Chế phẩm huyết tương là gì và sử dụng trong trường hợp nào?
Huyết tương là thành phần đặc biệt có trong máu. Máu gồm nhiều thành phần với các chức năng khác nhau và liên quan mật thiết đến chức năng sống của cơ thể. Máu gồm hai phần chính: các tế bào máu (hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu) và huyết tương.
Huyết tương: là phần dung dịch, có màu vàng, thành phần chủ yếu là nước. Ngoài ra trong huyết còn có thành phần khác như: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng, các men…
Chế phẩm huyết tương là gì?
Chế phẩm huyết tương được điều chế từ máu toàn phần hoặc sau gạn tách bằng máy tách tự động, làm đông đến -25°C hoặc lạnh hơn để bảo toàn hầu hết các yếu tố đông máu.
Chế phẩm huyết tương gồm có:
- Huyết tương đông lạnh (HTĐL – frozen plasma);
- Huyết tương tươi đông lạnh (HHTĐL – fresh frozen plasma);
- Tủa lạnh giàu yếu tố VIII (Cryoprecipitate).
Ngoài ra còn có các sản phẩm chiết tách từ huyết tương, chế phẩm tái tổ hợp như:
- Dung dịch Albumin, khối cô đặc yếu tố VIII, IX;
- Tổ hợp prothrombin cô đặc;
- Khối cô đặc yếu tố VIIa tái tổ hợp;
- Các chế phẩm globulin miễn dịch…
Các đơn vị máu toàn phần sau khi ly tâm sẽ phân tách thành từng thành phần của máu: các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Huyết tương có màu vàng, thành phần chủ yếu là nước; ngoài ra còn có: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng…; huyết tương chiếm khoảng 53% – 63% trong máu. (ảnh: Công Thắng)
Huyết tương đông lạnh (Frozen Plasma)
HTĐL chứa phần lớn các thành phần như HTTĐL, nhưng nồng độ các yếu tố đông máu không bền vững (như yếu tố V, VIII) bị giảm đáng kể.
Chỉ định sử dụng
- Người bệnh có thiếu hụt các yếu tố đông máu gây chảy máu (bệnh gan, đông máu rải rác nội mạch…), hoặc bổ sung yếu tố đông máu trong, sau phẫu thuật mà không có thiếu hụt nghiêm trọng yếu tố V, VIII (gặp ở bệnh nhân hemophilia A);
- Truyền máu khối lượng lớn: bổ sung với truyền KHC;
- Giảm áp lực keo;
- Điều trị quá liều các thuốc ức chế vitamin K (quá liều thuốc chống đông loại warfarin…);
- Truyền hoặc thay huyết tương trong ban xuất huyết giảm tiểu cầu tắc mạch (TTP);
- Trao đổi huyết tương;
- Điều trị người bệnh thiếu một trong các thành phần protein huyết tương (albumin, C1 inhibitor…) trong khi không có các chế phẩm đặc hiệu thay thế.
Mời xem thêm: Hướng dẫn đặt lịch khám và chi phí dịch vụ y tế theo yêu cầu |
Bảo quản và lưu ý sử dụng
- HTĐL thường được bảo quản ở -18°C hoặc lạnh hơn trong thời gian 1 năm.
- HTĐL sau khi tan đông, được truyền trong vòng 30 phút.
- Trong trường hợp chưa sử dụng ngay, phải được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2-6°C không quá 14 ngày.
Huyết tương tươi đông lạnh (Fresh Frozen Plasma)
Huyết tương tươi đông lạnh (HTTĐL/FFP) được điều chế từ máu toàn phần trong vòng 18 giờ sau lấy máu, hoặc sau gạn tách bằng máy tách tự động, làm đông đến -25oC hoặc lạnh hơn để bảo toàn hầu hết các yếu tố đông máu.
Một đơn vị HTTĐL có các thể tích khác nhau, thông thường là 200 – 250 ml, chứa các protein huyết tương bao gồm các yếu tố đông máu, albumin và immunoglobulin. HTTĐL duy trì nồng độ các yếu tố đông máu không bền vững như yếu tố V, VIII.
Huyết tương tươi đông lạnh (HTTĐL/FFP) được điều chế từ máu toàn phần trong vòng 18 giờ sau lấy máu
Chỉ định sử dụng
Huyết tương tươi đông lạnh sử dụng như HTĐL, ngoài ra còn thêm các chỉ định dưới đây:
- Các tình trạng bệnh lý thiếu các yếu tố đông máu không bền vững (yếu tố V, VIII) bẩm sinh hoặc thứ phát mà không có các chế phẩm cô đặc thích hợp (như yếu tố VIII cô đặc, tủa lạnh giàu yếu tố VIII…).
- Điều trị thay thế tình trạng thiếu nhiều yếu tố đông máu như: giảm yếu tố đông máu bệnh gan, bệnh nhân truyền máu khối lượng lớn.
- Đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC).
- Xuất huyết giảm tiểu cầu do vón tiểu cầu.
Bảo quản và lưu ý sử dụng
- HTTĐL thường được bảo quản ở -18°C hoặc lạnh hơn trong thời gian 1 năm.
- HTTĐL sau khi tan đông, được truyền trong vòng 30 phút.
- Trong trường hợp chưa sử dụng ngay, phải được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2-6°C và truyền trong vòng 24 giờ. Nếu bảo quản ở 2-6°C quá 24 giờ thì phải hủy hoặc được chuyển thành HTĐL.
Tủa lạnh giàu yếu tố VIII (Cryoprecipitate)
- Tủa lạnh được sản xuất bằng cách giữ lại khoảng 10-20ml phần tủa hình thành trong quá trình làm tan đông HTTĐL.
- Tủa lạnh giàu yếu tố V, VIII, XIII, fibrinogen, vWF và fibronectin trong một lượng nhỏ thể tích.
- Tủa lạnh thường được cấp phát dưới dạng túi đơn hoặc pool (thường từ 6-8 túi đơn). Lượng yếu tố đông máu chủ yếu trong một túi tủa lạnh thể tích 80-120ml gồm: 240-280 đơn vị yếu tố VIII/túi, 600-650 mg fibrinogen/túi.
Chỉ định sử dụng
- Các bệnh thiếu hụt di truyền hoặc mắc phải yếu tố VIII (bệnh Hemophilia A), yếu tố vWF (bệnh von Willebrand), yếu tố XIII, fibrinogen.
- Các rối loạn đông máu có giảm nặng fibrinogen và các yếu tố đông máu khác gặp trong đông máu rải rác nội mạch, tiêu sợi huyết tiên phát hoặc thứ phát.
Bảo quản và lưu ý sử dụng
- Tủa lạnh giàu yếu tố VIII bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn -18oC trong 12 tháng.
- Sau khi tan đông, tủa lạnh cần truyền trong vòng 30 phút.
- Trong trường hợp chưa sử dụng ngay, phải được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2-6oC không quá 6 giờ.
- Có thể truyền tủa lạnh giàu yếu tố VIII không hòa hợp nhóm máu hệ ABO với liều không vượt quá 10ml/kg cân nặng cơ thể trong mỗi khoảng thời gian 12 giờ (người bệnh 50 kg có thể truyền 500ml tủa lạnh).
Các sản phẩm chiết tách từ huyết tương và chế phẩm tái tổ hợp
Các sản phẩm protein tinh chế có nguồn gốc chiết tách từ huyết tương người hoặc công nghệ tái tổ hợp, bao gồm albumin, immuno-globulin và các yếu tố đông máu như yếu tố VIIa, VIII, IX, phức hợp prothrombin…
Dung dịch albumin
Chế phẩm albumin được điều chế bằng cách chiết tách công nghiệp từ huyết tương của nhiều người hiến máu, đóng gói dưới dạng dung dịch albumin 5%, 20% hoặc các dung dịch protein giàu albumin có nồng độ albumin khoảng 5%.
Các chế phẩm yếu tố đông máu
- Khối cô đặc yếu tố VIII (Factor VIII Concentrates, AHF Concentrates)
- Khối cô đặc yếu tố VIII được điều chế từ huyết tương người hoặc công nghệ sinh học tái tổ hợp; được đông khô và bảo quản ở 2-8oC trong thời hạn quy định của nhà sản xuất; đóng gói loại 250 hoặc 500 hoặc 1000 IU/lọ.
- Truyền 1 đơn vị yếu tố VIII cho mỗi kg cân nặng có thể tăng 2% nồng độ yếu tố VIII trong huyết tương.
- Tái huyền dịch trước khi tiêm truyền. Thời gian bán hủy sau khi tiêm truyền của yếu tố VIII là 8 – 15 giờ.
-
Khối cô đặc yếu tố IX (Factor IX Concentrates)
- Khối cô đặc yếu tố IX được điều chế từ huyết tương người hoặc công nghệ sinh học tái tổ hợp; được đông khô và bảo quản ở 2-8oC trong thời hạn quy định của nhà sản xuất; đóng gói loại 350 – 600 IU/lọ.
- Truyền 1 đơn vị yếu tố IX cho mỗi kg cân nặng có thể tăng 1% nồng độ yếu tố IX trong huyết tương.
- Tái huyền dịch trước khi tiêm truyền. Thời gian bán hủy sau khi tiêm truyền của yếu tố VIII là 11 – 27 giờ.
-
Tổ hợp prothrombin cô đặc (prothrombin complex concentrates – PCC)
Tổ hợp cô đặc prothrombin điều chế từ huyết tương người có chứa yếu tố đông máu II, IX, X.
-
Khối cô đặc yếu tố VIIa tái tổ hợp (Recombinant Factor VIIa- rFVIIa)
Khối cô đặc yếu tố VIIa là glycoprotein điều chế bằng công nghệ tái tổ hợp, có đặc tính tương tự yếu tố VII của người, là dạng hoạt hóa của yếu tố VII hỗ trợ con đường đông máu ngoại sinh, mà không cần sự tham gia của yếu tố VIII và IX.
Các chế phẩm globulin miễn dịch (immunoglobulin)
-
Globulin miễn dịch dùng tiêm bắp
- Dung dịch đậm đặc chứa kháng thể IgG điều chế từ huyết tương có khả năng chống lại các tác nhân vi sinh vật. Có thể được điều chế từ huyết tương người được miễn dịch chủ động bằng vắc xin (viêm gan B) hoặc người trong giai đoạn hồi phục sau khi nhiễm bệnh (uốn ván, dại).
- Đóng gói dưới dạng dung dịch 1-2 ml/ống.
- Không được tiêm tĩnh mạch loại globulin miễn dịch dùng để tiêm bắp.
-
Globulin miễn dịch dùng tiêm tĩnh mạch
Là các chế phẩm immunoglobulin được tinh chế có thể an toàn khi tiêm truyền tĩnh mạch.
Các trường hợp chỉ định truyền huyết tương và các chế phẩm từ huyết tương
Cơ sở để chỉ định truyền huyết tương và các chế phẩm từ huyết tương
Dựa vào kết quả xét nghiệm đông máu, tình trạng lâm sàng bệnh nhân như:
- Rối loạn đông máu do thiếu hụt, tăng tiêu hủy hay do chất kháng đông: căn cứ vào mức độ bất thường của các xét nghiệm đông máu vòng đầu (fibrinogen, PT, APTT, D-Dimer, Fibrin monomer), các nhóm xét nghiệm chuyên sâu (xét nghiệm trộn, xét nghiệm chất kháng đông, định lượng các yếu tố đông máu/chống đông máu…), có kèm theo rối loạn về tiểu cầu hay không; Có nguy cơ chảy máu trong giai đoạn tiếp theo hay không (chuẩn bị can thiệp phẫu thuật/thủ thuật, chuẩn bị dùng thuốc gây ảnh hưởng đến đông cầm máu…)
- Có tình trạng chảy máu đang diễn biến, mức độ chảy máu, vị trí chảy máu.
- Giảm khối lượng tuần hoàn và giả áp lực keo.
- Loại bệnh đang mắc (bẩm sinh hay mắc phải) và mức độ đáp ứng với truyền chế phẩm huyết tương dự kiến.
- Yếu tố nguyên nhân của bệnh đã và đang được giải quyết hay chưa, đã hay đang ở giai đoạn phục hồi hay chưa.
- Lợi ích so với nguy cơ của truyền chế phẩm huyết tương.
Hướng dẫn chỉ định các chế phẩm huyết tương theo một số tình trạng lâm sàng như sau:
Tình trạng lâm sàng | Chỉ định truyền chế phẩm huyết tương |
Thiếu hụt yếu tố đông máu đơn độc | – Khi xác định rõ loại yếu tố thiếu hụt.
– Truyền loại chế phẩm cô đặc tương ứng với loại yếu tố thiếu hụt nếu có sẵn (yếu tố VIII, IX, VII, II, fibrinogen…). – Dùng HTTĐL cho hầu hết các trường hợp thiếu hụt yếu tố đông máu. – Dùng tủa lạnh yếu tố VIII nếu thiếu hụt các yếu tố: fibrinogen, yếu tố VIII, von Willebrand, yếu tố XIII. – Dùng HTĐL nếu thiếu hụt các yếu tố đông máu còn lại không có trong tủa lạnh. |
Truyền máu khối lượng lớn | – Khi bệnh nhân có rối loạn các chỉ số đông máu sau truyền máu ≥ 1 lần thể tích máu cơ thể.
– Truyền HTTĐL cùng với khối hồng cầu theo tỷ lệ 1:1, hoặc có thể sử dụng liều 12-15ml/kg mỗi 1-1,5 lần thể tích máu cơ thể được thay thế, duy trì tỷ lệ PT và APTT <1,5 so với chứng. – Nếu mức độ mất máu tiếp diễn, nguy cơ truyền máu còn lâu dài, cần dùng các xét nghiệm đông máu toàn thể (ROTEM/TEG…), định lượng yếu tố đông máu để bám sát liều chỉ định cần thiết. |
Giải độc tác dụng thuốc kháng Vitamin K | – Sử dụng HTTĐL hoặc phức hợp prothrombin cô đặc. |
Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP) |
– Sử dụng HTTĐL hoặc HTĐL để trao đổi huyết tương.
– Khi chưa có điều kiện trao đổi huyết tương, có thể truyền HTTĐL hoặc HTĐL để bổ sung enzyme ADAMST-13 đang thiếu hụt, cho đến khi bệnh nhân được trao đổi huyết tương. |
Bệnh lý gan | – Sử dụng HTTĐL nếu có bất thường xét nghiệm đông máu kèm chảy máu trên lâm sàng.
– Sử dụng HTTĐL để dự phòng khi có thủ thuật/phẫu thuật với xét nghiệm đông máu bất thường. |
Mổ tim | – Bệnh nhân đang chảy máu, cần khắc phục các rối loạn đông máu trong mổ, lựa chọn chế phẩm tùy theo mức độ rối loạn. |
Đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC) | – Chỉ dùng chế phẩm huyết tương khi rối loạn đông máu dẫn đến chảy máu trên lâm sàng.
– Thường truyền HTTĐL với liều 15 ml/kg, kèm theo tủa lạnh yếu tố VIII và tiểu cầu nếu cần. Nên duy trì PT và APTT < 1,5 so với chứng, fibrinogen > 1,5 g/l. |
Liều lượng và loại chế phẩm lựa chọn
- Chế phẩm huyết tương dạng cô đặc, tái tổ hợp được tính theo lượng hoạt tính yếu tố bổ sung cho mỗi kg cân nặng của bệnh nhân, tính theo công thức cụ thể của từng nhóm trong từng bệnh lý cụ thể.
- Với các chế phẩm như HTTĐL, HTĐL, liều truyền thông thường là 10-15 ml/kg cân nặng (cả trẻ em và người lớn). Mỗi liều giúp cải thiện yếu tố đông máu trung bình 20-30%.
- Với tủa lạnh yếu tố VIII, mỗi đơn vị có thể tích 100ml có thể giúp nâng fibrinogen của một bệnh nhân người lớn lên khoảng 0,5 g/l.
Trung tâm Máu Quốc gia
Bài viết liên quan
Bệnh nhân hôn mê gan được cứu sống nhờ thay huyết tương
08 Tháng Sáu, 2020Nhờ được thay huyết tương với các đơn vị huyết tương do Viện Huyết học – Truyền máu TW cung cấp, bệnh nhân hôn mê gan điều trị tại Bệnh…
Hướng dẫn đặt lịch hẹn khám bệnh theo yêu cầu
22 Tháng Tám, 2022Để khám bệnh, xét nghiệm máu nhanh chóng, thuận tiện, rút ngắn thời gian chờ đợi, quý khách hàng có thể đặt lịch khám theo yêu cầu tại Viện thông…
Gần 150.000 lượt người đã chọn gói xét nghiệm khi hiến máu
08 Tháng Mười, 2021Từ tháng 11/2018, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã triển khai gói xét nghiệm quà tặng cho người hiến máu tại Hà Nội. Đến nay, đã có gần…
Chi phí xét nghiệm máu tổng quát
14 Tháng Mười Hai, 2020Lợi ích của việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm máu tổng quát là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đa số người Việt Nam…
Tại sao phải tầm soát ung thư, ý nghĩa của xét nghiệm marker ung thư?
26 Tháng Năm, 2020Hiện nay trên thế giới, tỉ lệ tử vong do ung thư khá cao, đứng hàng thứ 2 sau tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Vì vậy, việc…