Xét nghiệm mỡ máu: tầm quan trọng và ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm
Tình trạng mỡ máu cao đang là vấn đề đáng báo động trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Rất nhiều người quan tâm xét nghiệm mỡ máu có vai trò như thế nào? Ý nghĩa của các chỉ số mỡ máu? Cần lưu ý gì khi xét nghiệm mỡ máu? Chi phí xét nghiệm mỡ máu là bao nhiêu? Những câu hỏi đó sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây với sự tư vấn chuyên môn của BSCKII. Vũ Thị Hương, Trưởng khoa Hóa sinh, Viện Huyết học – Truyền máu TW.
Mỡ máu cao – vấn đề đáng báo động
Theo thống kê về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu vào năm 2019, rối loạn lipid máu (thường gọi là mỡ máu cao) gây ra gần 4,4 triệu ca tử vong, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu. Mỡ máu cao được xác định là một trong các yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh mạn tính không lây.
Ở Mỹ, trong giai đoạn từ năm 2015 – 2018, có 12% người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên có mức cholesterol tổng số cao hơn 240mg/dl. Có 7% trẻ 6-19 tuổi tại Mỹ có cholesterol tổng số cao.
Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người bị cholesterol cao (chiếm tỉ lệ 30%). Riêng khu vực thành thị, tỷ lệ người từ 25-74 tuổi có chỉ số cholesterol cao lên tới 44,3%. Đây là kết quả điều ra theo mẫu dịch tễ học, còn số lượng thực tế người bị mỡ máu cao có thể còn lớn hơn nhiều.
Mỡ máu là gì?
Mỡ máu hay còn gọi là lipid máu – một thành phần quan trọng của cơ thể bởi chúng tham gia vào cấu trúc tế bào của tất cả các mô, tham gia vào hoạt động của não bộ, sản xuất các nội tiết tố (hormon), dự trữ vitamin… Mỡ luôn có mặt trong máu của người bình thường và duy trì ở một giới hạn cho phép (giới hạn bình thường). Trong một số trường hợp, các thành phần của mỡ máu vượt khỏi giá trị bình thường nên được gọi là RỐI LOẠN MỠ MÁU.
Hậu quả của rối loạn mỡ máu
Rối loạn mỡ máu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh lý tim mạch. Hiện nay bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, cũng như tại Việt Nam. Đặc biệt, bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng và trẻ hóa do những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Bệnh xơ vữa động mạch là hậu quả của rối loạn mỡ máu lâu ngày, bệnh diễn biến thầm lặng hàng chục năm, cho đến khi xuất hiện các triệu chứng trầm trọng như: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ … Nguyên nhân của bệnh là do các mảng vữa xơ phát triển làm hẹp lòng động mạch, từ đó làm giảm cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho các tổ chức tại nơi động mạch đó đi qua, nghiêm trọng nhất là khi tắc nghẽn mạch máu tại não và tim gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Bản chất của các mảng xơ vữa: được hình thành từ chất béo, cholesterol, canxi và một số chất khác tích tụ trong thành động mạch. Theo thời gian, các mảng bám đó xơ cứng lại, rồi chúng có thể nứt và viêm loét tạo điều kiện cho các tiểu cầu kết dính với nhau hình thành huyết khối, cục huyết khối bong ra rồi di chuyển trong lòng mạch có thể gây tắc ở bất kì nơi nào chúng đi qua gây ra: nhồi máu não, tai biến mạch máu não, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… nặng có thể tử vong.
Vì vậy, xét nghiệm mỡ máu định kỳ không những có giá trị trong tiên lượng, chẩn đoán và theo dõi điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ mà còn có giá trị trong phòng bệnh tim mạch.
Bộ xét nghiệm mỡ máu cơ bản gồm 04 thông số:
TT | Thông số xét nghiệm | Giá trị bình thường | Tăng | Giảm |
1 | Cholesterol TP | 3,9 – 5,7 mmol/L | Rối loạn chuyển hóa mỡ, béo phì, xơ vữa động mạch, thận hư, suy giáp, đái tháo đường… | Suy kiệt, hội chứng kém hấp thu, ung thư… |
2 | Triglycerid | 0,46 – 1,88 mmol/L | Rối loạn chuyển hóa mỡ, béo phì, xơ vữa động mạch, thận hư, suy giáp, đái tháo đường | Suy kiệt, hội chứng kém hấp thu, biếng ăn… |
3 | HDL-C | ≥ 0,9 mmol/L | Xét nghiệm HDL-C có giá trị tiên lượng bệnh: nếu HDL-C tăng thì ít có nguy cơ xơ vữa động mạch | HDL-C giảm thì dễ có nguy cơ xơ vữa động mạch |
4 | LDL-C | ≤ 3,4 mmol/L | LDL-C càng cao thì nguy cơ xơ vữa động mạch càng lớn.
LDL-C tăng trong: béo phì, xơ vữa động mạch, đái tháo đường… |
LDL-C giảm trong: suy kiệt, cường giáp, kém hâp thu… |
Mời xem thêm: |
Lời khuyên của bác sĩ khi xét nghiệm mỡ máu:
- Những người cần xét nghiệm mỡ máu định kì:
Thừa cân béo phì (3 tháng/lần)
Có tiền sử gia đình mỡ máu cao (3 tháng/lần)
Xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, suy giáp, …(1 tháng/lần)
Hút thuốc lá, ít vận động (3 tháng/lần)
Đang điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ (1 tháng/lần)
Kiểm tra sức khỏe định kì (6 tháng/lần)
- Người bệnh cần nhịn ăn trước khi lấy máu làm xét nghiệm (Lấy máu tại thời điểm cách bữa ăn gần nhất ≥10 tiếng): để đảm bảo kết quả được chính xác nhất.
- Phân tích kết quả: phải do bác sĩ thực hiện và đưa ra lời khuyên cụ thể dựa trên việc tổng hợp: khai thác tiền sử gia đình, bệnh sử, các yếu tố nguy cơ và các xét nghiệm khác; nếu cần bác sĩ có thể xem xét để kiểm tra thêm các xét nghiệm thăm dò khác như: siêu âm, chụp mạch, điện tâm đồ, siêu âm Doppler…
- Thời gian trả kết quả: Bạn có thể nhận kết quả xét nghiệm mỡ máu trong vòng 1 – 2 giờ sau khi lấy máu xét nghiệm.
Chi phí xét nghiệm mỡ máu
Chi phí cho mỗi chỉ số thuộc bộ xét nghiệm mỡ máu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW chỉ khoảng từ 28.000 – 48.000 đồng. Như vậy, chỉ với khoảng từ trên 100.000 đồng đến 200.000 đồng, bạn đã có thể xét nghiệm cả bộ xét nghiệm mỡ máu. Vì vậy, đừng chần chừ, hãy đặt lịch xét nghiệm ngay bạn nhé.
Mời xem thêm: Chi phí khám và xét nghiệm theo yêu cầu |
Bài viết liên quan
17 loại thực phẩm càng ăn càng giảm mỡ máu cao
27 Tháng Hai, 2024Có những người ăn uống rất bình thường, nhưng vì sao các chỉ số mỡ máu, cholesterol vẫn cứ tăng lên? Có thể bạn chưa chọn được chế độ dinh…
Khai trương Tổng đài đặt lịch hẹn khám theo yêu cầu
05 Tháng Chín, 2022“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” – đó là điều mà ai ai cũng hiểu và cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, người dân ngày càng…
Thiếu máu ảnh hưởng đến nửa tỉ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
20 Tháng Chín, 2022Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính: tình trạng thiếu máu ảnh hưởng đến sức khỏe của nửa tỉ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 42% trẻ…