Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Hiểu biết thú vị về tế bào gốc máu dây rốn

Tế bào gốc nói chung và tế bào gốc máu dây rốn nói riêng có nhiều ứng dụng đã được nghiên cứu, ứng dụng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có các bệnh về máu và cơ quan tạo máu.

Viện Huyết học – Truyền máu TW trân trọng giới thiệu những hiểu biết cơ bản nhất về máu dây rốn và ứng dụng của tế bào gốc máu dây rốn trong điều trị.

tế bào gốc máu dây rốn

  1. Tế bào gốc là gì?

Trong cơ thể động vật, tế bào gốc (TBG) là loại tế bào không chuyên biệt, có khả năng tự sinh sản bằng cách phân chia tế bào (tự nhân lên chính nó) và biệt hóa để phát triển thành một hoặc nhiều loại tế bào chuyên biệt khác nhau.

Trong suốt thời gian đầu tăng trưởng của thời kỳ phát triển phôi thai, tế bào gốc có tiềm năng để phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau (biệt hóa) để tạo thành nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Trong cơ quan trưởng thành, TBG phục vụ như một hệ thống sửa chữa nội bộ, có thể phân chia và biệt hóa để bổ sung các tế bào khác nhằm duy trì sự tồn tại tự nhiên của sinh vật.

  1. Tế bào gốc có thể lấy từ những nguồn nào?

Ở người trưởng thành, tế bào gốc thu được chủ yếu là loại tế bào gốc thuộc nhóm cơ quan tổ chức và bắt nguồn từ chính những cơ quan nơi mỗi loại tế bào gốc đó tồn tại. Ví dụ: có thể dùng dịch tủy xương để lấy tế bào gốc tạo máu, dùng mô mỡ để lấy tế bào gốc mô mỡ, da để lấy tế bào gốc ở da…

Một số nguồn tế bào gốc không chỉ chứa một loại mà có thể chứa nhiều nhóm tế bào gốc khác nhau có thể dùng để điều trị cho nhiều nhóm cơ quan. Ví dụ: máu dây rốn là một nguồn tế bào gốc chứa rất nhiều loại tế bào và có tiềm năng chữa được nhiều bệnh về máu, mô liên kết…

  1. Máu dây rốn là gì?

Máu dây rốn là máu nằm trong mạch máu của dây rốn và bánh rau. Về bản chất, đây là máu của chính trẻ sơ sinh còn dư sau khi kẹp và cắt dây rốn, vì thế các xét nghiệm làm từ máu dây rốn cũng thể hiện đặc điểm của chính đứa trẻ.

Máu dây rốn chứa các tế bào máu bình thường và một lượng tế bào gốc rất đa dạng như: tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc phôi thai, tế bào gốc trung mô, các loại tế bào gốc đa năng khác.

Vì vậy, tế bào gốc máu dây rốn có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực huyết học và các lĩnh vực khác.

  1. Máu dây rốn có ưu điểm gì hơn so với các nguồn tế bào gốc khác?

Trong sinh sản bình thường, dây rốn và rau thai thường bị xử lý thải bỏ vì không có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, vì công nghệ tế bào gốc phát triển có thể phân lập tế bào gốc từ máu dây rốn nên đây trở thành nguồn tế bào gốc an toàn và dồi dào cho các bệnh nhân hiểm nghèo.

Thu thập tế bào gốc từ máu ngoại vi hay tủy xương cũng như các nguồn khác đòi hỏi chi phí cao, quy trình phức tạp, gây ảnh hường không nhỏ cho người hiến (chọc hút tủy xương, kích bạch cầu máu ngoại vi…). Yêu cầu về liều điều trị của máu dây rốn cũng thấp hơn và yêu cầu về mức độ hòa hợp của nhóm kháng nguyên bạch cầu ít nghiêm ngặt hơn so với các nguồn còn lại.

  1. Những bệnh nào có thể điều trị bằng tế bào gốc máu dây rốn?

Các bệnh lý của rất nhiều cơ quan có thể sử dụng đến ghép tế bào gốc; thường là những bệnh mà tế bào của cơ quan đã tổn thương không hồi phục, cần phải thay thế và tái tạo bằng tế bào gốc như: suy tủy xương, ung thư máu, cơ xương khớp, xơ gan, đái tháo đường, tổn thương giác mạc, tổn thương cơ tim, da…

  1. Nơi nào có khả năng thu thập và xử lý máu dây rốn?

Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương với đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại là cơ sở hàng đầu Việt Nam trong tuyển chọn, thu thập, xử lý và lưu giữ tế bào gốc tạo máu từ máu dây rốn.

Sản phẩm tế bào gốc từ máu dây rốn tại đây chủ yếu dùng để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh máu mạn tính và ác tính cũng như các nhu cầu khác trong tương lai.

  1. Máu dây rốn được thu thập như thế nào?

Máu dây rốn được thu thập bằng cách sử dụng túi dẻo vô trùng, tương tự như cách lấy máu của người hiến máu (ảnh: Vương Tuấn).

tế bào gốc máu dây rốn

Túi máu dây rốn ngay sau khi được thu thập (ảnh: Vương Tuấn).

Vị trí chọc kim là tĩnh mạch dây rốn, sau khi dây rốn đã được kẹp và cắt rời khỏi trẻ sơ sinh. Máu qua kim sẽ đi vào túi chứa dung dịch chống đông.

Sau khi lượng máu trong dây rốn đã hết thì rút kim, túi máu dây rốn được bảo quản và vận chuyển về Ngân hàng Tế bào gốc để xử lý nhanh trong vòng 24 giờ.

Để đảm bảo lấy được lượng máu tốt nhất, thời điểm thu thập máu dây rốn thường là giai đoạn sau khi đẻ thai và trước khi sổ rau (trẻ đã ra ngoài nhưng bánh rau còn nằm trong tử cung người mẹ). Trong một số tình huống sản khoa đặc biệt không thể thu thập ở giai đoạn trên, có thể thu thập máu dây rốn sau khi sổ rau. Bánh rau và dây rốn khi đó sẽ được xử lý ở khu vực riêng biệt để lấy được hết lượng máu còn lại trong các mạch máu.

Tuy nhiên, khi thu thập sau sổ rau thì thể tích và số lượng tế bào máu thường thấp hơn thu thập trước sổ rau. Vì vậy đa số các trường hợp nên thu thập trước sổ rau để được hiệu quả tốt nhất.

  1. Quá trình hiến máu dây rốn có ảnh hưởng gì đến thai nhi và sản phụ hay không?

Quá trình thu thập máu dây rốn hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ cũng như trẻ sơ sinh vì các bước chỉ tiến hành sau khi dây rốn đã được kẹp và cắt, trẻ sơ sinh đã được tách ra khỏi mẹ và dây rốn.

Máu dây rốn chỉ được thu thập sau khi trẻ sơ sinh đã chào đời an toàn (ảnh: Vương Tuấn).

  1. Tế bào gốc máu dây rốn sẽ được xử lý như thế nào trước khi bảo quản?

Máu dây rốn sau thu thập sẽ được xử lý với nhiều kỹ thuật chuyên sâu và phức tạp để phân lập, loại bỏ bớt các thành phần thừa như hồng cầu, huyết tương, giữ lại thành phần chính là lớp tế bào có nhân rất giàu tế bào gốc. Điều đó sẽ giúp khối tế bào gốc được tinh sạch, thu gọn thuận tiện hơn cho việc lưu trữ, bảo quản.

tế bào gốc máu dây rốn

Túi máu dây rốn được các kỹ thuật viên xử lý qua nhiều công đoạn và thực hiện ép để thu được lớp buffy coat chứa nhiều tế bào gốc (ảnh: Công Thắng)

Ngoài ra, mẫu tế bào gốc còn được tiến hành các xét nghiệm để đánh giá số lượng tế bào gốc, định nhóm máu ABO, Rh(D), sàng lọc các bệnh truyền nhiễm và bệnh tan máu bẩm sinh, đảm bảo đơn vị tế bào gốc được lưu giữ vừa đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như về tính an toàn.

Thực hiện các xét nghiệm để đảm bảo đơn vị tế bào gốc được lưu giữ vừa đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như về tính an toàn (ảnh: Công Thắng).

  1. Tế bào gốc máu dây rốn được bảo quản như thế nào? Có thể lưu giữ được bao lâu?

Tế bào gốc từ máu dây rốn sau khi xử lý được trộn với dung dịch bảo quản, hạ nhiệt độ theo chương trình đạt dưới -80°C, sau đó được bảo quản đông lạnh trong ni tơ lỏng ở nhiệt độ -150 đến -196°C.

tế bào gốc máu dây rốn

Sau khi được xử lý, sản phẩm tế bào gốc từ máu dây rốn được chuyển vào túi 2 ngăn để lưu trữ (ảnh: Công Thắng).

tế bào gốc máu dây rốn

Tế bào gốc máu dây rốn được bảo quản đông lạnh (ảnh: Công Thắng).

Tế bào gốc sẽ được bảo tồn đầy đủ chức năng vốn có với thời gian lưu giữ lâu dài. Hiện nay trên thế giới chưa có tài liệu công bố thời gian tối đa khi lưu giữ ở nhiện độ âm sâu nói trên, vì vậy về lý thuyết có thể lưu giữ không hạn chế về thời gian nếu có nhu cầu.

Khi cần dùng đến, chỉ cần đưa máu dây rốn về nhiệt độ cơ thể 37°C.

  1. Làm sao để biết một mẫu tế bào gốc máu dây rốn có phù hợp để sử dụng cho một người hay không?

Tế bào gốc máu dây rốn của một đứa trẻ có thể sử dụng cho bản thân đứa trẻ đó mà không phải đối chiếu khác biệt về gen.

Nhưng nếu đơn vị tế bào gốc máu dây rốn dự định sử dụng để ghép tế bào gốc tạo máu cho một người khác, điều kiện quan trọng nhất là phải hòa hợp về HLA giữa đơn vị máu dây rốn và người nhận (bệnh nhân). HLA còn được gọi là nhóm kháng nguyên bạch cầu (hiểu tương tự như hòa hợp về nhóm máu hồng cầu ở người truyền máu).

Do đó, nếu một người muốn sử dụng đơn vị máu dây rốn, cần tiến hành xét nghiệm HLA và đối chiếu với HLA của đơn vị máu dây rốn đó và đánh giá mức độ hòa hợp.

Nếu như không hòa hợp, bệnh nhân sử dụng máu dây rốn sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như: thải ghép, ghép chống chủ… Ngoài ra, mẫu tế bào gốc đó còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn về liều tế bào và các tiêu chuẩn an toàn để đảm bảo có thể sử dụng được cho người bệnh với cân nặng và tình trạng tương ứng.

Đối với việc ứng dụng máu dây rốn cho mục đích khác, sẽ có những tiêu chuẩn riêng dành cho từng chuyên khoa, cần có tư vấn cụ thể từ bác sĩ điều trị của chuyên khoa đó.

  1. Lượng máu dây rốn quá ít có đủ để sử dụng cho một bệnh nhân người lớn không?

Để ước tính một đơn vị tế bào gốc có thể sử dụng cho bệnh nhân hay không, người ta sử dụng khái niệm liều tế bào gốc, tức là lấy số lượng tế bào gốc trong đơn vị đó chia cho cân nặng của bệnh nhân.

Liều tế bào gốc trong máu dây rốn được tính toán khác với những nguồn khác vì đây là nguồn có tiềm năng cao, tức là số lượng tế bào và thể tích tuy nhỏ nhưng khả năng tăng sinh lại có thể mạnh hơn so với những tế bào gốc ở những nguồn khác. Liều tế bào gốc tối thiểu của máu dây rốn có thể ứng dụng cho bệnh nhân là 2 x 107 tế bào có nhân/kg và/hoặc 0,8 x 105 tế bào CD34/kg cân nặng bệnh nhân. (Tế bào CD34 là tế bào gốc tạo máu có tác dụng tự nhân lên và biệt hóa thành các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Trên bề mặt của nó có dấu ấn kháng nguyên CD34 để nhận biết).

Nếu một đơn vị tế bào gốc đáp ứng được liều nói trên thì có thể ứng dụng ngay, nếu không đáp ứng đủ thì lựa chọn một đơn vị khác có liều tế bào cao hơn hoặc có thể sử dụng 2 đơn vị tế bào gốc cùng lúc.

  1. Tế bào gốc đã hiến được sử dụng vào mục đích gì?

Tế bào gốc được sử dụng vào mục đích chính là điều trị bệnh nhân, chủ yếu là ghép tế bào gốc tạo máu. Hiện nay, đây là chỉ định ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam của nguồn tế bào gốc này.

Tuy nhiên, vì trong máu dây rốn còn nhiều loại tế bào gốc có tiềm năng lớn nên trong tương lai còn có thể sử dụng để tìm ra nhiều phương pháp điều trị hiệu quả hơn dựa trên công nghệ tế bào gốc, sửa chữa các mô/tổ chức bị tổn hại khác ngoài cơ quan tạo máu.

Các nhà khoa học trên thế giới cũng như tại Viện Huyết học – Truyền máu TW đang phát triển quy trình để tăng sinh các tế bào gốc trong máu dây rốn, giúp khắc phục nhược điểm về số lượng tế bào thấp của máu dây rốn và có thể ứng dụng được rộng rãi. Khi phát triển thành công, nguồn tế bào gốc này có thể dùng để sửa chữa những tổn thương của cơ, khớp, tim mạch, nội tiết, hệ thần kinh, hô hấp…

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà T, Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Điện thoại: (024) 37824267, 0963892551

Email: nihbtscc@gmail.com

Ngân hàng Tế bào gốc, Viện HH-TM TW

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan