Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Việt Nam tiếp cận nhiều phương pháp tiên tiến trong điều trị Hemophilia

Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, công tác chăm sóc, điều trị hemophilia (bệnh máu khó đông) ở nước ta vẫn đạt được những kết quả đáng kể, tiếp cận với những phương pháp điều trị mới nhất, tiên tiến của các nước phát triển.

 Xem thêm: Gia tài của người bệnh máu khó đông

Nhiều chế phẩm và liệu pháp điều trị mới được áp dụng

Theo TS.BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, tại Việt Nam, theo ước tính có trên 6.200 người bị hemophilia. Trong năm qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song số bệnh nhân được phát hiện mới vẫn tiếp tục tăng lên. Hiện nay, đã có khoảng 4.000 bệnh nhân được quản lý và điều trị, chiếm 60% tổng số người có hemophilia trên toàn quốc. Cùng với đó, mạng lưới điều trị hemophilia tiếp tục được mở rộng. Đến nay cả nước đã có 10 trung tâm hemophilia vệ tinh trải đều trên hầu hết các vùng miền, giúp người bệnh không phải đi xa.

Bên cạnh đó, chế phẩm điều trị cho bệnh nhân hemophilia luôn được cung cấp đầy đủ cả về số lượng và chủng loại. Nhờ duy trì tốt mối quan hệ hợp tác quốc tế, trong năm ngoái, Việt Nam vẫn nhận được trên 1,2 triệu đơn vị thuốc viện trợ, tương đương gần 175 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm ngoái, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận 4.410 lọ thuốc Emicizumab từ Liên đoàn Hemophilia Thế giới để điều trị miễn phí cho bệnh nhân hemophilia có chất ức chế hoặc hoặc chảy máu nặng. Đây là một chế phẩm rất mới trên thế giới, có hiệu quả cao trong việc dự phòng chảy máu cho người bệnh. “Bắt đầu từ 1/3 năm nay, chúng tôi đã áp dụng triển khai điều trị Emicizumab cho hơn 60 bệnh nhân hemophilia A có và không có chất ức chế mức độ nặng. Qua hơn 1 tháng điều trị, chúng tôi thấy lại hiệu quả tương đối tốt. Hơn 60 bệnh nhân thì chỉ có 1 bệnh nhân bị chảy máu thôi, còn tất cả mọi người đều có sức khỏe rất tốt.” – TS. Nguyễn Thị Mai thông tin.

TS. BS. Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW cập nhật những thông tin mới nhất  về điều trị, chăm sóc bệnh nhân bị hemophilia

Cùng với việc được sử dụng các chế phẩm mới, người bệnh hemophilia ở Việt Nam còn có hi vọng được tiếp cận với liệu pháp điều trị gene trong tương lai gần. Mục tiêu của liệu pháp gene là giảm hoặc loại bỏ nhu cầu tiêm yếu tố đông máu của bệnh nhân và giảm số lượng chảy máu. Với liệu pháp này, gene đột biến cung cấp yếu tố IX được chèn vào các tế bào của bệnh nhân bị bệnh Hemophilia B.

TS.BS Nguyễn Thị Mai cho biết, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã đề nghị được tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của một nghiên cứu trên thế giới về sử dụng gene để điều trị bệnh hemophilia B. Phía đối tác cũng đã hoàn tất việc khảo sát các điều kiện cho thử nghiệm này.  “Hemophilia là bệnh do tổn thương gene và để chữa trị thì chúng ta phải can thiệp vào chính cái gene tổn thương đấy. Hiện nay, với hemophilia B thì có thể triển khai gene trị liệu. Đã có những bệnh nhân được tiêm  từ 10 năm nay rồi và duy trì tương đối tốt, bệnh nhân hoàn toàn sống được bình thường và cũng không có biến chứng gì đặc biệt.” – TS Nguyễn Thị Mai giải thích.

 Xem thêm: Chăm sóc răng miệng ở bệnh nhân có rối loạn chảy máu

Hướng tới điều trị sớm và điều trị dự phòng tại nhà

Thay vì chỉ được điều trị khi đã chảy máu thì việc điều trị dự phòng (thường xuyên bổ sung các tác nhân đông máu để ngăn ngừa chảy máu) đang từng bước được triển khai tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, giúp người bệnh hạn chế được tình trạng chảy máu, phòng ngừa hiệu quả các biến chứng. TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội Rối loạn đông máu Việt Nam cho biết, điều trị chảy máu sớm tại nhà đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và được Liên đoàn Hemophilia Thế giới, Hội Hemophilia và Các rối loạn chảy máu châu Âu khuyến cáo.

Tại Việt Nam hiện nay, Bảo hiểm xã hội mới chi trả cho điều trị yếu tố đông máu tại bệnh viện. Người bệnh thường phải di chuyển đường xa mới được bổ sung yếu tố đông máu do đó việc điều trị bị chậm trễ dẫn tới tăng chi phí, tăng nguy cơ biến chứng.“Chúng tôi đã làm những nghiên cứu để so sánh giữa việc mà điều trị sớm tại nhà và điều trị tại viện thì chi phí cho những trường hợp được điều trị sớm tại nhà chỉ bằng 1/6 so với  chi phí bệnh nhân đến viện điều trị. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với  Bộ y tế và với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để chắc chắn là bệnh nhân sẽ được điều trị sớm tại nhà. Đấy là bước đầu tiên và bước thứ hai là tiến tới điều trị dự phòng tại nhà” – TS Bạch Quốc Khánh bày tỏ hi vọng.

 Xem thêm: Bệnh máu khó đông (Hemophilia) là gì và cách điều trị

TS. BS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW phát biểu tại chương trình giao lưu trực tuyến hưởng ứng ngày Hemophilia Thế giới (17/4)

Đồng thời, những năm gần đây, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân hemophilia được cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân được cung cấp các dịch vụ chăm sóc toàn diện, với các hoạt động phối hợp đa chuyên khoa như phục hồi chức năng, cơ xương khớp, phẫu thuật chỉnh hình để cải thiện biến chứng cơ, khớp; phối hợp với chuyên khoa sản, di truyền để chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán trước cấy phôi nhằm hạn chế sinh ra những em bé bị bệnh hemophilia. Theo thông tin từ Trung tâm Hemophilia – Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, đã có 8 em bé sinh ra khỏe mạnh nhờ sàng lọc trước chuyển phôi. Những kết quả đó đó là biết bao cố gắng, nỗ lực của các y bác sĩ vì một tương lai tốt đẹp hơn cho người bệnh.

Ngày Hemophilia Thế giới (17/4) là một sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm kết nối cộng đồng rối loạn chảy máu toàn cầu và cũng là dịp để toàn xã hội thể hiện sự quan tâm đến người bệnh. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương bị cách ly và giãn cách xã hội đã dẫn đến nhiều khó khăn cho người bệnh trong quá trình điều trị và trong cuộc sống. Vì vậy, cộng đồng rối loạn chảy máu là những người cần ưu tiên hỗ trợ để được chăm sóc, điều trị trong hiện tại và cả tương lai khi đại dịch kết thúc.

Với thông điệp “Thay đổi để thích nghi”, Liên đoàn Hemophilia Thế giới mong muốn: Ngày Hemophilia Thế giới năm 2021 sẽ là dịp để khẳng định rằng cộng đồng rối loạn chảy máu rất kiên cường và sẽ vượt qua thử thách mới này giống như đã vượt qua rất nhiều thách thức khác trong quá khứ.

Theo vov2.vov.vn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan