ích kỷ. Thoáng chút tự ti, “bông hướng dương” cho rằng mong muốn là vậy nhưng liệu có chàng trai và gia đình nào chấp nhận một cô gái bệnh tật như cô.
Theo Thạc sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, mọi xét nghiệm sau ghép của Thuần đều ổn. Sau khi dùng thuốc ức chế miễn dịch, Thuần có biến chứng ghép chống chủ ở da nhưng mức độ nhẹ. Với bệnh của Thuần, có ghép chống chủ ấy cũng là tốt vì tạo được phản ứng giúp bệnh lui thêm.
Hàng tháng, bệnh nhân ghép vẫn phải vào viện để kiểm tra. Ở trường hợp của Thuần có khó khăn là bệnh nhân bị viêm gan C, bởi vậy bác sĩ vẫn phải theo dõi sát sao gan. Sau một năm nếu máu ổn hoàn toàn, Thuần sẽ được chuyển sang chuyên khoa ở bệnh viện truyền nhiễm để kết hợp điều trị viêm gan C.
“Trong quá trình điều trị, tinh thần của Thuần ổn định và luôn lạc quan. Những bệnh nhân như Thuần, càng được ghép sớm sau khi được chỉ định càng tốt. Tuy nhiên, Thuần bị bệnh quá lâu mới ghép lại thêm bệnh viêm gan C nên chúng tôi chưa thể nói trước được điều gì”, bác sĩ Bình chia sẻ.
Theo vnexpress.net
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!