Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

“Chỉ có mong muốn nhỏ bé là đủ sức khỏe để hiến tiểu cầu thường xuyên”

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Viết Hoài (35 tuổi, Hà Nội) – người đã có tổng cộng 51 lần hiến máu và hiến tiểu cầu và riêng 3 năm gần đây, anh đã ghi dấu 14 lần hiến tiểu cầu. Anh cũng mong muốn hoạt động hiến máu sẽ được lan tỏa đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các câu lạc bộ, đội nhóm…

Mong muốn nhỏ bé ấy của anh Hoài không phải dành cho bản thân mình, mà chính là tình thương con người, là trách nhiệm với cộng đồng để luôn sẵn sàng chia sẻ những “giọt vàng hi vọng” dành tặng người bệnh.

Hơn 80 gương mặt hiến tiểu cầu tiêu biểu đại diện cho hàng ngàn người hiến tiểu cầu thường xuyên đến tham dự chương trình gặp mặt diễn ra sáng nay 26/12 tại Viện Huyết học – Truyền máu TW đều có chung động lực, suy nghĩ và ước muốn giản dị như anh Hoài.

Phóng sự cảm động về những câu chuyện của người hiến tiểu cầu, về những mảnh đời được hồi sinh nhờ truyền tiểu cầu (thực hiện: Thanh Hằng, Lâm Tùng).

Khoảnh khắc đáng yêu của những người hiến tiểu cầu tại buổi gặp mặt.

Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức nhằm tri ân những đóng góp quý báu, thiết thực của những người hiến tiểu cầu và với sự đồng hành, hỗ trợ của Công ty Fresenius Kabi – một trong những đơn vị cung cấp thiết bị gạn tách tiểu cầu cho Viện.

Để có được tiểu cầu, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp từ 3 – 4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường. Tuy nhiên, loại chế phẩm tiểu cầu này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, ở nước ta cũng như trên thế giới, người ta áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến (với thời gian hiến trung bình từ 60 – 120 phút).

Những năm qua, cùng với sự phát triển của phong trào hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học – Truyền máu TW cũng như các một số Trung tâm Máu lớn đã triển khai thành công việc tiếp nhận tiểu cầu từ một người cho với sự chia sẻ, hỗ trợ của hàng vạn người hiến tiểu cầu.

TS. Trần Ngọc Quế – Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết: Tiểu cầu có chức năng kết dính với nhau bằng cách tạo các cục máu đông. Đời sống của tiểu cầu trong hệ tuần hoàn là 8 – 10 ngày, đời sống lưu trữ ngoài cơ thể là 3 – 5 ngày.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW chia sẻ: “Khoa học càng phát triển thì càng cần đến máu và chế phẩm máu. Ở nước ta, ngành truyền máu đã bắt kịp xu hướng của các nước trên thế giới, khi sử dụng máy tách tế bào để gạn tách tiểu cầu, phục vụ điều trị tại các bệnh viện. Trong 20 năm qua (2000 – 2020), riêng Viện tiếp nhận được 233.524 đơn vị khối tiểu cầu gạn tách. Tỷ lệ người hiến tiểu cầu thường xuyên đã tăng lên rất nhiều và có xu hướng tăng đều đặn; có những người đã hiến hơn 100 lần”.

TS. Khánh cũng rất xúc động và trân trọng những đóng góp của những người hiến tiểu cầu luôn coi việc làm của mình là nhỏ bé, tham gia vì đam mê, không cần sự biểu dương. 

Lần đầu tiên đi hiến máu, chị Nguyễn Thị Thu Hiền còn chưa biết Viện Huyết học – Truyền máu TW ở đâu và phải khá vất vả tìm đường đến Viện. “Đăng ký, kiểm tra sức khỏe rồi được gọi tên hiến máu, hóa ra hiến máu lại đơn giản đơn thế”, chị Hiền chia sẻ về cảm xúc vỡ òa của lần đầu tiên đầy hạnh phúc ấy. Để rồi cứ đủ sức khỏe, chị Hiền lại háo hức đi hiến máu và chuyển sang hiến tiểu cầu để giúp được nhiều người hơn.

Đến nay, chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã có 45 lần hiến máu và tiểu cầu, riêng tiểu cầu đã hiến 38 lần.

Anh Nguyễn Văn Khánh chia sẻ anh đều đặn di chuyển 40 cây số từ nhà ở Hưng Yên đến Viện Huyết học – Truyền máu TW hiến tiểu cầu. Trong tổng số 52 lần trao đi sự sống với người bệnh cần máu, anh đã có 18 lần hiến tiểu cầu.  

Tại buổi gặp mặt, những người hiến tiểu cầu cũng có cơ hội được gặp những người đã từng được truyền tiểu cầu, và rất có thể biết đâu chính những đơn vị tiểu cầu của họ đã trao đi ngàn hi vọng sống cho những người bệnh này.

Điều trị bệnh suy tủy từ năm 2016, lại có nhóm máu AB (nhóm máu chỉ chiếm 5% dân số Việt Nam), anh Đàm Đình Nguyên (quê ở Quảng Hòa, Cao Bằng) lại đều đặn vượt hàng trăm cây số về Hà Nội điều trị.

Nhiều lần phải chờ 1 – 2 ngày để có khối tiểu cầu nhóm AB, anh Nguyên lúc nào cũng mong mỏi được truyền tiểu cầu kịp thời.

Chị Trương Thị Minh Phương (Bắc Ninh) có sức khỏe ổn định hơn nhờ được truyền tiểu cầu thường xuyên sau 5 năm điều trị bệnh máu.

Xúc động trước tấm lòng của những người đã giúp mình vượt qua bao cơn bạo bệnh, bà Nguyễn Thị Xuân (quê Thanh Hóa, điều trị suy tủy xương từ tháng 6/2014) dùng hai chữ “đội ơn” để bày tỏ sự cảm kích trước nghĩa cử của những người không hề quen biết.

Bà Xuân chia sẻ: “Tôi đã biết bao lần trông ngóng từng giây, từng phút tiếng xe đẩy của các điều dưỡng vào phòng bệnh; bởi nghe âm thanh ấy là biết mình sắp được gọi tên đến lượt truyền tiểu cầu. Cảm giác khi ấy hạnh phúc, mừng vui đến chảy nước mắt. Có những lúc, nhất là dịp lễ 2/9, tôi phải chờ đợi tiểu cầu mà cảm giác dài như cả thế kỷ vậy. Bệnh viện bảo phải vận động người nhà hiến tiểu cầu mà người thân mình đi từ nhà cả 200 cây số thì liệu có kịp, vậy mà có những người âm thầm lặng lẽ mang lại sự sống tôi suốt bao năm qua”.

Chiếc bánh ngọt ngào với hình máy gạn tách tiểu cầu để kỷ niệm cho chương trình gặp mặt.

Người cho và người nhận chẳng mấy khi được gặp nhau. Nhưng hôm nay dù trong khoảnh khắc ngắn ngủi được lắng nghe những tâm sự, những câu chuyện của nhau; chúng tôi tin rằng người nhận đã được tiếp thêm ngàn hi vọng để chiến đấu với bệnh tật, còn người cho lại có sức mạnh vô hình để trao đời thêm nhiều sự sống.

Người cho cứ thế bền bỉ, cố gắng để hành động đẹp được duy trì thường xuyên, như lời người hiến tiểu cầu Trịnh Thị Hồng Thu (Hòa Bình): “Tôi muốn hiến được nhiều lần hơn nữa và hứa sẽ đồng hành với người bệnh đến khi nào người bệnh không cần chúng tôi nữa thì tôi mới bỏ cuộc”. Đó cũng chính là cách để những người hiến tiểu cầu gieo hạt, ươm mầm và giúp hồi sinh sự sống cho hàng vạn người bệnh cần máu.

Chị Trịnh Hồng Thu tại buổi gặp mặt và trong một phóng sự được thực hiện cuối năm 2018.

Khối tiểu cầu cho điều trị là một loại chế phẩm rất đặc biệt, chỉ dành để điều trị những trường hợp xuất huyết, chảy máu, rối loạn đông máu nặng nề, thường đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh. Khi đó, chỉ có đủ tiểu cầu mới mong cứu bệnh nhân khỏi mất máu trầm trọng. Với sự phát triển của y học hiện đại, việc sử dụng máy tách tế bào để gạn tách riêng tiểu cầu từ máu người hiến đã mang lại những tiến bộ, hiệu quả rõ rệt trong điều trị những bệnh lý như ung thư máu, suy tủy xương, xuất huyết giảm tiểu cầu, sốt xuất huyết, đa chấn thương hay những tai biến sản khoa ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…

Bài: Thanh Hằng, ảnh: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan

      “Tôi đã từng phải chờ đợi từng bịch tiểu cầu”

      08 Tháng Tư, 2020

      Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thu Trang, người đã sống chung với bệnh ung thư máu cách đây vừa tròn 1 năm. Khi đó, chị tưởng như mọi…

      Hiến tiểu cầu – bạn có biết?

      22 Tháng Một, 2020

      Bên cạnh hiến máu, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến việc hiến tiểu cầu. Vậy hình thức này có khác gì so với hiến máu toàn phần…

      Giành lại sự sống nhờ những đơn vị tiểu cầu

      25 Tháng Mười Hai, 2020

      Đã có những người bệnh không qua khỏi khi bị xuất huyết não, có những người mẹ không thể giữ được con vì tiểu cầu giảm quá sâu. Nhưng cũng…

      Các loại khối tiểu cầu cho điều trị

      25 Tháng Mười Hai, 2020

      Tiểu cầu là gì Tiểu cầu là loại tế bào rất nhỏ trong máu, làm nhiệm vụ cầm máu. Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm, loại thuốc rất…

      Truyền tiểu cầu khi nào?

      24 Tháng Mười Hai, 2020

      Trước đây, chị Hoàng Thanh N. (công nhân ở Bắc Ninh) sức khỏe hoàn toàn bình thường. Đến tháng 7/2020, chị thường xuyên bị chảy máu chân răng và kinh…