Vượt lên chính mình
“Tin tưởng có thể làm tốt, chắc chắn sẽ làm được”, Nguyễn Thị Hương (Tam Dương, Vĩnh Phúc) – Cô gái sống chung với căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) trong suốt 23 năm qua luôn tâm niệm như vậy. Hương đã có cuộc sống thành đạt hơn cả những người khỏe mạnh bình thường từ chính sự tự tin đó.
Gặp Nguyễn Thị Hương vào một buổi chiều sau khi quán ăn nhỏ của cô đã vãn vãn khách, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi dài gần 4 tiếng đồng hồ. Hương chia sẻ câu chuyện về cuộc sống khi biết mình mang bệnh, nhưng không đầu hàng số phận, không chờ đợi vào sự giúp đỡ của bất cứ ai, kể cả người thân. Hương đã tự vươn lên với suy nghĩ tích cực, lạc quan về cuộc sống; với nghị lực và quyết tâm có thể làm được tất cả.
Những bước ngoặt cuộc đời
Năm 13 tuổi, Hương biết mình bị bệnh Thalassemia, sức khỏe giảm sút, phải nghỉ học ở nhà. Bố mẹ cho Hương đi học may, coi như sau có nghề để kiếm sống. Ngay từ lúc đó, cô gái đã ý thức được việc “mình phải tự kiếm sống để nuôi mình, khi bố mẹ không ở với con cái cả đời được”. Học được nghề may, gia đình mở cho Hương một cửa hàng may nhỏ tại nhà. Cần cù, chịu khó, Hương làm nghề trong suốt 8 năm, tích cóp được lưng vốn kha khá, cô gái nghĩ đến việc làm để “tiền sinh ra tiền”.
Những năm 1999 – 2000, khi chính sách công nghiệp hóa phát triển mạnh ở Vĩnh Phúc, nhiều khu công nghiệp mới mọc lên, 20 tuổi, Hương nghĩ đến việc mua máy may dạy cho thanh niên trước khi họ vào làm việc ở các công ty may trong khu công nghiệp. Nhưng dự định không thành do sức khỏe không đảm bảo, Hương tính cách làm khác, “buôn đất”, mua rồi bán, cứ thế “lãi mẹ sinh lãi con”. Yêu thích công việc, say sưa với việc, giúp Hương quên đi bệnh tật.
Hương (ngoài cùng bên phải) và những người bạn trong Câu lạc bộ Cầu Vồng Đỏ
Năm 2008, một bước ngoặt lớn khác, khi Hương là người đầu tiên ở huyện Tam Dương xây dựng cơ sở vui chơi, giải trí, ẩm thực 5 tầng trên diện tích nền hơn 370m2. Đây là bước ngoặt thực sự trong “sự nghiệp” kinh doanh của cô gái gắn cuộc đời với bệnh viện. Thời điểm mới bước vào kinh doanh lớn, vì tham công tiếc việc, Hương bỏ điều trị liền 4 tháng, không đến bệnh viện truyền máu và thải sắt, sức khỏe Hương giảm sút hẳn, kèm theo đó là những biến chứng gây tổn thương gan. Đến lúc đó, Hương mới thực sự tin mình bị bệnh.
Có sức khỏe mới có thể làm việc được, kinh doanh được 5 năm, Hương chuyển lại cơ sở tại Vĩnh Phúc, về Hà Nội. Hương mở quán ăn nhỏ vừa tăng thêm thu nhập, vừa bớt đi lo lắng bệnh tật và quan trọng nhất là tiện cho việc thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ, không bỏ cuộc trong điều trị.
Bệnh tật cho tôi thêm nghị lực
Chia sẻ về cuộc sống, về công việc khi phải gắn cả đời với căn bệnh thalassemia nhưng không ca thán, dù có những lúc mệt mỏi, Hương vẫn giữ tinh thần lạc quan để vượt lên khó khăn. Với nhiều người, bệnh tật là gánh nặng, nhưng Hương biến đó thành cơ hội, “bệnh tật chỉ tiếp thêm nghị lực”. Sự nỗ lực mạnh mẽ còn giúp Hương tìm được hạnh phúc cho riêng mình, năm 2008, Hương lập gia đình cùng chàng trai Hà Thành. Đến nay, họ đã có một cậu con trai ngoan, thông minh. Rất may mắn cháu bé không mang gen bệnh, đó là điều hạnh phúc nhất giúp Hương tiếp tục nỗ lực vượt lên bệnh tật.
Hương hạnh phúc bên chồng con
Mỗi người đều bước đi trên đôi chân của chính mình, có thể dáng đi khác nhau, song điều đó không giới hạn cách họ tự làm chủ cuộc sống. Hương đã làm được điều đó, nhưng vẫn còn nhiều người bệnh thalassemia như Hương đang chật vật, khó khăn, chán nản, bỏ cuộc. Hương chia sẻ: “đã bị bệnh thì ai cũng vất vả, ai cũng có thể cho mình quyền được nghỉ ngơi. Những bệnh nhân thalassemia thì khác, điều trị xong, trở về nhà, họ vẫn có thể làm việc được thì nên tự vận động, tự tìm việc. Có như vậy, mỗi người mới tự tin, mới có chi phí đi điều trị và thậm chí giúp đỡ được mọi người”. Cũng từ ý nghĩ đó, Hương thực hiện bằng hành động cụ thể, trở thành một trong những tấm gương bệnh nhân vượt khó và tuân thủ tốt trong điều trị tại Trung tâm Thalassemia – Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Ai cũng có động lực để vươn lên trong cuộc sống. Động lực không ở đâu xa, chỉ đơn giản là những suy nghĩ tích cực về cuộc sống, là quyết tâm làm trọn vẹn công việc. Vượt lên chính mình bằng những nỗ lực không ngừng như một bí quyết thành công của Nguyễn Thị Hương. Một năm có 365 ngày, đó là tài sản quý để mỗi người có cơ hội thực hiện những ước mơ, dự định để thấy cuộc sống trở nên tốt đẹp, đáng trân trọng hơn.
Chi Mai – Ảnh: nhân vật cung cấp