Vợ bệnh nhân ung thư máu vừa chăm chồng vừa tranh thủ đi làm thêm tại Viện
Khi hay tin chồng mắc bệnh ung thư máu, từ chỗ hoàn toàn suy sụp về tinh thần, kinh tế gia đình kiệt quệ, chị Ma Thị Lương (quê Bắc Kạn) đã cố gắng vượt qua để vừa chăm chồng, vừa đi rửa bát nhằm có thêm thu nhập lo cho gia đình. Dường như căn bệnh không thể làm gia đình anh chị gục ngã được. Điều này nghe có thể đơn giản, nhưng những ai đã từng trải qua cửa ải mang tên ung thư, mới biết được nó không chỉ là sự nỗ lực của bệnh nhân, mà ở sau đó là cả sự cố gắng không bỏ cuộc của người thân, gia đình.
Chị Ma Thị Lương đã chọn việc làm thêm ngay tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để vừa chăm sóc chồng vừa có thêm thu nhập
Anh Triệu Văn Thắng (SN 1978, Bắc Kạn) phát hiện bị ung thư máu từ năm 2015. Lúc đó, vợ chồng anh không muốn tin vào sự thật và ngày càng hoảng loạn, phó thác cho bác sỹ. Chị Lương (vợ anh Thắng) vừa lo lắng khi nhìn chồng suy sụp, mệt mỏi, vừa canh cánh nỗi lo khi cả gia đình không có bất cứ nguồn thu nào trong khi tiền điều trị và mua thuốc ngày càng nhiều, ở nhà lại còn hai con nhỏ đang ở độ tuổi đi học.
Chị xoay xở khắp nơi, về quê vay mượn người thân, nhưng rồi cũng không còn ai để vay được nữa. Chị Lương tuyệt vọng nghĩ: “Anh Thắng là trụ cột chính của gia đình giờ đây bệnh nặng như vậy, sau này biết phải làm như thế nào”. Nhưng rồi nghĩ đến chồng, đến 2 con còn nhỏ, chị buộc mình mạnh mẽ hơn, cố gắng hơn bởi nếu chị cũng gục ngã nữa thì chồng con còn biết dựa vào đâu.
Ngay trong những ngày chăm sóc chồng ở Viện, chị Lương đã cố gắng tìm việc làm với suy nghĩ: “Việc gì cũng được, dù vất vả bao nhiêu chị cũng sẵn sàng làm để lo cho chồng, cho con”.
Chị được Khoa Dinh dưỡng của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (nơi chồng chị đang điều trị) nhận vào làm công việc rửa bát theo giờ, để chị vừa có thời gian chăm chồng, vừa có thêm thu nhập. Công việc phải tuân theo quy trình, phải sử dụng máy sấy, máy rửa bát hoàn toàn xa lạ với một người phụ nữ chỉ biết gắn bó với ruộng đồng như chị. Ai cũng nghĩ chị chỉ làm tạm thời trong những ngày chồng nằm viện nhưng đến giờ, anh Thắng được ra Viện, chị vẫn xin ở lại để tiếp tục làm tiếp.
Chị Lương chia sẻ: “Ở đây, gần như tôi không mất kinh phí gì cả, bữa ăn và chỗ nghỉ đã có Khoa giúp đỡ, hàng tháng có thêm nguồn thu nhập ổn định gửi về cho các con đi học, lại đưa chồng đi khám định kỳ, tiết kiệm được rất nhiều. Ba năm chồng điều trị tại Viện cũng là thời gian tôi sống và làm việc ở đây. Tết năm ngoái tôi ở lại Viện làm việc không về nhà, từ lúc nào đấy tôi đã quen rằng đây chính là ngôi nhà thứ hai của mình. Một ngày nào đó, nếu chồng tôi trở lại Viện để điều trị tiếp, nhà mình ở đây rồi, lúc đấy anh ấy sẽ thấy yên tâm hơn”.
Rửa bát đũa là công việc làm thêm của chị Lương tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương
Bây giờ anh Thắng đi khám định kỳ về uống thuốc, chăm con ở nhà, kinh tế gia đình cũng ổn định hơn. Dường như căn bệnh không thể làm gia đình anh chị gục ngã được. Điều này nghe có thể đơn giản, nhưng những ai đã từng trải qua cửa ải mang tên ung thư, mới biết được nó không chỉ là sự nỗ lực của bệnh nhân, mà ở sau đó là cả sự cố gắng không bỏ cuộc của người thân, gia đình.
Điều trị ung thư là một hành trình dài và rất tốn kém, nên đối với mỗi gia đình có người thân mắc bệnh, việc chống chọi với ung thư không khác nào một cuộc chiến. Không những khó khăn về tinh thần, thiếu hụt về tài chính cũng chính là một trong những lý do khiến người bệnh bỏ cuộc giữa chừng. Nên không chỉ có người bệnh phải cố gắng, mà chính người thân trong gia đình cũng phải nỗ lực rất nhiều, để trở thành chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp bệnh nhân yên tâm điều trị.
Quỳnh Anh – Theo Sức khỏe & Đời sống