Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Vị “sứ giả đỏ” của những người bệnh

Sáng 2/11/2022 vừa qua, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tổ chức Lễ trao Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho ông Lê Đình Duật (Tổ dân phố số 10, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) do gần 23 năm qua ông đã vận động được hơn 1.000 lượt người tham gia hiến máu.

Ông Võ Đăng Dũng – Chủ tịch UBND quận trao Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho ông Lê Đình Duật

Hết mình vận động hiến máu cứu người

Trong thư khen, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động khi biết ông Lê Đình Duật (80 tuổi), một người lính đã vượt qua những khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, dù đã nghỉ công tác từ năm 1991 nhưng vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động tại địa phương, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện.

“Những giọt máu hồng mà gia đình bác và bao người hiến máu tình nguyện đã trao tặng cho cuộc đời những mầm sống, thắp lên ngọn lửa của lòng nhân ái, yêu thương và trách nhiệm. Việc làm của bác tiêu biểu cho trăm ngàn việc làm tốt đẹp, thầm lặng mà cao cả đang từng ngày, từng giờ diễn ra trên đất nước, làm đẹp thêm truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc; phát huy vai trò, phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, người cựu chiến binh Việt Nam, người cao tuổi Việt Nam gương sáng, chí bền” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết trong thư khen. Gần 23 năm qua, ông Lê Đình Duật và gia đình đã không ngại khó khăn, xung phong đi trước, kiên trì, tâm huyết, trách nhiệm với phong trào, vận động được hơn 1.000 lượt người tham gia hiến tặng hơn 1.000 đơn vị máu an toàn, góp phần cứu sống hàng ngàn người bệnh.

Căn phòng nhỏ trên tầng 4 khu tập thể ngõ 328 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) của ông Duật treo đầy giấy khen, bằng khen và hình ảnh ông cùng gia đình đi hiến máu. Nhớ lại những ngày đầu đi vận động người thân, bạn bè, ông xúc động kể: “Tôi sinh năm 1943 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Nam Thượng, xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Năm 1963, tôi nhập ngũ và được kết nạp Đảng. Năm 1966, trong một lần đơn vị hành quân qua trạm quân y của Quân khu IV, đồng chí trạm trưởng đề nghị chúng tôi cho máu để cứu một số anh em thương binh nặng. Tuy đang vội, nhưng trước sinh mạng của đồng chí đồng đội và ánh mắt cầu khẩn của đồng chí trạm trưởng, chúng tôi không thể từ chối.

Sau khi kiểm tra sức khỏe và làm các thủ tục cần thiết thì chỉ có 4 đồng chí trong đó có tôi là đủ điều kiện cho máu. Khi chia tay, đồng chí trạm trưởng nói, tiếc quá, nếu các đồng chí còn lại cũng đủ điều kiện cho máu thì sẽ có thêm thương binh nặng được cứu sống. Dù không phải việc của mình nhưng tôi cứ áy náy mãi. Tôi cho đó là món nợ với đồng đội. Tháng 6-1967, khi đang chiến đấu bảo vệ Hà Nội, tôi được tin bố vợ tương lai qua đời do bị một mảnh bom Mỹ làm đứt một bên đùi và lúc đó bệnh viện không có máu để truyền. Do không có máu mà đồng đội, đồng bào và người thân của tôi đã phải từ giã cõi đời. Đó là món nợ của tôi, tôi nợ cuộc sống của cộng đồng, nợ đồng chí, đồng đội và nợ cả những người bệnh cần máu cho cuộc hồi sinh của họ. Món nợ này tôi nhất định phải trả”.

Phần thưởng cao quý và trách nhiệm nặng nề

Năm 1991, khi được nghỉ chế độ, về sinh sống tại phường Thanh Xuân Trung, ông Duật được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường. Ông cho biết, đây là điều kiện để ông thực hiện tâm nguyện trả “món nợ” mà bản thân ấp ủ lâu nay.

Năm 1999, ngay khi có phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương, ông Duật đã đăng ký tham gia ngay. Tuy nhiên, do huyết áp thấp nên việc hiến máu của ông bị từ chối. “Tôi rất buồn, nhưng chả lẽ lại bó tay” – ông Duật tâm sự. Không được hiến máu, ông quyết định đi vận động gia đình và mọi người tham gia việc làm cao đẹp này. Thời gian đầu, việc tuyên truyền của ông gặp không ít khó khăn do mọi người chưa hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu. Tuy nhiên, ông nghĩ mình không thể bỏ cuộc, càng khó khăn càng phải tìm cách tháo gỡ: “Chả lẽ là bộ đội Cụ Hồ về với đời thường lại thất bại, chịu thua trước bức tường nhận thức và định kiến của xã hội về việc hiến máu. Người ta nói cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Mình đi vận động nhân dân mà mình không làm là không được”.

Đến nay, sau gần 23 năm, ông Duật đã vận động được hơn 1.000 lượt người tham gia hiến tặng hơn 1.000 đơn vị máu an toàn, góp phần cứu sống hàng ngàn người bệnh. Trong ảnh là ông Lê Đình Duật cùng vợ và 2 con gái tại chương trình gặp mặt các gia đình hiến máu tiêu biểu do Viện Huyết học – Truyền máu TW tổ chức.

Nghĩ là làm, ông về vận động các thành viên trong gia đình của mình để làm gương. Rất may là khi ông Duật chia sẻ thì cả gia đình đều nhiệt tình hưởng ứng. Năm 2000, con gái thứ 2 của ông tham gia hiến máu trước. Trong những năm tiếp theo, vợ, con gái cả và con trai út của ông cũng bắt đầu tham gia. Đến nay, 5 thành viên trong gia đình ông đã hiến được gần 200 đơn vị máu an toàn. Cụ thể, vợ ông hiến được 13 đơn vị máu, con gái cả hiến 15 đơn vị, con gái thứ hai hiến được 93 đơn vị máu, con trai út hiến 80 đơn vị máu.

Con trai út của ông Lê Đình Duật là anh Lê Quyết Thắng được tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Không dừng lại trong gia đình, ông Duật còn kiên trì đi vận động thêm các em, các cháu ở quê ra Hà Nội học tập, công tác cùng tham gia. Các cháu thanh niên, học sinh, sinh viên và cả những người trung niên trong khu phố nơi ông sinh sống đều hưởng ứng sự vận động của ông, tích cực tham gia hiến máu. Đến nay, sau gần 23 năm, ông Duật đã vận động được hơn 1.000 lượt người tham gia hiến tặng hơn 1.000 đơn vị máu an toàn, góp phần cứu sống hàng ngàn người bệnh. Căn nhà nhỏ của ông bà đã trở thành “địa chỉ đỏ” của những người tham gia hiến máu.

Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, với đồng lương hưu ít ỏi, ông bà vẫn trích ra một phần mua đường, sữa bồi dưỡng thêm cho những người hiến máu. Ông bảo: “Như vậy, bước đầu tôi đã thực hiện được tâm nguyện của mình là trả “món nợ” cho đồng đội và đồng bào mình. Song, máu cứu người còn cần rất nhiều nên tôi vẫn phải tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn sức nữa mới thôi. Trong tuyên truyền, tôi vẫn nêu thông điệp với mọi người, nhất là thế hệ thanh niên: “Ai ơi, máu quý hơn vàng/ Nhưng đừng vì thế bàng quan với đời/ Hãy bớt một phần máu tươi/ Ở trái tim đỏ cứu người hiểm nguy/ Nếu cứu được hãy cứu đi/ Ân nghĩa đời sẽ trả khi bạn cần”.

Lật giở những bằng khen, giấy khen của cả gia đình, ông trầm ngâm: “Đây là vinh dự lớn, là phần thưởng cao quý mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến. Nhưng tôi càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn”.

Với những đóng góp quan trọng trong phong trào hiến máu tình nguyện, ông Duật cũng như các thành viên trong gia đình đã nhiều lần nhận được bằng khen, giấy khen của UBND TP Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam… Ngày 24/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết định tặng Bằng khen cho gia đình ông. Gia đình ông 5 người thì có 3 người được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”. Ngoài ra còn có danh hiệu: “Gia đình hiến máu tiêu biểu Việt Nam”, “Gia đình Anh hùng của người bệnh”, “Gia đình có 3 thế hệ hiến máu tình nguyện”.

Theo báo An ninh Thủ đô

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan