Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Ngày Toàn dân hiến máu 7/4: Hiến máu cứu người – Hãy hiến thường xuyên

Kỷ niệm 21 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương mong muốn gửi đến cộng đồng và người dân cả nước thông điệp: Hiến máu cứu người – Hãy hiến thường xuyên.

Trước đó, ngày 07/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 07/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.

Đây được coi là bước ngoặt quan trọng cho phong trào hiến máu tình nguyện, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền, đoàn thể từ trung ương tới địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

 

Hiến máu đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều cơ quan, đơn vị và người dân cả nước (ảnh: Công Thắng).

Kể từ đó đến nay, ngày 7/4 hằng năm đã trở thành dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người; đồng thời khuyến khích, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu thường xuyên, nhờ đó đã tạo được phong trào hiến máu lan tỏa và rộng khắp ở các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Đại gia đình ông Lê Trung Truyền (Hưng Yên) mỗi năm đóng góp cả trăm đơn vị máu (ảnh: Văn Tuyến).

Nhân dịp tròn 20 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện, 7/4/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước. Trong thư có đoạn: “Vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình, Tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước”.

Năm 2020, mặc dù hoạt động truyền máu cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, cả nước đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu (tương đương gần 1,7 triệu đơn vị máu 250 ml); tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%; tỷ lệ dân số hiến máu đạt gần 1,5 %, góp phần cứu sống hàng ngàn người bệnh cần truyền máu.

Nói về ý nghĩa của việc hiến máu thường xuyên, TS. BS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương khẳng định: “Máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên. Việc đảm bảo tuyển chọn, duy trì được nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên và ổn định, đáp ứng được nhu cầu máu cho điều trị là một trong những yêu cầu cơ bản đối với các cơ sở truyền máu, là giải pháp quyết định để giảm thiểu tối đa những rủi ro cho người bệnh do lây nhiễm các mầm bệnh”.

TS. Bạch Quốc Khánh cùng nhiều nhân viên y tế của Viện thường xuyên tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu (ảnh: Mai Thương).

Hiến máu thường xuyên, theo TS. Khánh, là mỗi người đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu vào những thời điểm khan hiếm máu, theo nhu cầu của các cơ sở truyền máu, không chỉ trong những dịp kỷ niệm đặc biệt. Chỉ có như vậy thì hoạt động hiến máu tình nguyện mới phát triển bền vững, không xảy ra tình trạng thiếu máu theo mùa vụ, thiếu máu theo nhóm máu.

“Hiến máu tình nguyện đã là một điều cao quý, hiến máu tình nguyện mà lại hiến thường xuyên thì tuyệt vời nhất. Những người hiến máu thường xuyên luôn có ý thức giữ sức khỏe, đồng thời tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân người hiến máu và cả người bệnh được nhận máu. Máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên là chất lượng nhất và an toàn nhất”, TS. Khánh bày tỏ.

Một lý do nữa khẳng định tầm quan trọng của việc hiến máu thường xuyên đó là máu chỉ có thời hạn bảo quản và sử dụng nhất định. Khan hiếm máu đã khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động cấp cứu và điều trị cho người bệnh, nhưng tiếp nhận số lượng máu quá nhiều tại một thời điểm còn khó khăn hơn.

BSCKII. Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết: “Sự mất cân đối giữa lượng máu tiếp nhận và nhu cầu sử dụng máu tùy từng nhóm máu vào một số thời điểm có thể ảnh hưởng đến chất lượng lưu trữ và sử dụng của máu. Trong khi các chế phẩm máu chỉ có thời hạn bảo quản, lưu trữ nhất định: tối đa là 42 ngày với khối hồng cầu được bảo quản ở nhiệt độ 4 – 8 độ C hay khối tiểu cầu chỉ bảo quản được tối đa 05 ngày ở nhiệt độ phòng 20 – 24 độ C, kèm lắc liên tục”.

Thanh Hằng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan