Viện trưởng Bạch Quốc Khánh: “Nhiều việc làm của các bác sĩ khiến tôi xúc động”
Nhà báo Hà Sơn: Vì sao anh lại học và làm bác sĩ? Có phải vì bố anh, GS Bạch Quốc Tuyên – Viện trưởng đầu tiên và là người đã có công thành lập, xây dựng ngành Huyết học – Truyền máu đã khơi gợi cho anh?
T.S, bác sĩ Bạch Quốc Khánh: Thực ra những năm 70-80, việc các con đi theo nghề của cha mẹ gần như thành truyền thống trong xã hội của chúng ta. Đó là một trong những lý do bố muốn tôi theo nghề y – nghề mà ông đã đam mê và theo đuổi rất nhiều năm. Đây là một trong những lý do chính bố thúc đẩy tôi tham gia thi vào ĐH Y khoa Hà Nội. Nếu so sánh nó cũng giống như hôn nhân ngày xưa, lúc đầu tiên cha mẹ giới thiệu hai bên chúng ta lấy nhau và dần dần chinh phục lẫn nhau và yêu thương nhau. Đối với ngành y, với chuyên khoa Huyết học truyền máu nó cũng gần gần như vậy.
Nhà báo Hà Sơn: Khi còn nhỏ anh nghịch ngợm và điều này đã nhiều lần làm bố đau đầu… nhưng chính bố – người nghiêm khắc nhất, yêu thương nhất ấy lại là người hướng con trai tiếp cận những cuốn sách bằng tiếng Anh từ khi còn rất bé và gieo cho con tình yêu với nghề y thật đẹp đẽ?
T.S, bác sĩ Bạch Quốc Khánh: Thời kỳ đó so với các cháu bây giờ để giải trí không có gì nhiều. Chúng tôi chỉ có những trò chơi trên đường phố, tivi có khi cả phố mới có một nhà có. Vì vậy xét về góc độ sinh hoạt ngoài xã hội, với hàng xóm hay tất cả các thứ cũng có khá nhiều. Chúng tôi thời đó có những trò nghịch ngợm mà các cháu bây giờ không có.
Còn về ngoại ngữ tôi nghĩ bố tôi đã có những định hướng sâu sắc bởi ông cũng là người được tiếp cận với các hợp tác quốc tế rất sớm và thấy rằng nếu không có ngoại ngữ chúng ta rất khó phát triển được nghề nghiệp của mình. Thật ra, lúc đầu tiên tôi cũng bị bắt hoc tiếng Anh và hồi đấy cũng không phải học như các cháu bây giờ, tức là có những quyển sách mà học những từ rất đơn giản, cứ quanh đi quẩn lại với những từ ấy. Tôi nghĩ rằng bây giờ chúng ta cho các cháu học từ rất sớm rất có giá trị.
Nhà báo Hà Sơn: Bài học nào từ bố anh thấy thấm thía nhất? Anh có nhớ những những trận đòn từ bố?
T.S, bác sĩ Bạch Quốc Khánh: Những trận đòn, nhiều đấy và tôi rất nhớ. Thật ra lúc tôi còn bé, khi còn học lớp 1,2,3 hồi ấy chị lớn học bên Ru- ma- ni, chị thứ hai học trường Y, mẹ tôi cũng phải đi công tác khá thường xuyên vì dạy Tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài. Chỉ có mình tôi với bố tôi ở nhà, sẽ có những lúc mình được nghỉ học, đặc biệt dịp hè hay bị nhốt trong nhà. Nhà tôi ở tầng 2 bị nhốt ở trong nhà chơi mãi cũng chán nên trèo ra ban công. Chính những chuyện nghịch ngợm ấy tôi bị đánh đòn khá bình thường.
Tôi nghịch đến độ bị ăn mắng, đòn roi như vậy mà không sửa. Bố có lúc bực quá mắng: “Mày không biết tự trọng là gì à?”, lúc ấy tôi thưa lại bố: “Con cũng không biết tự trọng là gì”. Sau này mọi người nói lại câu chuyện ấy mãi. Tôi nghĩ tất cả những câu chuyện ở giai đoạn ấy đóng vai trò rất quan trọng. Các cụ vẫn nói yêu cho roi cho vọt, có lẽ cũng phải nghiêm khắc như thế bố mẹ mới rèn rũa tôi thành con người không bị quá đà trong các việc.
Nhà báo Hà Sơn: Gần 30 năm gắn bó với nghề Y, những bác sĩ yêu nghề như anh sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn?
T.S, bác sĩ Bạch Quốc Khánh: Nghề y của chúng tôi mặc dù có rất nhiều phương tiện hiện đại hay được đào tạo bài bản, đọc rất nhiều sách, thế nhưng kinh nghiệm cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chính vì thế những người thầy của chúng tôi ở trong ngành y bao giờ cũng hết sức được tôn trọng bởi khi gặp các ca khó thường chúng tôi tìm đến các thầy để hỏi. Có những trường hợp chúng ta chỉ gặp một lần trong đời nhưng sẽ nhớ mãi.
Con người chúng ta là một thực thể hết sức hoàn chỉnh và cho đến thời điểm này, mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển nhưng cũng chưa thể hiểu hết được các diễn biến, hoạt động bên trong cơ thể chúng ta, nên ngành Y của chúng tôi vẫn còn rất nhiều vấn đề đang gặp phải trở ngại, những khó khăn. Tôi nói như căn bệnh ung thư chẳng hạn, để nói nguyên nhân chưa ai dám nói bởi nếu tìm được nguyên nhân đồng nghĩa với việc có thể phòng và chữa căn bệnh đó được.
Nhà báo Hà Sơn: Mọi người kể rằng những đồng nghiệp của anh nhiều người không chỉ làm chuyên môn giỏi mà nhiều người âm thầm làm thêm những công việc tưởng đơn giản nhưng mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho bệnh nhân, ví dụ như có những bác sĩ cắt tóc cho rất nhiều bệnh nhân ung thư. Anh chia sẻ gì về các đồng nghiệp của mình?
T.S, bác sĩ Bạch Quốc Khánh: Đồng nghiệp của tôi rất nhiều và có những việc làm của họ làm tôi rất xúc động. Đôi khi chỉ là những công việc hết sức nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với người bệnh. Lĩnh vực điều trị bệnh nhân bị ung thư, giá trị tinh thần chiếm đến 50% trong hoạt động điều trị của người bệnh. Vì vậy những hành động rất nhỏ của các nhân viên y tế, từ bác sĩ đến điều dưỡng mang lại những giá trị tinh thần rất lớn.
Tôi thường động viên, khuyến khích các anh chị em đồng nghiệp làm sáng tạo và phát huy hoạt động đó, ví dụ như cắt tóc cho bệnh nhân chẳng hạn hay tập yoga cho người bệnh, tổ chức những lớp học vẽ cho các cháu thiếu nhi cũng như những buổi nói chuyện tâm lý đối với người bệnh.
Nhà báo Hà Sơn: Là một trong những người khởi xướng ra ngân hàng gốc cuống rốn điều trị ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bị ung thư máu. Anh chia sẻ lý do theo đuổi và giám sát ý tưởng được cho là thiết thực này?
T.S, bác sĩ Bạch Quốc Khánh: Tôi không phải là người có ý tưởng đó. Ý tưởng đó xuất phát từ GS Nguyễn Anh Trí, người thầy, người anh và là người tiền nhiệm của tôi. Lúc đó, ý tưởng của anh Trí là đi tìm những tế bào gốc để ghép cho những người bệnh, bởi nguồn đầu tiên ghép cho người bệnh là anh chị em ruột nhưng để những bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn có anh chị em ruột phù hợp chỉ khoảng 20-25%, còn lại 75% nếu ghép có thể chữa khỏi bệnh đó hoặc kéo dài lâu cuộc sống của người bệnh.
GS Trí rất đắn đo, ưu tư trong việc tìm kiếm thêm những nguồn tế bào gốc khác để có thể giúp cho 75% bệnh nhân khác cũng có cơ hội tiếp cận với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài. Trên thế giới, người ta có thể có nguồn từ người hiến tủy, nhưng để xây dựng nguồn, chúng ta có thể chọn một trong số đó để phù hợp với người bệnh để ghép thì phải xây dựng một ngân hàng dữ liệu, có khi phải tới 500.000 – 1 triệu người.
Để làm được việc đó cần có một lượng kinh phí rất lớn. Ở đây, chúng tôi nghĩ tinh thần thiện nguyện của người dân Việt Nam rất lớn nên việc tìm được 500.000 – 1 triệu người không phải là khó. Nhưng để có được kinh phí làm ra được ngân hàng dữ liệu đó thì là một nguồn kinh phí khổng lồ bởi những xét nghiệm phải làm để đưa vào những dữ liệu là những xét nghiệm rất đắt tiền. Thế nên, chỉ còn có nguồn thứ ba, đó là tế bào gốc máu dây rốn.
Tế bào gốc máu dây rốn phù hợp trong hoàn cảnh đất nước chúng ta hiện nay bởi máu dây rốn sau khi sinh ra cháu bé là bỏ đi và chúng ta hoàn toàn có thể xin những máu dây rốn đó để về điều chế thành những đơn vị tế bào gốc máu dây rốn. Tức là chi phí gần như không có cho đầu vào vì chỉ cần phải bỏ ra những chi phí làm xét nghiệm thôi.
Viện chúng tôi đã đầu tư một khoản tiền không nhỏ để tiếp nhận những mẫu máu dây rốn hiến từ những người sản phụ và điều chế nó thành những đơn vị máu dây rốn để cho đến ngày hôm nay, tức là độ khoảng gần 5 năm khi bắt đầu xây dựng ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn đó chúng tôi có khoảng gần 4000 đơn vị máu dây rốn và với 4000 đơn vị máu dây rốn ấy chắc chắn 100% lúc nào chúng tôi cũng có thể tìm thấy đơn vị máu phù hợp để ghép cho người bệnh.
Nhà báo Hà Sơn: Anh là bác sĩ có chuyên môn giỏi lại là người sếp được nhiều nhân viên yêu quý. Làm sao để ranh giới giữa “sếp” và nhân viên không có khoảng cách lớn, thưa anh?
T.S, bác sĩ Bạch Quốc Khánh: Tôi xuất thân từ bác sĩ, cũng là những cán bộ bình thường nên bản thân mình lúc trước như thế nào bây giờ vẫn như thế. Viện huyết học truyền máu trung ương bây giờ vẫn còn những điều dưỡng trước đây khi tôi về làm được vài ba năm thì các bạn ấy cũng về vẫn vui vẻ và bình đẳng trong tất cả mọi việc. Cho đến giờ phút này tôi cố gắng duy trì những mối quan hệ, tức là khi làm việc ở khía cạnh giữa thủ trưởng với nhân viên mình là thủ trưởng với nhân viên nhưng ngoài ra chúng ta đều là những người như nhau cả.
Ngoài giờ làm việc tôi cũng tham gia CLB Tenis cùng với các anh chị em ở trong Viện, tôi nghĩ đấy là những giờ phút sảng khoái, được vui chơi thoải mái với anh chị em. Thật ra, tôi nghĩ anh chị em trong Viện cũng không giữ khoảng cách với tôi, một điều mình dễ nhận ra đó là khi thang máy mở ra nhìn thấy tôi họ vẫn đi vào bình thường và chào cũng như trò chuyện không có gì ngại cả. Một người sếp đang ở trong tháng máy mà nhân viên nhìn thấy lại bảo thôi bác cứ đi đi thì có vẻ không ổn. Cho nên tôi thấy khoảng cách giữa tôi và anh em trong Viện chỉ là đồng nghiệp bình thường giống như giữa những người nhân viên y tế với nhau.
Nhà báo Hà Sơn: Lĩnh vực y tế nhiều năm qua luôn là tâm điểm của xã hội, bên cạnh những thành tựu, đóng góp được ghi nhận thì vẫn còn nhiều… hạn sạn. Anh nghĩ sao về câu nói: “Với ngành y, nói đến mục đích lợi nhuận phải chăng là làm hỏng chữ Đức, bóp méo lương y của người thầy thuốc”?
T.S, bác sĩ Bạch Quốc Khánh: Lợi nhuận nghe nó có vẻ kinh doanh nhiều hơn, nhưng ở một khía cạnh nào đấy nếu chúng ta không có lợi nhuận sẽ không thể nào duy trì được hoạt động của một đơn vị y tế và cũng không thể nào tiếp tục phát triển và ứng dụng những kỹ thuật mới trong y tế bởi hiện nay chúng tôi được nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế cho phép tự chủ về việc chi thường xuyên. Có nghĩa là, chúng tôi đang làm việc để có được nguồn kinh phí duy trì sự hoạt động của Viện, đồng thời trả lương cho các cán bộ viên chức ở viện.
Chúng ta làm, bỏ ra bao nhiêu thu về bấy nhiêu thì chỉ duy trì được chứ không thể nào phát triển được và mãi mãi dừng lại ở đó. Và chúng ta sẽ rất khó để nâng cao và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là ở các bệnh viện tuyến trung ương cũng như tuyến tỉnh. Ở đây nếu gọi là lợi nhuận thì chúng tôi làm lĩnh vực y tế chỉ mong muốn có khoản lợi nhuận đủ để duy trì các hoạt động và đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chứ khó có với mục đích là phải được lợi nhuận bằng mọi cách và không phải chiến đấu để có được hay phải dùng mọi biện pháp để có được lợi nhuận.
Theo báo Vietnamnet