Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Viện trưởng Bạch Quốc Khánh: “Bóng hồng quanh tôi rất nhiều.”

Nhà báo Hà Sơn: Anh làm nghề y, vợ anh cũng làm nghề y, tình yêu của anh chị là tự nhiên hay xuất phát từ việc làm cùng nghề hay nghề nghiệp dẫn lối, thưa anh?

TS Bạch Quốc Khánh: Thật ra nghề nghiệp dẫn lối nhiều hơn bởi nhìn rộng lên có rất nhiều các anh các thầy thế hệ trước tôi, thế hệ của tôi và sau tôi là các bác sĩ lấy nhau. Nghề y của chúng tôi khá vất vả, sẽ phải đi sớm về muộn, phải trực nên ở khía cạnh nào đấy ngay từ khi học trong trường sinh viên trường y cũng vất vả hơn so với các trường khác.

Giao tiếp của sinh viên trường Y với trường khác rất ít bởi dành nhiều thời gian cho học tập và đi thực tập ở bệnh viện, nhất là chúng tôi theo đuổi chương trình đào tạo bác sĩ nội trú, 24/24 ở bệnh viện. Đúng là chỉ tìm kiếm các cô ở trong trường Y thôi. Thứ hai thời gian học lâu quá, tính cả thời gian học nội trú là 9 năm. Khía cạnh nữa thật sự công việc bận rộn như vậy, nếu vợ cũng làm bác sĩ sẽ chia sẻ với mình được nhiều bởi không làm cùng ngành khó để hiểu hết những khó khăn mình phải đối mặt trong môi trường của y tế về việc giờ giấc làm việc, việc đi trực hoặc nửa đêm bị gọi, sáng sớm bị gọi hoặc thứ 7, Chủ Nhật cũng gọi chẳng hạn.

Tôi nghĩ không làm ngành Y cũng rất khó để hiểu nên cũng bắt chước những thầy cô những thế hệ đi trước tìm kiếm một cô trong nghành Y để yêu và lấy với mong muốn cuộc sống gia đình sẽ dễ chịu hơn. Tụm chung lại làm ngành y, tốt nhất yêu và lấy người ngành y.

Nhà báo Hà Sơn: Việc chinh phục chị nhà có khó khăn không anh?

TS Bạch Quốc Khánh: Cũng không khó lắm. Mình cũng giống như các bạn chinh phục nhưng cũng không phức tạp như đi chinh phục một cô ở một ngành khác, ví dụ như là phóng viên báo chí… thì rất là khó… (cười). Với bà xã, tôi cũng không bị căng thẳng lắm.

Nhà báo Hà Sơn: Nếu không quá bí mật anh có thể tiết lộ thêm về chị nhà?

TS Bạch Quốc Khánh: Vợ tôi hiện nay đang làm ở Viện K. Chúng tôi học cùng khóa và có nhiều khoảng thời gian học cùng với nhau. Khóa của tôi có 4 lớp, mỗi lớp 80 sinh viên, thường lớp A lớp B học cùng với nhau về mặt lý thuyết nên gần như 3 năm đầu chúng tôi học lý thuyết cơ bản lại chưa phải đi bệnh viện để học và gần nhau.

Nhà báo Hà Sơn: Một số đồng nghiệp nói rằng cuộc sống của vợ chồng anh vẫn rất hạnh phúc sau nhiều năm chung sống, vậy bí quyết là gì, thưa anh?

TS Bạch Quốc Khánh: Bí quyết đầu tiên như tôi đã nói là hãy yêu một cô thuộc ngành Y. Trong viện tôi hiện nay có khoảng 900 cán bộ viên chức trong đó có 100 cặp là vợ chồng cùng làm việc ở trong viện và rất nhiều trường hợp chồng làm ở viện này vợ làm ở viện khác.

Tôi nghĩ rằng để có hạnh phúc phải hết sức chia sẻ trong cuộc sống của gia đình cả hai đều có nhu cầu phát triển sự nghiệp, vấn đề ở đây chúng ta chia sẻ công việc như thế nào cho tốt nhất để đảm bảo công việc chung, ở cơ quan bệnh viện và bên cạnh đó cũng rất bình đẳng với nhau trong các cuộc đối thoại, có người lùi người tiến trong sự hợp lý.

Một vấn đề tôi cho rằng cũng không kém phần quan trọng là luôn luôn có những động viên dù rất nhỏ nhưng làm cho những khó khăn ở cơ quan, bệnh viện giảm bớt đi. Đó là điều chúng tôi cố gắng duy trì, một khía cạnh nữa các cụ bảo vợ chồng bằng tuổi dựa cột mà ăn nên chúng tôi thấm nhuần câu đó có lẽ mới hạnh phúc…

Nhà báo Hà Sơn: Là người quan hệ rộng, lại có tri thức, trong xã hội không ít người thầm ngưỡng mộ, có khi nào trong cuộc sống anh xao lòng trước một bóng hình khác?

TS Bạch Quốc Khánh: Ôi nhiều chứ… (cười). Một người đàn ông không xao động trước các bóng hồng thì không ổn lắm. (cười). Xung quanh tôi có rất nhiều bóng hồng…

Nhà báo Hà Sơn: Nhưng làm sao để cân bằng…

TS Bạch Quốc Khánh: À, tất nhiên nếu mình có khả năng kết bạn cứ làm bạn như những người bình thường khác ví dụ như nhân viên Viện tôi, có nhiều bóng hồng lắm mình vẫn là những người đồng nghiệp và những người bạn rất vui vẻ nhưng phải có những giới hạn giữ bởi nếu phá vỡ những giới hạn sẽ phá vỡ nhiều câu chuyện đằng sau giới hạn đó. Thậm chí anh sẽ phá vỡ những gì đã dày công xây dựng về phía gia đình cũng như sự nghiệp.

Nhà báo Hà Sơn: Anh làm nghề y, vợ cũng vậy. Thường ngày 27/2, anh chị có tặng quà hay dành tình cảm đặc biệt cho nhau hay sẽ đón nhận niềm vui từ người ngoài?

TS Bạch Quốc Khánh: Tôi cũng nhiều lúc làm cho vợ những thói quen không được hay lắm. Nghĩa là quà không bắt buộc 8/3 hay 20/10 hay 27/2 mới tặng mà lúc nào thấy muốn tặng thì tặng tất nhiên sinh nhật cô ấy không thể không tặng quà được. Bản thân vợ tôi cũng là người không quá căng thẳng trong chuyện tặng hoa trong ngày 8/3, 20/10, 27/2…

Nhà báo Hà Sơn: Nhiều bác sĩ thường than phiền con họ không theo nghề y vì vất vả. Anh có hai con trai, chỉ có một cậu theo bố mẹ chút ít, còn một làm kiến trúc sư, anh chia sẻ gì về hai con trai?

TS Bạch Quốc Khánh: Cậu lớn con tôi năm nay 28 tuổi, là người cởi mở và sinh hoạt mang tính chất xã hội nhiều ngay từ hồi còn đi học phổ thông có năng khiếu về vẽ nên quyết tâm theo đuổi kiến trúc sư. Một trong những điều chúng tôi rút kinh nghiệm là không nên áp đặt. Cậu thứ hai năm nay 22 tuổi, lại ngược cá tính ngược với anh, sống nội tâm và có tố chất của một người làm trong công tác nghiên cứu, xét nghiệm. Cậu ấy làm việc gì say mê sẽ tìm hiểu rất kỹ, vào mạng tìm tài liệu, sách nhưng vì quá kỹ và cũng không phải quá nhanh nên tôi nghĩ nếu làm bác sĩ như bố sẽ gặp một số khó khăn bởi người bác sĩ bên cạnh tìm hiểu phải có những xử lý nhanh chóng.

Khi chúng ta cấp cứu một người bệnh mà tìm hiểu quá kỹ sẽ rất mất thời gian và nhiều khi bỏ qua cơ hội cho người bệnh. Vì vậy cậu thứ hai muốn học về sinh học tôi có tìm hiểu một chuyên ngành y sinh học hướng cho con. Y sinh học dạy cho sinh viên học về những môn học mà nền tảng là sinh học nhưng phục vụ cho Y học, có nghĩa là nghiên cứu về tế bào gốc, về đột biến di truyền. Con trai tôi cũng đang làm thạc sĩ về chuyên ngành đó.

Nhà báo Hà Sơn: Sở thích của anh sau những giờ làm việc căng thẳng là gì?

TS Bạch Quốc Khánh: Thật ra một trong những sở thích tôi muốn làm đó là trở về nhà sau khi làm việc, có thể là sớm, có thể là muộn nhưng kiểu gì tôi cũng phải trở về nhà.Về nhà có một không gian rất khác, nó đem lại cho mình sự thư giãn tuyệt vời, ví dụ như nghe nhạc hay xem phim hoặc có thể đọc sách hay vào mạng đọc tài liệu chẳng hạn.

Nhà báo Hà Sơn: Anh hay nghe nhạc của ai?

TS Bạch Quốc Khánh: Tôi nghe chủ yếu nhạc Pop và cũng nghe các ca khúc cách mạng, vì ngày xưa còn nhỏ lúc đang chiến tranh mình nghe loa phường hát không có cảm nhận nhiều về những bài hát đó nhưng đến bây giờ được nghe lại mới thấy những bài hát hay thật.

Nhà báo Hà Sơn: Anh nghe nhạc vậy có hát được không?

TS Bạch Quốc Khánh: Riêng hát tôi chịu rồi, đó là một trong những cái rất kém và mỗi khi tổ chức liên hoan mà đến tiết mục hát là tôi xin phép đi về vì không biết hát.

Nhà báo Hà Sơn: Với nghề nghiệp, còn khát vọng nào anh mong muốn chinh phục bằng được?

TS Bạch Quốc Khánh: Hiện nay về lĩnh vực truyền máu, một trong những điều tôi muốn mình phải cùng với anh em thực hiện bằng được đó là có được một phong trào hiến máu tình nguyện bền vững, hiệu quả và có chất lượng, tức là người dân hiểu được việc hiến máu tình nguyện và họ đi hiến máu đều đặn 2 lần/năm. Chẳng giấu gì bạn tính đến nay tôi cũng mới chỉ hiến máu hơn 20 lần so với nhiều đồng nghiệp như vậy vẫn còn là quá ít. Tôi nghĩ rằng mình cần phải làm việc này thường xuyên và nhiều lần hơn nữa.

Nếu mỗi người đều ý thức tham gia hiến máu thường xuyên thì chúng ta sẽ đạt tỉ lệ hiến máu nhắc lại tăng lên từ 50-60% vì hiện tại bây giờ chỉ khoảng độ 10-20%. Làm được điều này chúng ta sẽ có một phong trào bền vững. Đấy là điều tôi rất mong muốn bởi không có máu đồng nghĩa với các hoạt động cấp cứu và điều trị bị ngưng lại. Như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Còn về huyết học hiện nay trên thế giới người ta đang phát triển những kỹ thuật gọi là miễn dịch tế bào trị liệu dành cho những bệnh nhân bị ung thư máu, và kỹ thuật hứa hẹn nhiều tương lai trong việc có thể điều trị khỏi những bệnh máu ác tính và mặc dù họ đang thử nghiệm và mặc dù đó là những kỹ thuật rất đắt tiền nhưng tôi cũng rất muốn trong vòng vài năm tới Viện có thể chuyển giao và tiếp nhận những công nghệ và kỹ thuật đó từ nước ngoài và ứng dụng với chi phí hợp lý cho bệnh nhân ở Việt Nam.

Theo báo Vietnamnet

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan